Dạy học Hóa học với mô phỏng và video clip

GD&TĐ - TS Phạm Ngọc Sơn và ThS Nguyễn Việt Hà (Trường CĐ Sư phạm Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, sử dụng mô phỏng và video clip trong dạy học Hóa học ở trường THCS.

Dạy học Hóa học với mô phỏng và video clip

Xây dựng học liệu điện tử

Để có thể thiết kế, xây dựng được hệ thống học liệu điện tử cần phải sử dụng các phần mềm chuyên dụng kết hợp với một số phần mềm khác. Đơn cử 2 phần mềm để xây dựng các mô phỏng hóa học và video clip cấu trúc phân tử các hợp chất hữu cơ.

Phần mềm ChemBioOffice - chuyên dụng dùng cho các môn Hóa học và Sinh học. Phần mềm này có nhiều chức năng khác nhau, quan trọng và cần thiết nhất là hai chức năng sau:

ChemBio3D Ultra: Thiết kế cấu trúc các phân tử dạng 3D cũng như cho biết đặc điểm cấu tạo và tính chất của các hợp chất hóa học.

ChemBioDraw Ultra: cung cấp các công cụ để vẽ các hợp chất hóa học cũng như sinh học dạng 2D, đồng thời cung cấp sẵn các công thức cấu tạo của các hợp chất quan trọng.

Có thể tải phần mềm về máy và cài đặt tại địa chỉ www.camsoft.com.

Phần mềm Adobe Flash là phần mềm chuyên dụng cho việc xây dựng, thiết kế các mô phỏng, phim hoạt hình. Đặc điểm nổi bật của phần mềm này là dung lượng không quá lớn, chỉ yêu cầu máy tính có cấu hình trung bình, mặt khác sản phẩm của phần mềm rất dễ sử dụng và nhẹ, chạy được trên tất cả các máy tính có cài window.

Hoá học là một môn khoa học thực nghiệm, do đó không có gì có thể thay thế được các thí nghiệm thực tế. Việc xây dựng các mô phỏng về thiết bị và diễn biến thí nghiệm chỉ đóng vai trò trợ giúp chứ không thể thay thế các thí nghiệm thật.

Do đó các thiết bị và diễn biến thí nghiệm được mô phỏng phải tuân thủ các tiêu chí: Các thí nghiệm có dụng cụ, thiết bị phức tạp, đắt tiền; các thí nghiệm cần sử dụng hóa chất độc hại, hiếm, đắt tiền; thí nghiệm đòi hỏi mất nhiều thời gian để lắp ghép dụng cụ, thời gian diễn biến nhiều; thí nghiệm có diễn biến khó hoặc không thể quan sát được bằng mắt thường.

Quy trình thiết kế mô phỏng

Bước 1: Để đảm bảo tính chính xác về mặt khoa học, cần phải nghiên cứu kĩ nội dung lí thuyết liên quan đến các mô phỏng cần xây dựng. Ngoài nguyên tắc bám sát nội dung kiến thức SGK, cần nghiên cứu chuyên sâu về các nội dung lí thuyết có liên quan đến các mô phỏng như cơ chế của phản ứng, cấu tạo nguyên tử, phân tử, trạng thái, màu sắc các chất phản ứng, sản phẩm ...

Bước 2: Xây dựng kịch bản

Tương tự như khi xây dựng một bộ phim, cần phải xây dựng kịch bản cho mô phỏng, như các bước di chuyển, quy trình các thao tác, biểu diễn của thí nghiệm, về nguyên tắc hoạt động, về màu sắc, ánh sáng, âm thanh ...

Bước 3: Thực hiện

Khi thực hiện cần phải xác định sử dụng các công cụ nào của phần mềm, có sử dụng ngôn ngữ lập trình Action crip hay chỉ làm việc trên Timeline. Nghiên cứu sử dụng kết hợp các phần mềm khác như Photoshop; ChemBioOffice ... Sử dụng thư viện của các mô phỏng và các nguồn khác.

Sử dụng mô phỏng và video clip trong dạy Hóa học

Sử dụng các mô phỏng theo phương pháp nghiên cứu sẽ kích thích tính tự giác, tích cực của học sinh (HS).

Khi quan sát các mô phỏng, HS thu nhận được các kiến thức của bài học thông qua việc quan sát và trả lời các câu hỏi của giáo viên (GV). Các kiến thức này sẽ có tính bền vững cao bởi nó được chính chủ thể HS phát hiện ra dưới sự hướng dẫn của GV.

Sử dụng mô phỏng để minh hoạ, làm rõ các nội dung kiến thức mà HS đã thu nhận được qua lời GV, qua đọc sách hay thảo luận.

Sử dụng phương pháp minh hoạ có tác dụng khắc sâu, làm rõ các nội dung kiến thức mà HS thu nhận được qua lời GV, qua đọc sách hay thảo luận. Các mô phỏng giúp HS làm rõ hơn các quá trình xảy ra trong thí nghiệm, trong quá trình diễn biến của hiện tượng mà HS khi đọc sách, nghe qua lời của GV chưa thể hình dung được hết các khía cạnh, đặc điểm cấu trúc của phân tử các chất. Tính trực quan khi kết hợp hình ảnh, âm thanh, lời thuyết minh giúp HS nhớ và hiểu kiến thức hơn.

Có thể sử dụng học liệu điện tử trong tổ chức hoạt động học theo góc. Trong hoạt động học theo góc, các học liệu điện tử được sử dụng ở góc quan sát hoặc góc trải nghiệm để HS có thể tự giải quyết vấn đề đặt ra và kiểm tra kết quả đạt được.

Sử dụng học liệu điện tử trong tổ chức hoạt động học theo hợp đồng: GV cung cấp các học liệu điện tử liên quan đến nội dung của hợp đồng, giao các nhiệm vụ và các phiếu hỗ trợ theo các mức độ khác nhau để HS thực hiện đáp ứng các trình độ, khả năng thực hiện nhiệm vụ.

Sử dụng học liệu điện tử trong tổ chức hoạt động học theo dự án: Học liệu điện tử trợ giúp đắc lực cho HS trong quá trình thực hiện dự án, ngoài các học liệu điện tử sẵn có, GV có thể hướng dẫn HS tìm kiếm, sưu tầm từ các nguồn tư liệu khác hoặc có thể thiết kế, xây dựng thêm. Nguồn học liệu điện tử phong phú giúp cho HS hứng thú hơn từ đó thu nhận thêm được nguồn kiến thức từ dự án một cách tích cực.

Nguồn kiến thức từ học liệu điện tử không chỉ làm rõ mà còn cung cấp thêm các kiến thức mà trong nội dung của SGK hay bài học trên lớp chưa cung cấp hết được. Học liệu điện tử cũng giúp cho HS hoàn thành dự án có chất lượng.

Sử dụng học liệu điện tử trong hướng dẫn tự học cho học sinh: Các học liệu điện tử có thể được sử dụng trong cả hai hình thức là tự học có hoặc không có sự hướng dẫn của GV.

Trong tự học ở nhà, GV cung cấp các học liệu điện tử đồng thời đặt ra các yêu cầu về nội dung kiến thức HS cần phải đạt được thông qua các câu hỏi, bài kiểm tra.

Mỗi loại học liệu điện tử cần xem xét và sử dụng một cách phù hợp với từng bài học. Đó có thể là tự học để củng cố kiến thức, tự học để chuẩn bị bài mới, tự học để ôn tập, tự đánh giá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.