Dạy đổi mới, học sáng tạo thay đổi Giáo dục về chất

GD&TĐ - Không chỉ thay đổi trong diện mạo, Giáo dục ở Điện Biên đang “thay da đổi thịt” bằng sức lan tỏa của phong trào “dạy đổi mới, học sáng tạo”…

Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” tại Điện Biên được gắn liền với chất lượng giáo dục của mỗi đơn vị.
Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” tại Điện Biên được gắn liền với chất lượng giáo dục của mỗi đơn vị.

Dạy đổi mới, học sáng tạo

Một tiết học Mĩ thuật của cô giáo Hoàng Minh Trang và học sinh lớp 2A2, Trường Tiểu học số 1 thị trấn Tuần Giáo diễn ra đầy hào hứng và thú vị. Không bị áp lực theo khuôn mẫu, những cô, cậu bé người bản địa được vô tư, thoải sáng tạo, biến những hình khối thô sơ thành sản phẩm theo trí tưởng tượng của mình.

“Đây là một trong những tiết học theo chuyên đề về dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh mà ngành đang triển khai. Với cách dạy này, giáo viên chúng tôi được giao quyền chủ động, tự sáng tạo, thiết kế bài giảng cho mình dựa trên những nghiên cứu phù hợp với đời sống, văn hóa của học sinh. Chính vì vậy, các em rất thích thú khi được sáng tạo trên những điều quen thuộc” – cô Trang chia sẻ.

Cũng theo chia sẻ này của cô Trang, thì do xác định Mĩ thuật là môn học đặc thù mang tính chất thực hành nên trường luôn coi trọng mỗi sản phẩm học sinh làm ra bằng cách tạo cơ hội cho các em trưng bày, giới thiệu ở những nơi phù hợp hoặc ngay trên không gian lớp học. Từ đó, các em được cảm nhận về sản phẩm của cá nhân, nhóm mình nên rất phấn khởi, hào hứng với các tiết học sau.

Còn tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên, do là đơn vị giáo dục nghề nghiệp nên nhà trường đã khuyến khích và hướng hoạt động đào tạo gắn liền với công tác hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Là sinh viên ngành Sư phạm Mỹ thuật, Vàng A Bẩy (K22MT) đã vận dụng những kiến thức thầy cô truyền thụ cùng với kỹ năng quan sát thực tế, để xây dựng ý tưởng cà phê kí họa chân dung.

Bẩy bộc bạch: “Trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ có khá nhiều quán cà phê, song đa phần đều thiết kế theo một mô tuýp chung. Khách đến ngoài việc thưởng thức đồ uống thì chưa có nhiều sự trải nghiệm. Vì thế, em đã nghĩ ngay đến việc mở quán cà phê kết hợp kí họa chân dung. Vừa mang đến nét độc đáo, mới lạ, tạo sức hút riêng, nhưng cũng là để thỏa sức đam mê, sáng tạo với nghề mình đang học”.

Với sự giúp đỡ, kết nối của thầy cô, đội làm Kí họa chân dung gồm 5 sinh viên của ngành sư phạm mỹ thuật có chung đam mê, kiến thức và chuyên môn hội họa được thành lập. Vừa tổ chức hoạt động thông thường của 1 quán cà phê, các em vừa vẽ tranh kí họa cho khách.

Học sinh được "làm chủ" việc tiếp nhận kiến thức và tự do sáng tạo.
Học sinh được "làm chủ" việc tiếp nhận kiến thức và tự do sáng tạo.

“Bước đầu quán đã giúp chúng em có thu nhập phục vụ quá trình học tập. Song quan trọng là em có định hướng tương lai cho mình, bằng chính ngành nghề đang học” – Bẩy nói.

Cô Phạm Thu Hường, Bí thư Đoàn trường cho hay: “Để đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo, những năm gần đây nhà trường không chỉ tập trung vào công tác giảng dạy, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp mà còn tạo dựng môi trường thực hành, nghiên cứu, học tập thuận lợi cho sinh viên. Suốt quá trình đó, mỗi cán bộ, giáo viên sẽ sát cánh để vừa định hướng vừa khích lệ tinh thần cho các em”.

Không rập khuôn, máy móc

Tại Trường THPT Phan Đình Giót (TP. Điện Biên Phủ) phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” được triển khai linh hoạt gắn với từng nhiệm vụ chuyên môn.

Cô giáo Lê Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ mục đích của phong trào, Ban Giám hiệu trường xác định rõ đối tượng học sinh từng năm, từng lứa tuổi để xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung phù hợp với điều kiện thực tế chứ không máy móc theo bất cứ khuôn mẫu  nào”.

Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến kế hoạch giáo dục, các hoạt động trải nghiệm, giao lưu bị hạn chế, nhà trường đã chú trọng hướng dẫn học sinh phát triển kỹ năng bản thân, sáng tạo khoa học kỹ thuật.

“Nhờ vậy, năm học vừa qua trường có 2 dự án đạt giải trong Hội thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh; 3 giải Khuyến khích cuộc thi An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai cấp quốc gia; 38 em đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh...”, cô Hà nói.

Năm học này, nhà trường yêu cầu các tổ nhóm chuyên môn thay đổi hoạt động sinh hoạt theo nghiên cứu bài học, nhằm tăng cường đổi mới phương pháp và thiết bị vào giảng dạy đề phát huy năng lực, phẩm chất học sinh. Đồng thời để giáo viên bắt nhịp kịp với việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là thực hiện đổi mới sách giáo khoa lớp 10 năm học 2022 - 2023.

Đối với bậc học mầm non, trẻ luôn trở thành trung tâm của các hoạt động giáo dục.
Đối với bậc học mầm non, trẻ luôn trở thành trung tâm của các hoạt động giáo dục.

Còn tại Trường Mầm non Võ Nguyên Giáp, xã Mường Phăng (huyện Điện Biên) mỗi năm học đều xây dựng kế hoạch với nhiều hoạt động, chủ đề khác nhau. Năm học này, nhà trường chú trọng thực hiện hai chủ đề “Trường mầm non của bé”, “Bản thân tôi”.

Theo cô Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trường nhà trường, thì để triển khai có hiệu quả, tại các buổi sinh hoạt chuyên môn, trường tổ chức lấy ý kiến của giáo viên. Từ đó kịp thời cập nhật, điều chỉnh hoàn thiện chương trình cho phù hợp với đặc điểm của các khối lớp và bối cảnh của địa phương.

“Nhà trường thường xuyên quan tâm, chỉ đạo tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu hứng thú của trẻ. Đặc biệt là đảm bảo theo phương châm “chơi mà học, học bằng chơi”. Trong đó, ưu tiên chuẩn bị cho trẻ em 5 tuổi làm quen với việc học đọc, viết theo hướng liên thông với Chương trình Tiểu học” – cô Thanh cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cho biết: Ngành đã xây dựng riêng một kế hoạch Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” cho cả giai đoạn 2020 – 2025, với 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp cụ thể. Mục tiêu là phong trào thi đua phải trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên gắn chất lượng giáo dục của mỗi đơn vị. Trong đó, đề cao vai trò của người đứng đầu trong quản lý, khích lệ và lan tỏa phong trào, tùy vào tình hình cụ thể tại mỗi cơ sở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.