Dạy học là sáng tạo không ngừng

GD&TĐ - Gần 9 năm là giáo viên tiểu học, cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy (Trường tiểu học Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) đã viết 3 sáng kiến kinh nghiệm và cả 3 đều được xếp loại B, C thành phố.

Quan niệm "dạy học là sáng tạo không ngừng", cô Nguyễn Thị Thu Thủy luôn hết mình trong mỗi bài giảng
Quan niệm "dạy học là sáng tạo không ngừng", cô Nguyễn Thị Thu Thủy luôn hết mình trong mỗi bài giảng

Điều đặc biệt, trong các sản phẩm khoa học của mình, cô giáo trẻ đều hướng tới sự đổi mới từ những hoạt động thường được coi là rất nhỏ trong bài. Những đổi mới đó góp phần giúp mỗi giờ lên lớp của cô luôn mới lạ, tràn đầy năng lượng.

Truyền lửa trong giờ dạy từ đổi mới những điều rất nhỏ

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ về sáng kiến năm 2009 của mình với sự đổi mới đa dạng trong các hoạt động củng cố bài cho học sinh thay vì câu hỏi truyền thống: Hôm nay các con học được điều gì?

Cô nói: Tôi mong muốn nội dung bài học được học sinh thẩm thấu qua các các bài hát, trò chơi, các tình huống giao tiếp thực tế... Học một cách tự nhiên, học trò sẽ nhớ kiến thức rất lâu.

Hay sáng kiến kinh nghiệm năm 2016, cô giáo trẻ đề cập tới nhiều hình thức thu hút và duy trì sự tập trung chú ý của học sinh trong một giờ Tiếng Anh ở tiểu học; từ các hình thức thu hút sự chú ý trực tiếp: vẫy tay, lối nói (ask and respond, chuông, còi),... đến các biện pháp duy trì trật tự trong suốt một tiết học (thi đua theo đội, dẫn dắt học sinh vào những câu chuyện kể của cô, các nhân vật hoạt hình, con rối...).

Giờ học diễn ra một cách tự nhiên, thoải mái nhưng thực chất là đang dưới sự kiểm soát rất chặt chẽ của cô giáo.

Để phổ biến nhân rộng, cô Thủy đã thể hiện thành các chuyên đề cấp Cụm, cấp Huyện để đồng nghiệp học hỏi, áp dụng cũng như chia sẻ lẫn nhau, với mong muốn giờ học ngoại ngữ mang đúng màu sắc đặc trưng, thoải mái, học mà như chơi, chơi mà như học, đem lại hiệu quả học tập cao nhất.

Sáng tạo của cô giáo Thủy còn thể hiện ở sự đổi mới đa dạng của các hoạt động luyện tập được biến đổi dưới nhiều hình thức trò chơi, kể chuyện. Từ trò chơi vận động đến những trò chơi được thiết kế như gameshow truyền hình, CNTT được sử dụng triệt để, các phần mềm hỗ trợ của Bộ GD&ĐT được khai thác tối đa như Iseebook, sachmem.vn, cũng như một số các phần mềm bản quyền của Genkienglish.com, kizschool.com...

Đồ dùng tự làm cũng được sử dụng đan xen linh hoạt, tạo ra sự hứng thú học tập rất lớn ở học sinh nhỏ tuổi.

"Đối với tôi, các kỹ thuật dạy học mới, các trò chơi cũng giống như thời trang, hôm nay có thể rất mới lạ, thu hút nhưng sau một thời gian sẽ giảm độ cập nhật, nên mỗi lần học hỏi hay tìm tòi ra một điều mới mẻ, tôi đều muốn chia sẻ với đồng nghiệp trong trường cũng như trong cụm qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, càng nhiều giáo viên hứng thú đổi mới thì càng nhiều học sinh được học những bài học hay" - cô giáo trẻ tâm sự.

Không ngừng học hỏi và sáng tạo

Giải thưởng nào rồi cũng qua đi, nhưng tình yêu nghề thì phải luôn còn mãi. Đó không chỉ là tinh thần trách nhiệm với nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn, mà còn là danh dự của một nhà giáo.
Cô Nguyễn Thị Thu Thủy

Dạy học là một nghệ thuật và người giáo viên chính là một nghệ sỹ. Với người nghệ sỹ tâm hồn, ngoài say mê công việc, sự sáng tạo là điều không thể thiếu.

Chia sẻ quan điểm này, cô Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, sáng tạo trong dạy học không chỉ để tạo ra sự khác biệt, tạo ra nét riêng của người giáo viên mà sáng tạo còn để nuôi dưỡng chính sự hứng thú của mình trong từng tiết dạy, để mỗi giờ lên lớp luôn mới lạ, tràn đầy năng lượng. Bên cạnh đó, thành công không thể thiếu niềm yêu thích, say mê và hết lòng về công việc.

Cô thủy tâm sự: Là một giáo viên cốt cán của huyện Gia Lâm về môn Tiếng Anh tiểu học, tôi may mắn được tham gia đầy đủ các kỳ tập huấn của Sở GD&ĐT về đổi mới phương pháp dạy học với những giảng viên dày dạn kinh nghiệm của Việt Nam, chuyên gia nổi tiếng của nước ngoài.

Những buổi tập huấn là những trải nghiệm quý báu về đổi mới phương pháp dạy học, những kỹ thuật dạy học tiên tiến càng làm tôi yêu thích công việc dạy Tiếng Anh cho trẻ em, thúc đẩy tôi say sưa tìm tòi những nguồn tài liệu quý báu từ những trang web giáo dục uy tín trong và ngoài nước, học hỏi những kỹ thuật dạy học hiện đại phù hợp với trẻ em.

Tôi luôn tự hỏi: tại sao giáo viên nước ngoài luôn có được một phong cách dạy học rất tự tin, cuốn hút, rất đặc trưng của môn học trong khi đó giáo viên Việt Nam mình lại chưa làm tốt được? Từ đó, luôn tự nhủ bản thân cần phải học hỏi một cách nghiêm túc để tạo ra bản sắc riêng của chính mình.

Ngoài học hỏi về phương pháp giảng dạy mới, kiến thức cũng là phần mà tôi đặc biệt ưu tiên trau dồi. Nhiều giáo viên có suy nghĩ: dạy Tiếng Anh cho trẻ em chỉ cần những kiến thức cơ bản, không cần học hỏi những kiến thức cao. Điều này nghe qua có vẻ đúng, nhưng nếu ngôn ngữ, kiến thức bị bỏ quên, lâu dần sẽ mai một khiến chúng ta kém tự tin khi làm việc với người nước ngoài, đặc biệt là khi đứng trước những kỳ thi chuẩn quốc tế của cả cô và trò.

"Học sinh tiểu học luôn có xu hướng bắt chước thầy cô, coi thầy cô là hình mẫu để noi theo, vì vậy tôi luôn hướng tới xây dựng hình ảnh một người giáo viên dạy ngoại ngữ hiện đại, mẫu mực, năng động, một cô giáo không ngừng học hỏi. Từ đó sẽ truyền cảm hứng học tập môn Tiếng Anh cho học sinh, khơi nguồn cho những mơ ước sau này của các em" - cô Thủy tâm sự.

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy 3 năm là giáo viên dạy giỏi cấp huyện; giải nhất trong hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp thành Phố năm học 2016-2017; 3 năm là chiến sỹ thi đua cơ sở; nhiều năm liền bồi dưỡng học sinh đạt giải nhất, nhì, ba cấp huyện và được lựa chọn tham dự vòng loại Olympic Tiếng Anh thành phố Hà Nội; có học sinh đạt giải nhì quốc gia Olympic tiếng Anh qua internet năm 2012 và những năm gần đây là giải khuyến khích thành phố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.