Tuy nhiên, nếu học được kỹ năng quan trọng này từ sớm, trẻ có thể nhận được nhiều lợi ích khi trưởng thành. Emidio Amadebai - Chuyên gia về kỹ năng giao tiếp đã chia sẻ một số “mẹo” giúp trẻ thuyết trình tốt hơn.
Nghiên cứu
“Điều đầu tiên và quan trọng nhất, cha mẹ cần dạy trẻ hình thành thói quen nghiên cứu về bất cứ điều gì con sẽ trình bày. Điều này không chỉ giúp trẻ trang bị tốt hơn cho bài thuyết trình, mà còn truyền cho các em tinh thần trách nhiệm và tính độc lập”, ông Amadebai nhận định.
Khi trẻ học cách tự nghiên cứu nội dung, chúng có toàn quyền kiểm soát tình hình. Đó sẽ là bước đầu tiên trong việc thuyết trình trước đám đông. Tuy nhiên, cha mẹ chỉ nên hướng dẫn. Trong khi đó, trẻ mới là người “ngồi trên ghế lái” và có thể quyết định.
Tổ chức bài thuyết trình
Để hiểu và nắm vững bài thuyết trình một cách hiệu quả, trước hết, trẻ cần sắp xếp theo một trình tự hợp lý. Do đó, phụ huynh cần dạy con cách sắp xếp tất cả chi tiết trong bài thuyết trình. Cụ thể, đâu là điểm chính quan trọng, đâu là nội dung phụ. Như vậy, trẻ sẽ biết quản lý khối lượng lớn một cách hợp lý.
Theo ông Amadebai, học cách quản lý hoặc sắp xếp bài thuyết trình sẽ giúp trẻ có trải nghiệm thực tế hơn khi phát biểu. Ngay sau sắp xếp xong, trẻ cần ghi nhớ thông tin cụ thể về bài thuyết trình.
Luyện tập trước một nhóm
Chìa khóa để ghi nhớ thông tin dưới bất kỳ hình thức nào là thực hành đều đặn. Khi được yêu cầu tập dượt trước một nhóm người, như các thành viên trong gia đình hay bạn bè, trẻ sẽ làm tốt hơn và có nhiều trải nghiệm về thuyết trình.
Ngoài ra, ông Amadebai cho rằng, sẽ rất có lợi nếu trẻ mặc cùng bộ trang phục vào ngày luyện tập và thuyết trình thực tế. Như vậy, con sẽ có cảm giác thoải mái hơn và bớt căng thẳng. Trẻ cũng sẽ cảm thấy, đang có những gương mặt thân quen hỗ trợ tinh thần.
Đưa con đến địa điểm thuyết trình
“Giúp con có cảm giác về địa điểm trình bày bài phát biểu chính là chìa khóa thành công. Trước ngày trẻ phát biểu, cha mẹ nên đưa con đi tham quan và tập tại nơi diễn ra sự kiện. Đây thường là hội trường hoặc lớp học. Đối với trẻ, đứng trên sân khấu có thể rất quá sức và không thực tế nếu con chưa bao giờ làm vậy”, chuyên gia Amadebai nhấn mạnh.
Do đó, để trẻ tập dượt tại địa điểm phát biểu sẽ giúp con chuẩn bị tâm lý cho những gì sắp xảy ra. Sau đó, trẻ có thể có cảm giác thực tế về toàn bộ địa điểm khi chơi xung quanh sân khấu. Trẻ cũng sẽ có trải nghiệm thú vị khi chứng kiến khán giả “giả”, bao gồm bạn bè thân thiết và các thành viên trong gia đình, ở địa điểm này.
Kỹ năng nói rõ ràng
Trẻ em thường lo lắng và sợ hãi sân khấu khi thuyết trình. Do đó, trẻ có xu hướng nói lắp hoặc trình bày quá nhanh. Thậm chí, giọng của trẻ cũng dao động. Những yếu tố này có thể cản trở bài thuyết trình và khiến người nghe khó theo dõi.
Để hạn chế tình trạng này, cha mẹ cần dạy con hít thở sâu trước khi phát biểu. Ngoài ra, nên có sẵn nước vào ngày thuyết trình đề phòng trẻ cảm thấy khát và mệt mỏi.
Người truyền cảm hứng
Hình mẫu đầu tiên một đứa trẻ có trong đời là cha mẹ. Do đó, để giúp con thuyết trình tốt hơn, cha mẹ có thể quay video về bản thân và đăng lên mạng xã hội. Trẻ sẽ đặc biệt vui mừng khi thấy cha mẹ làm như vậy. Thậm chí, con có thể thực hiện lại những gì cha mẹ làm. Như vậy, trẻ sẽ bắt đầu ghi lại hành động thuyết trình của mình.
“Hầu hết, trẻ em sinh ra trong thời đại kỹ thuật số đều là những người am hiểu công nghệ. Điều đó cho phép việc tạo video bằng điện thoại hoặc máy tính trở nên rất dễ dàng đối với trẻ”, ông Amadebai nói.
Sau khi xem lại video thuyết trình, cha mẹ có thể đưa ra một số lời khuyên và phê bình mang tính xây dựng.
Bớt lo lắng
Không ai tránh khỏi lo lắng khi xuất hiện trước công chúng, trừ khi trẻ là người chuyên nghiệp trong việc phát biểu trước đám đông. Do đó, cha mẹ được khuyến khích hãy giúp con cảm thấy thoải mái bằng cách quan tâm và hỗ trợ trước bài thuyết trình.
“Nhiệm vụ của bạn với tư cách là cha mẹ hoặc người chăm sóc, là cung cấp sự hỗ trợ thích hợp để trẻ kiểm soát sự lo lắng. Hướng dẫn chúng cách hít thở sâu và luôn nhớ rằng, cha mẹ đang tận tâm giúp đỡ”, chuyên gia Amadebai gợi ý.
Dù đã trải qua bao nhiêu giờ luyện tập để chuẩn bị cho bài phát biểu, một đứa trẻ vẫn sẽ có những giây phút thiếu tự tin ngắn ngủi. Bởi vậy, đó cũng là lúc cha mẹ cần xuất hiện để trấn an và nâng cao tinh thần trẻ. Những gì chúng ta có thể gọi là động lực, đặc biệt là từ “hình mẫu” lớn nhất từ trước đến nay của họ - cha mẹ, có thể là tất cả những gì trẻ cần để lấy lại sự tự tin.
Không “đọc kịch bản”
Trẻ em chưa đủ trưởng thành để hiểu rằng, thuyết trình là một phương tiện truyền tải thông tin đến khán giả. Vì vậy, chúng có thể bị kích thích và bắt đầu đọc toàn bộ ý tưởng trong bài cho khán giả. Mục đích của các trang chiếu PowerPoint là đưa ra và sắp xếp một số ý chính trong bài. Tuy nhiên, phụ huynh được khuyến khích nên dạy con chọn từng ý một và giải thích lần lượt.
Giao tiếp bằng mắt
“Trẻ cũng nên giao tiếp bằng mắt một cách thích hợp với khán giả khi phát biểu. Giao tiếp bằng mắt tốt toát lên vẻ tự tin và uy quyền. Một số trẻ có thói quen nhìn vào giáo viên hoặc giám khảo của sự kiện khi thuyết trình, đặc biệt là khi chúng đang lo lắng hoặc tìm kiếm sự xác nhận”, ông Amadebai nói.
Tuy nhiên, thực tế, phụ huynh cần dạy trẻ tập trung toàn bộ sự chú ý vào khán giả. Con cần tránh bị phân tâm và không nên tự biến mình thành người “nhìn chằm chằm” vào ban tổ chức thay vì truyền đạt thông tin.