Dạy-học bằng bản đồ tư duy: Những điều chưa kể

Dạy-học bằng bản đồ tư duy: Những điều chưa kể

Ý tưởng áp dụng bản đồ tư duy trong dạy học xuất phát từ chuyện kể của một du học sinh nước ngoài, khiến cha mẹ cháu quyết tâm nghiên cứu đề xuất đưa phương pháp tiên tiến này vào trường học Việt Nam.

TS Trần Đình Châu cùng với TS Đặng Thị Thu Thuỷ - là hai tác giả đầu tiên ở Việt Nam phổ biến BĐTD tới hệ thống các trường phổ thông. Hai người biết đến BĐTD là nhờ con gái- con thứ hai của gia đình họ. Qua câu chuyện về các giờ học thú vị bằng BĐTD mà cô con gái kể lại trong dịp về nước nghỉ hè năm 2006, TS Châu có suy nghĩ rằng: tại sao không tìm cách nghiên cứu áp dụng phương pháp này vào Việt Nam và áp dụng như thế nào cho phù hợp?

Sắc màu dạy - học bằng BĐTD ở nước ngoài


Sáng ngày 22/ 8/2011 mới đây, 3 sinh viên giỏi người Singapore đã đến tham quan Văn phòng Dự án THCS II. Khi được đề nghị chia sẻ những kỉ niệm tại Việt Nam, họ hào hứng cùng vẽ lại hành trình Hà Nội - Sapa - Vịnh Hạ Long bằng những nhánh cây tư duy thú vị.

Cheryl Cheah - hiện là sinh viên trường Imperial College London cho biết: Tại Singapore, BĐTD là một phương pháp học mà hầu hết học sinh đều được làm quen từ khi mới 11-12 tuổi. Ở độ tuổi đó, trường Raffles Girls’ School, nơi cô học đã mời riêng một chuyên gia về hướng dẫn và giúp các học sinh có thể vẽ BĐTD ngay sau đó. Theo Cheryl, cô và các bạn đã rất hào hứng học tập bởi bị cuốn hút bởi màu sắc, hình ảnh rực rỡ và ghi nhớ nhanh kiến thức.

“Thầy cô rất linh hoạt trong việc áp dụng BĐTD trong giảng dạy. Thầy cô có thể giới thiệu BĐTD ở đầu hoặc cuối bài giảng. Cũng có khi sau một bài giảng, thầy cô đưa ra chủ đề chung và yêu cầu học sinh đóng góp các ý, các nhánh để vẽ BĐTD ôn tập chính bài giảng trong buổi hôm đó. Nhiều khi thầy cô giao bài tập về nhà cho học sinh tổng kết kiến thức đã học bằng BĐTD. Theo kinh nghiệm của bản thân em, nếu thầy cô giới thiệu bài giảng bằng quá trình lập BĐTD và sau đó kết thúc bài học bằng chính BĐTD đó sẽ giúp học sinh nhanh chóng nắm ngay được ý chính của bài học, nhớ nhanh hơn và lâu hơn”, Chua Song Guan, sinh viên trường National Taiwan Univesity chia sẻ.

Nói về lợi ích của việc học bằng BĐTD, Cho Wen Jing - sinh viên trường Warwick University cho biết: “Khi ở lứa tuổi nhỏ và vừa, bài học còn đơn giản, việc sử dụng BĐTD rất thuận tiện vì dễ làm, dễ nhớ. Ở các lớp cuối phổ thông và các bài học phức tạp hơn thì không thể chỉ sử dụng BĐTD mà phải kết hợp thêm nhiều phương pháp khác. Để ôn tập lại các bài học trong một cuốn sách, ngoài việc học bình thường, em và các bạn cũng thường tóm tắt mỗi chương thành một BĐTD và lưu trữ lại thành một tập. Sau đó, chúng em lật lại tập BĐTD đó để ôn tập, nhớ lại những kiến thức cơ bản nhất. Một lợi ích rất lớn của BĐTD là khi học và làm việc theo nhóm. Mỗi người có thể đóng góp một ý vào BĐTD hoặc phụ trách vẽ một BĐTD riêng biệt sau đó sẽ ghép lại thành một bức tranh tổng thể.”

Từ 2011, ứng dụng phương pháp BĐTD rộng khắp


Nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng BĐTD trong giảng dạy, học tập, làm việc, kinh doanh… từ 15-20 năm nay. Nhưng người Việt mới chỉ biết đến BĐTD trong vài năm trở lại đây.

Giữa lúc cả xã hội bức xúc với “đọc - chép” và thói quen “học vẹt” của nhiều học sinh thì việc ứng dụng BĐTD cùng với các phương pháp dạy học tích cực khác đã đem lại rất nhiều lợi ích. TS Trần Đình Châu đã chủ trì nhóm nghiên cứu một cách kĩ lưỡng và tham mưu được với Bộ GD-ĐT đưa thành chuyên đề ứng dụng BĐTD hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học tới các cán bộ quản lý và giáo viên THCS.

“Với thời gian chưa dài vận dụng BĐTD trong dạy học môn Hóa học bản thân tôi thấy có nhiều mặt tích cực. HS nắm kiến thức bài học một cách chủ động hơn,không khí hoạt động của HS trong các giờ học sôi nổi, mọi HS đều tích cực tham gia. Có thể khẳng định đây là một biện pháp để chống HS ngồi sai lớp” - Thầy Đặng Ngọc Thuận (trường Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình).

Trong 3 năm gần đây , TS Châu cùng các cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Giáo dục Việt Nam, Dự án Phát triển Giáo dục THCSII kết hợp với Vụ Giáo dục Trung học và Cục Nhà giáo của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT các tỉnh đến các vùng miền của đất nước để nghiên cứu và nhân rộng dần phương pháp mới này với hy vọng sẽ giúp học sinh thoát khỏi lối học vẹt, đóng góp phần mình vào công việc chung của ngành giáo dục. Trên 30 bài báo khoa học cùng với 4 cuốn sách: “Dạy tốt- học tốt các môn học bằng bản đồ tư duy” dùng cho GV và HS từ lớp 4 đến lớp 12 và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học của hai Tiến sỹ Châu, Thuỷ do Nhà xuất bản giáo dục phát hành đã thu hút mạnh sự quan tâm của các cấp quản lý giáo dục và đội ngũ thầy cô giáo, phụ huynh và các em học sinh phổ thông.

Năm 2010, ứng dụng BĐTD trong dạy và học đã được triển khai thí điểm tại 355 trường trên toàn quốc và được cả giáo viên cũng như học sinh các trường hồ hởi tiếp nhận. Nhiều Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo sau khi được Dự án THCSII tập huấn cho cốt cán cấp THCS đã chủ động phổ biến đến cả cấp tiểu học và trung học phổ thông. Kết quả ghi nhận ban đầu cho thấy: việc vận dụng BĐTD trong dạy học sẽ dần hình thành cho HS tư duy mạch lạc, hiểu biết vấn đề một cách sâu sắc, “định vị trong đầu” được các kiến thức, sự kiện cơ bản, có cách nhìn vấn đề một cách hệ thống, khoa học, học tốt không chỉ kiến thức trong sách vở mà còn cả từ thực tiễn cuộc sống.

Trước kết quả khả quan này, năm 2011, Bộ GD-ĐT đã quyết định đưa chuyên đề phương pháp dạy học bằng BĐTD thành 1 trong 5 chuyên đề tập huấn cho giáo viên THCS trên toàn quốc.

Qua thực tế ứng dụng, nhiều giáo viên đánh giá: Kết hợp với các phương pháp dạy học tích cực khác (ứng dụng công nghệ thông tin, bàn tay nặn bột,… ) mà ngành giáo dục đã và đang triển khai, BĐTD sẽ là đòn bẩy góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giúp học sinh tích cực chủ động và có tư duy tốt hơn.

Theo Vietnamnet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.