Dạy học mùa dịch: Chủ động, không chủ quan

GD&TĐ - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trong khi HS Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị đi học trở lại thì Quảng Nam và Quảng Ngãi có công văn thông báo kéo dài thời gian nghỉ cho đến hết ngày 21/2.

SV Trường ĐH Duy Tân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19 khi học tập trung tại trường. Ảnh: TG
SV Trường ĐH Duy Tân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19 khi học tập trung tại trường. Ảnh: TG

Điều này cho thấy, ngành GD các địa phương đã dựa trên nhiều yếu tố để chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp.

Thực hiện mục tiêu kép

Ngày 17/2, HS Đà Nẵng trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trước đó một ngày, các trường triển khai công tác vệ sinh, trường lớp, nhất là khử khuẩn bề mặt. Các trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường như đo thân nhiệt, khẩu trang, nước sát khuẩn, xà phòng… được rà soát, bổ sung. Thông qua kênh thông tin liên lạc giữa GV chủ nhiệm (CN) và phụ huynh, ban giám hiệu (BGH) các trường học nắm danh sách những HS rời khỏi Đà Nẵng trong dịp Tết Nguyên đán. Những thông tin này được BGH xử lý để có hướng dẫn phù hợp. Đà Nẵng có khoảng 20 trường hợp được cơ quan y tế hướng dẫn cách ly tại nhà do trở về từ địa phương có dịch. Các trường học chủ động bố trí người dạy thay GV thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan y tế. 

Từ khi HS đến trường trở lại, Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) duy trì việc phân công cán bộ y tế, Đoàn Thanh niên thực hiện đo thân nhiệt và sát khuẩn cho HS từ 6h15 mỗi sáng. Nhà trường chuẩn bị sẵn khẩu trang y tế để phát cho những em quên, mất khẩu trang. HS được nhắc nhở hạn chế tập trung đông vào giờ ra chơi. 

Trường THPT Phan Châu Trinh (TP Đà Nẵng) đặt bảng thông báo công tác phòng, chống Covid – 19 trước cổng trường, hạn chế không cho phụ huynh vào bên trong sân trường khi không thực sự cần thiết. Trong khu vực trường, có các bảng truyền thông thông điệp 5K, thông tin về địa điểm đặt dung dịch rửa tay sát khuẩn… 

Tương tự, Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) bổ sung thêm máy đo thân nhiệt cầm tay ngoài số máy đo thân nhiệt tự động được các đơn vị hỗ trợ trong đợt dịch trước. Các trường mầm non cũng kích hoạt trở lại  biện pháp phòng, chống dịch Covid – 19. Trường Mầm non – Tiểu học – THCS Đức Trí bố trí khu vực tiếp khách đến liên hệ công việc riêng biệt. Các hoạt động tập thể được tổ chức theo quy mô lớp thay vì toàn trường như trước đây. Công tác vệ sinh phòng học, nhất là khử khuẩn bề mặt được tăng cường. HS được đón ngay tại cổng trường và sân trường (với bậc học mầm non) để hạn chế phụ huynh đi vào khu vực lớp học. 

Trước ngày đi học trở lại, thông qua các kênh thông tin, HS của Trường THCS Phan Bội Châu (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) được nhắc nhở phải đeo khẩu trang từ nhà đến trường, từ trường về nhà và khi đến những nơi đông người. HS được khuyến cáo đem theo chai nước để uống riêng. Nếu gia đình em nào có người thân từ vùng dịch về quê ăn Tết thì báo với bảo vệ nhà trường và GVCN. 

Trường THCS Lương Thế Vinh đặt mái che tại khu vực đo thân nhiệt cho HS trước mỗi buổi học.
Trường THCS Lương Thế Vinh đặt mái che tại khu vực đo thân nhiệt cho HS trước mỗi buổi học. 

Linh hoạt kế hoạch và phương thức dạy học

Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: Để quyết định cho HS đến trường theo đúng như kế hoạch đã thông báo trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ngành GD dựa trên nhiều căn cứ, yếu tố. Ngày 6/2, UBND TP Đà Nẵng có quyết định lập chốt kiểm soát dịch liên ngành tại các vị trí cửa ngõ ra, vào thành phố. Căn cứ quan trọng nhất, cho đến thời điểm này, Đà Nẵng chưa có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng. 

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng: Ngoài căn cứ mà Sở GD&ĐT đã nêu, việc cho HS đi học trở lại còn để tránh không khí nặng nề sau Tết. “Trong khi thành phố chưa phát hiện ca nhiễm nào trong cộng đồng, việc HS nghỉ học sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động khác. Phụ huynh sẽ gặp khó khăn trong chăm sóc, quản lý khi các em không đến trường khi cha mẹ phải đi làm. Vì thế, chúng ta phải tiếp tục chủ động dự báo, nếu có vấn đề gì cho HS nghỉ học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến như đã từng triển khai trong năm 2020”,  ông Chinh nhấn mạnh. 

Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định kéo dài thời gian nghỉ Tết Nguyên đán của HS, SV cho đến hết ngày 21/2. Ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam giải thích: Trong thời gian nghỉ Tết, Quảng Nam là địa phương có công dân từ các địa phương có dịch về quê ăn Tết rất đông, nguy cơ dịch bệnh có  thể diễn biến phức tạp nếu không có những biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu. Sở GD&ĐT đã có tờ trình gửi UBND tỉnh xin chủ trương cho HS tiếp tục nghỉ học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để phòng, chống dịch Covid – 19. 

Với các cơ sở giáo dục đại học, tùy theo tình hình thực tế, có sự chủ động trong lựa chọn phương thức đào tạo. Do có nhiều SV có hộ khẩu thường trú ở Gia Lai và một số địa phương phía Bắc nên ĐH Đà Nẵng áp dụng phương thức dạy học trực tuyến từ ngày 22/2. Trong thời gian này, các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để SV, học viên, lưu HS quay lại học tập trung khi có thông báo của ĐH Đà Nẵng. 

Sau một tuần để SV làm quen với hệ thống học tập trực tuyến, từ 1/3, SV Trường ĐH Đông Á về trường để học tập. SV tiếp tục học tập trên hệ thống Elearning và vừa học tập tại trường theo thời khóa biểu để bảo đảm giãn cách số lượng SV tập trung tại trường hàng ngày.

Trường ĐH Duy Tân triển khai chương trình đào tạo từ ngày 22/2, áp dụng song song cả dạy học trực tuyến và tập trung trong 2 tuần học đầu tiên. Trường hợp SV trở lại trường từ các địa phương có dịch phải áp dụng các biện pháp cách ly theo quy định. Trong thời gian cách ly, SV học trực tuyến, giảng viên có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện hoàn thành chương trình học cho SV khi trở lại trường.

“Mỗi phòng học của trường đồng thời là một trường quay nên có thể áp dụng cả dạy học tâp trung và trực tuyến cùng lúc. Việc linh hoạt triển khai hình thức dạy học sẽ giúp nhà trường ổn định kế hoạch đào tạo, bảo đảm tiến độ học tập của SV. Nếu SV vùng dịch không đi học được đợt 1 có thể chuyển sang học đợt 2. Vì trường đào tạo theo hình thức tín chỉ, một học kỳ có 2 đợt nên không gặp khó khăn. Cố vấn học tập sẽ có trách nhiệm thống kê đầy đủ toàn bộ tín chỉ SV tham gia học tập”, TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho biết. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.