Dạy con tạo lập không gian sống

GD&TĐ - Dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, trường lớp – có nơi có chỗ bị xem là hình thức phạt đối với trẻ, đó là điều sai lầm.   

Dạy con tạo lập không gian sống

Bởi vì, việc dọn dẹp vệ sinh không chỉ mang lại một không gian sống và học tập gọn gàng, sạch sẽ ngăn nắp của chính đứa trẻ, mà còn giúp xây dựng những phẩm chất quý giá, đó là trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng. 

Xây dựng ý thức trách nhiệm

Trưa thứ 7, cả nhà chờ cơm mà Thúy Anh - học lớp 8 Trường THCS Văn Khê về muộn so với thường ngày tới nửa tiếng, chị Kim Thanh (Văn Quán, Hà Nội) càu nhàu trách con về muộn nhưng rồi vui vẻ ngay vì biết lí do con về muộn là vì trực nhật.

Chị Thanh chia sẻ, khi con còn bé chị đã dạy con tham gia và có ý thức trong việc dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa. Khi các con đi học, chị luôn động viên chúng tích cực tham gia trực nhật, dọn dẹp vệ sinh sân trường, lớp học bởi hoạt động này theo chị đó không đơn thuần chỉ là công việc dọn dẹp vệ sinh thông thường mà thực sự giúp trẻ có ý thức bảo vệ và có trách nhiệm với môi trường sống của mình.

Nhưng hiện nay, khá nhiều phụ huynh lại không đồng tình với suy nghĩ của chị Thanh. Chị Hạnh Yên (Đống Đa - Hà Nội) cho rằng nên xoá bỏ hoàn toàn việc quét dọn lớp học cho học sinh mà “khoán trắng” cho nhân viên lao công của nhà trường.

Đằng nào nhà trường cũng phải hợp đồng thuê lao công quét dọn, lau chùi và phụ huynh học kỳ nào cũng đã đóng góp tiền để “giải quyết” việc này rồi.

Cũng có một số phụ huynh nhìn nhận không đúng ý nghĩa của việc lau dọn nhà cửa, bởi công việc này ở nhà vốn phó thác cho “ô sin” nên không để con động chân động tay tới. Khi nhắc đến giao việc nhà cho trẻ, nhiều bố mẹ lắc đầu không đồng tình bởi nhiều lý do.

Một là bố mẹ mặc định trẻ còn quá nhỏ, nên tập trung vào việc học, khi nào lớn thì làm việc nhà sau. Lý do khác nữa là bố mẹ sợ trẻ chưa biết làm, sẽ khiến mọi thứ bừa bộn và rối tung lên, bố mẹ mất thời gian giám sát và dọn dẹp.

Thế nhưng, thực tế lại cho thấy, nếu bố mẹ chú tâm hơn đến việc dạy con cái làm việc nhà thì con của họ luôn luôn biết sống có trách nhiệm với gia đình và bạn bè. Những đứa trẻ có thói quen gọn gàng, ngăn nắp, chủ động và biết tôn trọng sức lao động của người khác.

Dạy con từ lúc còn thơ

Chuyên gia tâm lý và giáo dục Kim Hoa (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nhấn mạnh: Việc rèn rũa cho trẻ nhỏ có thói quen tốt cần sự kiên nhẫn và kiên định. Nếu biết uyển chuyển trong việc thuyết phục, hướng dẫn và biết đặt lòng tin đúng lúc đúng chỗ thì đối với những đứa trẻ, việc dọn dẹp đồ dùng, nhà cửa và giúp bố mẹ tạo dựng không gian sống khoa học, hợp lý lại trở thành một đồ chơi, thú tiêu khiển rất thú vị

Ngay từ khi trẻ lên 5 tuổi, bố mẹ đã có thể yêu cầu con phải tự dọn dẹp đồ chơi, quần áo và sắp xếp mọi thứ trong phòng của con. Đừng lo con còn quá nhỏ hay còn cần thời gian để làm quen. Nếu từ lúc 2 tuổi phụ huynh đã “nhờ” con giúp đỡ việc vặt, 3 tuổi đã cho con tự chọn đồ để mặc... thì việc bắt đầu cho con tự dọn phòng vào lúc 5 tuổi là hoàn toàn bình thường.

Như tất cả các kỹ năng khác, phụ huynh chỉ dạy được con mình khi bản thân gương mẫu. Con sẽ chẳng bao giờ tự giác dọn dẹp gọn ghẽ phòng ngủ của mình nếu nhìn sang căn phòng hỗn độn đồ đạc của bố mẹ.

Sự ngăn nắp của ba mẹ sẽ tạo cho con suy nghĩ rằng, giữ cho mọi thứ đúng vị trí và sạch sẽ là điều đương nhiên. Ngoài ra, mỗi tuần gia đình nên tổ chức “tổng vệ sinh”, vào sáng thứ 7 chẳng hạn. Cả nhà sẽ cùng nhau dọn dẹp nhà cửa rồi mới tiến hành những hoạt động giải trí cuối tuần khác.

Khen ngợi đúng lúc, đúng chỗ sẽ là nguồn động viên, khuyến khích quý giá cho trẻ. Cách khen cũng cần tế nhị và tinh ý để con không ngượng ngùng hay hiểu nhầm là ba mẹ đang mỉa mai hay chỉ trích mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ