Định hướng nâng cao chất lượng dạy học Ngữ văn

GD&TĐ - Trên cơ sở các phân tích, đánh giá hạn chế, bất cập trong tổ chức dạy học môn Ngữ văn ở trường THCS hiện nay, Sở GD&ĐT Bến Tre đưa các định hướng để cán bộ quản lý, giáo viên dạy môn Ngữ văn cấp THCS trên toàn tỉnh thống nhất thực hiện.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhìn nhận ưu, nhược trong dạy học Ngữ văn

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Bến Tre, một trong những ưu điểm của thực hiện đổi mới dạy học Ngữ văn THCS trên địa bàn tỉnh là đội ngũ giáo viên đều đạt chuẩn đào tạo về chuyên môn; đa số nhiệt tình, năng động, nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tài liệu giảng dạy, tham khảo khá phong phú, đa dạng...

Giáo viên ra đề kiểm tra chú trọng đến hướng đổi mới theo hướng phát triển năng lực của học sinh; có chú ý ra đề “mở”. Phần lớn học sinh có tinh thần, thái độ học tập tốt. Môi trường giáo dục tốt, nhất là trong nhà trường tác động tích cực đến tinh thần, thái độ hoc tập của học sinh.

Tuy nhiên, cũng theo Sở này, phương pháp dạy học ở giáo viên chưa thật sự đổi mới. Phần dạy học hiểu văn bản, giáo viên còn đọc thay cho học sinh; chưa hướng dẫn học sinh đọc trực tiếp văn bản để lĩnh hội kiến thức theo sự hướng dẫn của giáo viên. Chưa tạo điều kiện, giúp học sinh tự học.

Giáo viên cũng chưa chú trọng rèn kĩ năng làm văn nghị luận cho học sinh. Phần lớn học sinh chưa viết được câu nêu luận điểm, dẫn tới không viết được đoạn văn trình bày luận điểm. Phần lớn giáo viên dạy kĩ năng làm văn hiện nay thông qua đề bài, hướng dẫn học sinh xây dựng dàn ý, viết thành văn bản. Học sinh chỉ việc chú ý nghe giảng, chép lại và học thuộc lòng. Như thế dạy thuộc lòng bài mẫu vẫn còn.

Việc ứng dụng CNTT trong dạy học còn nhiều hạn chế, thậm chí sử dụng hình ảnh thay cho ngôn ngữ (lẽ ra khơi gợi để học sinh liên tưởng, tưởng tượng tạo dựng hình tượng thì giáo viên lại cho học sinh xem hình ảnh) làm hạn chế năng lực cảm thụ tác phẩm văn chương...

Đề kiểm tra thường xuyên hoặc định kì còn giới hạn chỉ ở một số đề (dạng đề ôn tập); chỉ cho kiểm tra một trong các đề đã hướng dẫn ôn tập. Khâu chấm, chữa bài, chữa lỗi cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu chữa lỗi về ý tứ, chưa quan tâm đến chữa lỗi trình bày, diễn đạt...

Một số định hướng nâng cao chất lượng dạy học Ngữ văn

Bên cạnh việc yêu cầu tiếp tục tổ chức nghiên cứu, thực hiện các chỉ đạo của Sở GD&ĐT, Sở GD&ĐT yêu cầu tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học.

Theo đó, xác định chính xác mục tiêu bài học sát với chuẩn kiến thức, kĩ năng phù hợp với đối tượng học sinh. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động dạy học.

Vận dụng các hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực... nhằm tăng cường, phát huy tính tích cực, chủ động, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả ở trên lớp và ở ngoài lớp học; coi trọng giao nhiệm vụ và hướng dẫn học sinh học tập ở nhà, ở ngoài nhà trường.

Chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình; giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng.

Về đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá, Sở GD&ĐT yêu cầu tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục của môn học theo định hướng phát triển năng lực, phấm chất học sinh.

Thực hiện đánh giá thường xuyên với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau: đánh giá qua các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, báo cáo kết quả thực hành; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập... Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá này thay cho các bài kiểm tra hiện hành.

Việc xây dựng các đề kiểm tra học kỳ, cuối năm học cần thực hiện nghiêm túc theo ma trận, theo 4 mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Kết hợp một cách hợp lý giữa kiểm tra lý thuyết và thực hành. Tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn; tăng cường ra các câu hỏi mở...

Giáo viên khi chấm bài kiểm tra phải có phần nhận xét, hướng dẫn, sửa sai, động viên sự cố gắng, sự tiến bộ của học sinh.

Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các hiệu trưởng tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích tổ chuyên môn, giáo viên xây đựng và thực hiện chương trình dạy học theo hướng tinh giản, đáp ứng chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học, phù hợp với năng lực học sinh. Tăng cường chi đạo, tập trung đổi mới sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học.

Tổ chức các hoạt động dự giờ, rút kinh nghiệm để hoàn thiện từng bước cấu trúc nội dung, kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục; phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Không thực hiện đánh giá, xếp loại giờ dạy đối với các tiết dạy áp dụng các kỹ thuật, phương pháp dạy học mới nhằm tạo động lực thúc đẩy đổi mới sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường.

Từ ngày 19/10/2017 đến 30/10/2017, Sở GD&ĐT Bến Tre đã tổ chức hội thảo về nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn cấp THCS tại 9 huyện, thành phố.

Qua tham luận của cán bộ quản lý, giáo viên dạy môn Ngữ văn các trường THCS trên toàn tinh, Sở GD&ĐT đã có đánh giá tình hình dạy học Ngữ văn cấp THCS và những định hướng chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn cấp THCS trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.