Ngành sư phạm và Chương trình GDPT mới: Đồng hành cùng đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Trước yêu cầu đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29, ngành sư phạm đã bắt nhịp, đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao trình độ giảng viên. Đồng hành cùng đổi mới và liên kết chặt chẽ với trường phổ thông là phương châm mà các trường, khoa sư phạm đang nỗ lực thực hiện…

Trước yêu cầu đổi mới giáo dục, ngành sư phạm bắt nhịp và đổi mới chương trình đào tạo.
Trước yêu cầu đổi mới giáo dục, ngành sư phạm bắt nhịp và đổi mới chương trình đào tạo.

Đi trước một bước

Nhấn mạnh vai trò của đội ngũ GV trong Chương trình GDPT mới, GS Võ Tòng Xuân nêu quan điểm: “Không chỉ đổi mới chương trình mà việc hết sức quan trọng là đào tạo đội ngũ giáo sinh ở các trường sư phạm và bồi dưỡng đội ngũ GV hiện tại để có thể đáp ứng tốt Chương trình GDPT mới. Có chương trình tốt, cơ sở vật chất đầy đủ nhưng thiếu thầy giỏi rất khó thành công”.

Theo GS Võ Tòng Xuân, thay đổi đóng vai trò then chốt trong mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT chính là hệ thống các trường sư phạm - đây là cỗ “máy cái” đào tạo GV. Người thầy trong thế kỷ 21, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ dạy những điều đã học trong phạm vi chương trình, nhà trường mà phải “mở”, liên tục cập nhật kiến thức và phải dạy những gì xã hội, thời đại cần, chứ không phải dạy những gì mình có.

Hiện hệ thống các trường sư phạm đang thực hiện nhiều giải pháp để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là Chương trình GDPT mới. Theo PGS.TS Trần Thị Thanh Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường ÐH Cần Thơ, năm 2020, Bộ GD&ĐT tăng thêm 1.150 chỉ tiêu cho 13 ngành đào tạo sư phạm tại Trường ĐH Cần Thơ, nâng tổng chỉ tiêu tuyển của khối ngành này lên 1.500 SV. Việc tăng chỉ tiêu cho các trường ĐH trọng điểm cả nước nói chung, Trường ÐH Cần Thơ nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo GV phục vụ Chương trình GDPT mới của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước.

Theo các trường, ngành đào tạo GV năm nay tăng hơn năm ngoái do nhu cầu xã hội, đặc biệt là đào tạo đội ngũ để đáp ứng lộ trình áp dụng Chương trình GDPT mới, đặc biệt ở một số môn học mới như Âm nhạc, Mĩ thuật, Tin học, Giáo dục trải nghiệm...

TS Lương Thanh Tân - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp cho rằng: Xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi công tác đào tạo phải cung cấp được nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển bền vững của đất nước. Để thực hiện nhiệm vụ này, GD-ĐT nói chung, GDĐH nói riêng, không những phải mở rộng quy mô mà còn không ngừng nâng cao chất lượng. Tháng 11/2019, Trường ĐH Đồng Tháp được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng 3 chương trình đào tạo sư phạm trình độ ĐH: Sư phạm Toán học; Hóa học; Giáo dục Tiểu học. Đây là quả ngọt của sự phấn đấu không ngừng và đồng thuận tuyệt đối của tập thể nhà trường với quyết tâm cam kết mạnh mẽ thể hiện trách nhiệm với xã hội thông qua chất lượng đào tạo.

Nhập cuộc để đáp ứng  yêu cầu đổi mới

SV Khoa Sư phạm Trường ĐH Đồng Tháp trong giờ thực hành.
SV Khoa Sư phạm Trường ĐH Đồng Tháp trong giờ thực hành.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nở - nguyên Trưởng khoa Sư phạm (Trường ĐH Cần Thơ), việc tăng cường kết nối, thông tin hai chiều giữa Khoa Sư phạm và các trường phổ thông hết sức quan trọng. Với cơ sở GD&ĐT khu vực ĐBSCL, Khoa Sư phạm Trường ĐH Cần Thơ đã chủ động biên soạn tài liệu, chương trình để bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ cán bộ, GV. Khoa còn tìm đến các cơ sở GD&ĐT trong vùng để trao đổi, đào tạo theo nhu cầu. Theo đó, địa phương nào có nhu cầu bồi dưỡng cho GV theo các chuyên đề, khoa sẽ biên soạn tài liệu theo hướng phối hợp để nâng cao chất lượng bồi dưỡng. 

Giảng viên sư phạm còn tham gia hỗ trợ, phối hợp với GV các trường phổ thông để hướng dẫn SV làm đề tài tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật… “Công tác hỗ trợ, hợp tác này theo tôi rất quan trọng. Qua đó tạo kênh thông tin hai chiều giữa nơi đào tạo và sử dụng GV. Đây còn là hoạt động khẳng định vai trò, vị trí của Trường ĐH Cần Thơ và Khoa Sư phạm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên khu vực ĐBSCL”, PGS.TS Nguyễn Văn Nở nhận định.

Thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, Trường ĐH Đồng Tháp sẽ thu học phí với SV sư phạm khóa tuyển sinh từ năm 2019. Tuy nhiên, trường sẽ hoàn trả học phí cho SV sư phạm chuyên ngành Toán học, Hóa học, Tiểu học được tuyển sinh bắt đầu từ năm 2019, nếu ra trường thất nghiệp. Theo PGS.TS Trần Quang Thái - Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Đồng Tháp),  với 3 ngành học đang hướng đến đào tạo chất lượng cao là Sư phạm Toán học, Hóa học, Giáo dục Tiểu học, nhà trường khẳng định sẽ hoàn trả học phí 4 năm cho SV nếu không có việc làm, không có chỗ dạy sau khi ra trường.

Thời gian qua, trường ký kết hợp tác đào tạo với Sở GD&ĐT Đồng Tháp, các phòng GD&ĐT trên địa bàn và cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm kết nối chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu sử dụng, tăng cường thực hành nghề nghiệp. Song song đó, trường cũng xây dựng cơ sở dữ liệu về việc làm của SV tốt nghiệp theo từng năm.

Vì vậy, cam kết hoàn trả học phí là một giải pháp để tạo động lực, tự tạo áp lực để người dạy và người học phải cùng nỗ lực thay đổi, sáng tạo. Cũng là để cơ sở đào tạo khẳng định chất lượng đào tạo, bên cạnh hệ thống các giải pháp đổi mới quản trị nhà trường và hướng về người học…

Chia sẻ về vấn đề đào tạo GV Chương trình GDPT mới, GS Võ Tòng Xuân cho biết: Vấn đề đổi mới trong đào tạo GV không đơn giản. Gần như các môn học sẽ đổi mới về nội dung kiến thức và phương pháp dạy học.

Trường sư phạm phải có giải pháp đào tạo GV đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Song song đó là công tác bồi dưỡng, đào tạo lại cho đội ngũ nhà giáo các cấp học, để khi Chương trình mới triển khai sẽ thông suốt trong hệ thống, từ trường sư phạm cho đến trường phổ thông…

Trường sư phạm cần phải chú ý nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ nhà giáo. Khi thầy giỏi chuyên môn, ngoại ngữ thì trò tự khắc sẽ được nâng cao năng lực, đặc biệt là giao tiếp song ngữ.

“Đổi mới cơ bản nhất của giáo dục Việt Nam, trước tiên là chương trình đào tạo sư phạm. Vấn đề này không được xem thường, phải thẳng thắn nhìn nhận chất lượng đội ngũ GV phổ thông của ta để thiết kế lại chương trình đào tạo. Làm sao mỗi GV tốt nghiệp phải đạt trình độ cơ bản chuẩn về tiếng Việt và tiếng Anh (hoặc ngoại ngữ khác); phải đạt trình độ chuẩn các môn học mới, chương       trình mới…”. GS Võ Tòng Xuân 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.