Dạy con cách làm đẹp hợp tuổi

GD&TĐ - Nhiều quan điểm cho rằng, cha mẹ dạy con làm đẹp quá sớm có thể khiến trẻ đua đòi. Tuy nhiên, biết làm đẹp, biết yêu bản thân là điều cần thiết.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bởi vậy, tuổi nào nên bắt đầu dạy con làm đẹp là câu hỏi mà nhiều cha mẹ rất quan tâm.

Tuổi nào bắt đầu làm đẹp?

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, có 85% - 90% các bé gái sau khi dậy thì bị mụn trứng cá, do đây là tuổi da có xu hướng nhờn, nhiều dầu, dễ gây mụn, thay đổi nội tiết. Nếu không làm sạch da, da mụn rất dễ để lại các vết thâm, sẹo trên mặt. Chăm sóc da là để cải thiện và phục hồi những vấn đề của da, giúp da trở nên ổn định hơn, đẹp hơn.

Hiện nay, xu hướng các bé gái dậy thì rất sớm, có bạn từ 8 tuổi hay 9 tuổi. Chị Phương Thảo (Thanh Xuân, Hà Nội) có con gái tuổi teen băn khoăn, nếu không dạy con chăm sóc da từ sớm thì e rằng khi trưởng thành da của con sẽ bị thô, lỗ chân lông rất to, mất thẩm mỹ.

Câu hỏi mà chị Phương Thảo cũng như nhiều cha mẹ đặt ra là tuổi nào bắt đầu dạy con chăm sóc da mặt hay làm đẹp là phù hợp.

Theo Tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Hương – Trung tâm Kỹ năng Cá Siêu Quậy, phái nữ bắt đầu tiếp xúc với tiêu chuẩn sắc đẹp từ khi họ được sinh ra. Do vậy, việc khi nào các cô gái bắt đầu có nhu cầu làm đẹp chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

Độ tuổi phù hợp nhất để bắt đầu sử dụng mỹ phẩm nói riêng và làm đẹp nói chung có lẽ là 15 tuổi. Dù vậy, cha mẹ cần quan sát độ trưởng thành của con mới có thể biết được khi nào là sớm hay muộn do sự trưởng thành của mỗi trẻ mỗi khác.

Trong thời đại công nghệ, giới trẻ tiếp xúc với mạng xã hội từ rất sớm nên nhận thức về vẻ đẹp và ngoại hình cũng bị đẩy nhanh hơn. Nhiều cha mẹ cấm cản con cái làm đẹp, sử dụng mỹ phẩm. Nếu không cho trẻ làm đẹp có thể ảnh hưởng đến tâm lý con, sẽ dẫn đến cảm giác tự ti.

Khi tâm lý trẻ còn nhạy cảm và lo lắng không bằng bạn bè, thua thiệt hay không theo kịp các xu hướng thời trang. Tuy nhiên, cha mẹ nên có một số chuẩn mực và quy định cụ thể khi con làm đẹp.

Theo đó, TS Vũ Thu Hương cho rằng, cha mẹ nên giáo dục con về tiêu chuẩn sắc đẹp của cả nam và nữ để từ đó con có thể chọn cho mình một hướng làm đẹp phù hợp. Đồng thời nên cấm một số sản phẩm với quá nhiều chất hoá học như sản phẩm làm trắng răng, sản phẩm uốn tóc.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên đưa ra một số giới hạn về tuổi khi nào con được bắt đầu sử dụng những sản phẩm này nếu con mong muốn. Đó là hình thức tôn trọng mong muốn và quan điểm sắc đẹp của con nhưng cũng bảo đảm được con không bắt đầu tiếp xúc với các phương tiện hỗ trợ làm đẹp từ quá sớm.

Một vấn đề khác, cha mẹ cần phải hiểu là trang điểm nói riêng và làm đẹp nói chung cũng là một hình thức giải trí và là một phần của cuộc sống. Chính vì vậy, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ để hướng dẫn con cái làm đẹp sao cho đúng và phù hợp với độ tuổi, thay vì cấm cản con chỉ vì nghĩ rằng con còn đi học và chưa đến tuổi làm đẹp.

Hướng dẫn con làm đẹp sao cho đúng

Theo chị Thảo Linh, thẩm mỹ viện Thảo Linh (Hà Nội), dạy con làm đẹp quả thực là một việc rất thú vị và cần nhiều kiến thức. Gia đình, cha mẹ là yếu tố quan trọng giúp quyết định gu thẩm mỹ của trẻ sau này.

Dạy con làm đẹp thế nào không quan trọng bằng con sau này con có gu thẩm mỹ ra sao. Bởi trẻ không cần trang điểm vẫn rất đẹp, cần phải biết giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên.

Chị Thảo Linh cho rằng, tiếp xúc với mỹ phẩm khi còn quá ít tuổi thì có hại nhiều hơn có lợi. Đến khi đi làm phái nữ mới cần học cách trang điểm. Tuy nhiên, trẻ ở độ tuổi dậy thì vẫn cần phải biết cách dưỡng da, dưỡng tóc và vệ sinh nói chung.

Ở tuổi dậy thì, việc dùng mỹ phẩm khá sớm khi nội tiết tố còn chưa hoàn chỉnh có thể khiến da các bé gái nổi nhiều mụn, gây kích ứng da hoặc dị ứng. Ngoài ra, việc chú tâm vào chuyện làm đẹp cũng có thể khiến trẻ lơ là việc học.

Chị Thảo Linh cho rằng, quan trọng là phải tư vấn cho trẻ kiến thức đúng đắn về các loại mỹ phẩm bởi bây giờ có rất nhiều loại mỹ phẩm trôi nổi, kém chất lượng. Nếu trẻ không có kiến thức tốt thì sẽ nguy hiểm, dễ bị tác động xấu. Bên cạnh đó, cha mẹ không thể cấm con mình trang điểm nhưng phải luôn trong sự chừng mực và kiểm soát của cha mẹ.

TS.BS Nguyễn Thị Tuyết Minh, Trung tâm Nghệ thuật Atelier Minh cho rằng, đối với lứa tuổi cấp hai không nên vội vàng hướng các em đến những thứ hào nhoáng bên ngoài.

Nếu cha mẹ muốn hướng con tới cái đẹp thì nên khuyến khích con tập luyện, làm đẹp theo kiểu rèn luyện sức khoẻ, cơ thể. Tập những bài tập dẻo dai để cơ thể phát triển đều, vai cân đối, xương sống thẳng. Đó là những bước đệm về mặt cơ thể và phải làm từng bước một để các em hoàn thiện về nội tâm trước, sau đó mới đến hình thức bên ngoài. Đừng hướng trẻ thiên về những cái khoác bên ngoài mà nên dạy trẻ chú trọng vẻ đẹp nội tâm - giá trị của chính bản thân mình.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bình – Trung tâm dạy trẻ Hà Đông cùng quan điểm, trẻ dù quan tâm hay không quan tâm đến việc làm đẹp thì cha mẹ cũng nên định hướng cho trẻ.

Nên đặc biệt chú ý dạy con về vệ sinh da, khuyến khích con tham gia các hoạt động rèn luyện thể lực, vóc dáng. Cũng đừng chê hoặc đừng khen con quá đáng để trẻ có cái nhìn không đúng về vẻ đẹp của bản thân. Hãy nói với con là con đẹp trong mắt cha mẹ và vẻ đẹp tự nhiên ấy là quan trọng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ