Rèn kỹ năng tự bảo vệ bản thân
Khi con bạn đến tuổi đi học, bé không cần phải biết quá chi tiết về những mối đe dọa bên ngoài và cũng không nên biến chúng thành những cơn ác mộng của bé. Tuy nhiên, có một kỹ năng cơ bản bạn nhất thiết phải dạy bé là kỹ năng tự bảo vệ bản thân.
TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) chỉ ra các chú ý trong khi giao tiếp với người lạ cho trẻ:
- Tuyệt đối không đi theo người lạ, ngay cả khi họ nói là sẽ giúp bé tìm đường về nhà.
- Nếu bị lạc ở trung tâm mua sắm hay khu vui chơi đông người, sau khi đứng tại chỗ chờ một lúc lâu không thấy bố mẹ, bé hãy đến nói với các chú bảo vệ hoặc cô bán hàng nhờ họ thông báo lên loa. Sau đó ngoan ngoãn đứng ở đó chờ bố mẹ đến đón.
- Không nhận quà bánh của người lạ: Để đề phòng những món quà, bánh, kẹo đó có tẩm thuốc mê, bé ngửi hoặc ăn vào sẽ bị trúng mưu của kẻ xấu, bố mẹ nên dạy trẻ không nhận bất kỳ món đồ nào người lạ cho mà phải từ chối khéo léo rằng “bố mẹ cháu không cho phép nhận”.
Sau đó, bé hãy tìm đến chỗ có người lớn hoặc chú bảo vệ đứng để tránh bị người lạ kia tiếp tục dụ dỗ. Trong trường hợp người đó cứ bám theo ép bé ăn hay bắt lên xe thì phải quẫy đạp và hét thật to để mọi người đến cứu.
- Khi người lạ nhận là bạn của bố mẹ đến trường đón bé: Để tránh trường hợp trẻ bị dụ dỗ vì tưởng là người quen, phụ huynh cần dạy trẻ không được tin lời người lạ, kể cả người nhận là bạn của ba mẹ, thậm chí biết cả tên ba mẹ và tên của bé. Trong trường hợp nhận ra họ là hàng xóm hay người quen thì bé hãy quay vào trường báo cho cô giáo biết, rồi nhờ cô gọi điện cho ba mẹ để xác minh xem có đúng là họ được nhờ đến đón không.
- Bị lạc cha mẹ: Trong bất kỳ tình huống nào, nguyên tắc đầu tiên bé cần nhớ là bình tĩnh, không khóc lóc hay chạy lung tung mà nên đứng yên tại chỗ để chờ, vì bố mẹ sẽ quay lại tìm bé. Trong trường hợp bị lạc ở ngoài đường, bé có thể mượn điện thoại của một người đi đường hoặc chú công an để gọi bố mẹ đến đón.
Không làm cho con thiếu tự tin khi giao tiếp
TS Vũ Thu Hương cho biết, khi dạy trẻ những nội dung này, chắc chắn các bé sẽ có đôi chút sợ hãi. Điều này sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến khả năng giao tiếp thoải mái tự tin của bé. Chuyên gia chỉ ra phương thức để dạy con mà không làm cho con thiếu tự tin khi giao tiếp với người lạ:
Cha mẹ hãy chỉ cho con những ví dụ về người tốt và người xấu quanh con (người ở cùng khu vực sống mà các bé đã biết). Những người xấu là những người đã có một số hành vi không tốt. Con sẽ hiểu là thế giới gồm có người tốt và người xấu. Con chỉ cần né tránh những người không tốt là đủ rồi.
Nếu việc tìm kiếm ví dụ trở nên khó khăn, cha mẹ hoàn toàn có thể vận dụng các ví dụ trong các câu chuyện cổ tích, câu chuyện ngụ ngôn để bé có thể hiểu được. Từ đó, bé sẽ có thể hiểu được và thực hiện theo lời dặn dò của cha mẹ trong những trường hợp mà bé đang ở một mình.
TS Hương nhấn mạnh: “Dạy con là một quá trình khó khăn và đầy bất ngờ. Trang bị kiến thức cho con để con tự lo lắng cho bản thân mình là phương án tối ưu để tạo sự an toàn cao nhất cho con trẻ. Rèn luyện cho trẻ những kỹ năng này, bạn nên thường xuyên nhắc nhở hoặc diễn tập các tình huống để giúp con hiểu cách ứng phó trong mọi hoàn cảnh. Khi đưa ra các tình huống giả lập này, bạn nên hỏi ý kiến của bé trước, nếu bé xử lý đúng hãy khen bé và đề nghị bé làm đúng như vậy nếu tình huống thật xảy ra. Còn nếu bé không biết xử lý hoặc xử lý sai hãy giải thích cho bé hiểu và dạy bé cách xử lý đúng nhất.