Phân tầng, xếp hạng
Về giải pháp quy hoạch hệ thống trường sư phạm, các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra nhiều hiến kế trong thời gian qua. Theo ý kiến của ThS Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Công tác HSSV, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), để bảo đảm công bằng cho các trường sư phạm hiện nay (kể cả trường CĐ sư phạm), phân tầng, xếp hạng là một giải pháp phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Đầu tiên, mục đích quy hoạch các trường sư phạm là hướng tới việc quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực đào tạo GV, cũng như quyết định mức độ đầu tư công, nên sự tham gia của Nhà nước và hoạt động xếp hạng là đương nhiên. Nhà nước có thể giao cho một đơn vị độc lập xây dựng bộ tiêu chí xếp hạng dành riêng cho trường sư phạm. Các trường được tham gia vào quá trình xây dựng bộ tiêu chí: Xác định tiêu chí, trọng số, cách thức cung cấp dữ liệu. Bảng xếp hạng này chắc chắn được sự đồng thuận của các trường tham gia.
Ngoài ra, việc đánh giá, xếp hạng cơ sở giáo dục trong cùng lĩnh vực hoạt động giúp cho các tiêu chí, trọng số của bảng xếp hạng khách quan và cho kết quả chính xác hơn, đối sánh giữa các trường dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, việc cung cấp dữ liệu là bắt buộc khi các trường phải tham gia vào quá trình xếp hạng và quy hoạch lại mạng lưới. Đơn vị xếp hạng xây dựng cơ chế giám sát và cập nhật dữ liệu do các trường cung cấp.
Về phía Nhà nước, xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về hệ thống giáo dục ĐH, thí điểm cho các trường sư phạm. Trường ĐH thường xuyên cập nhật số liệu lên hệ thống kèm với minh chứng. Hệ thống sẽ tính toán điểm theo trọng số và tiêu chí định sẵn, cho ra kết quả điểm chung và vị thứ xếp hạng. Điều này thúc đẩy các trường liên tục phải vận động, điều chỉnh, phát triển để không bị tụt hạng.
“Từ kết quả xếp hạng trường sư phạm, chúng ta có thể phân tầng theo trường ĐH nghiên cứu và trường ĐH ứng dụng, hoặc có thể phân làm 3 loại hình: Trường sư phạm trọng điểm, trường sư phạm chủ chốt và trường vệ tinh. Muốn vậy, nhà quản lý cần xây dựng tiêu chí rõ ràng cho từng loại hình trường, trong đó quy định rõ sứ mệnh, chức năng, nhiệm vụ và quyền lợi, cần có sự can thiệp về mặt quản lý để nhà trường hoạt động đúng mục tiêu, phù hợp với sự phát triển của ngành Giáo dục” – ThS Nguyễn Vinh San nêu quan điểm.
Sứ mệnh trường cao đẳng sư phạm
Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn, lo lắng và lúng túng trong việc xác định phương hướng phát triển của các trường CĐ sư phạm. Về nội dung này, TS Hồ Cảnh Hạnh (Hiệu trưởng Trường CĐSP Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng: Với vai trò “máy cái”, trường CĐ sư phạm cần được đầu tư về mọi mặt để là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng GV, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và là trung tâm văn hóa, khoa học sư phạm của địa phương. Sứ mệnh này nhằm thực hiện chính sách được quy định trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, Điều lệ trường CĐ sư phạm.
Một trong những giải pháp giúp trường CĐ sư phạm thực hiện sứ mệnh trên, theo TS Hồ Cảnh Hạnh, cần phân tầng đào tạo. Theo đó, trường ĐH sư phạm đào tạo trình độ sau ĐH là chủ yếu và đào tạo trình độ ĐH (một số ngành trường sư phạm địa phương không đào tạo được hoặc nhu cầu không lớn). Trường CĐ sư phạm đào tạo trình độ chuẩn; liên kết, phối hợp với trường ĐH sư phạm đào tạo trình độ trên chuẩn (ĐH).
Cùng với đó, sắp xếp lại mạng lưới trường sư phạm theo hướng trở thành phân hiệu trường ĐH sư phạm; sáp nhập với ĐH hoặc phát triển thành trường sư phạm với tên gọi (trường sư phạm + địa danh). Việc sắp xếp lại mạng lưới trường sư phạm cần có lộ trình cụ thể tương ứng với các điều luật liên quan. Chẳng hạn, trong giai đoạn trước mắt có thể giao trường CĐ sư phạm đào tạo chuyển tiếp cho các trường ĐH sư phạm.
“Trường sư phạm là hệ thống vừa đào tạo GV vừa bồi dưỡng cán bộ quản lý, GV, nhân viên ngành Giáo dục; đồng thời nên là trung tâm học tập cộng đồng, có hệ thống trường chất lượng (mầm non, phổ thông) là các cơ sở thực hành, thực tập sư phạm. Trước mắt, cần có những quy định bằng văn bản điều hành hoặc văn bản quy phạm pháp luật để các địa phương (mà trực tiếp là sở GD&ĐT) giao nhiệm vụ cho trường sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, GV và nhân viên cho ngành. Trong đó hiện tại có thể giao nhiệm vụ cho trường sư phạm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng GV thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới; bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên ngành Giáo dục” – TS Hồ Cảnh Hạnh chia sẻ.