Dạy con qua các câu chuyện ngụ ngôn

GD&TĐ - Dạy con qua các câu chuyện ngụ ngôn là phương pháp dạy con truyền thống từ xa xưa, vẫn được đánh giá cao trong chương trình giáo dục mầm non và tiểu học.

Dạy con qua các câu chuyện ngụ ngôn

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, những câu chuyện ngụ ngôn không còn phổ biến nữa. Những phương pháp mới, cách tiếp cận hiện đại hơn trong việc dạy dỗ con cái từ nước ngoài được áp dụng. Liệu phương pháp dạy con qua các câu chuyện ngụ ngôn có lỗi thời trong xã hội hiện đại?

Những câu chuyện được đúc kết lại theo suốt chiều dài lịch sử

Với ngôn ngữ ngắn gọn, cách diễn đạt dễ hiểu, gần gũi sinh động, nội dung các câu chuyện ngụ ngôn đều mang những thông điệp ý nghĩa phù hợp với đối tượng độc giả nhỏ tuổi. Dần dần, theo thời gian, những câu chuyện đó chắc chắn sẽ ghi sâu trong tâm trí của chúng ta. Thông qua những câu chuyện giản dị, gần gũi về đời sống không chỉ ảnh hưởng tích cực đến việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách trẻ mà còn giúp xây dựng, gắn kết mối quan hệ tình cảm giữa cha mẹ với con. Thế nhưng trong xã hội hiện đại, những câu chuyện ngụ ngôn đang dần bị quên lãng.

Cô giáo Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Á Châu (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Không phải trẻ em bây giờ không thích nghe kể chuyện. Những câu chuyện ngụ ngôn bao giờ cũng được các em nghe rất chăm chú. Những câu chuyện “Ếch ngồi đáy giếng”, “Thầy bói xem voi”, “Rùa và Thỏ”... đã thân quen, thế nhưng các cô kể đi kể lại các em vẫn thích. Thế nhưng trong gia đình các em vẫn ít được nghe bởi bố mẹ quá bận rộn với công việc mà không biết rằng những câu chuyện ấy có tác dụng rất tốt cho sự hình thành nhân cách của con”.

Theo cô Phương khi bạn muốn dạy con đức tính kiên nhẫn và không chủ quan - bạn có thể dạy con qua câu chuyện “Cuộc đua giữa rùa và thỏ”; khi bạn muốn dạy con tránh tham lam, bạn có thể kể cho con câu chuyện “Con chó và cục xương”; hoặc bạn muốn dạy con bài học về sự đoàn kết, câu chuyện ngụ ngôn “Bó đũa” sẽ rất phù hợp, hay để dạy cho trẻ đức tính linh hoạt, không cứng nhắc cha mẹ có thể kể cho trẻ nghe câu chuyện “Cây Sồi và cây Sậy”.... Có rất nhiều những câu chuyện như vậy được ông bà đúc kết lại theo suốt chiều dài lịch sử.

Mỗi câu chuyện là bài học đạo đức

Trong cuộc sống hiện đại, ngoài việc đưa trẻ tới trường học môn Đạo đức, Giáo dục công dân hay kĩ năng sống… thì kể và cho trẻ đọc những câu chuyện ngụ ngôn cũng là một biện pháp hay mà bạn nên tham khảo.

TS Nguyễn Thị Huệ, giảng viên khoa Tâm lý, Trường ĐHSP Hà Nội cho biết: “Trong những cách giúp dạy con thành người trung thực thì sách, truyện, hay chuyện kể bạn rủ rỉ cho con nghe cũng có thể góp phần không nhỏ. Mỗi câu chuyện ngụ ngôn đều mang đến những thông điệp, những giá trị đạo đức đáng quý. Khi kể cho trẻ nghe xong chuyện, bạn có thể hỏi trẻ sau câu chuyện này con nghĩ gì về nhân vật thỏ, nhân vật rùa... Điều đó vừa giúp trẻ ghi nhớ cốt truyện và rút ra bài học cho mình vừa giúp trẻ phát huy tư duy”.

Theo cô Huệ, thay vì nói với trẻ “Con phải thế này, con phải thế kia...” thì hãy dạy cho trẻ những đức tính tốt đẹp rút ra từ những câu chuyện ngụ ngôn giàu ý nghĩa giáo dục mà người xưa đã đúc kết và để lại cho đời sau. Hãy nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ bởi những dư vị ngọt ngào, yêu thương từ những giá trị nhân văn, nhân đạo vốn có của dân tộc ta.

“Xã hội đã có nhiều thay đổi, thay vào những cách dạy truyền thống của cha ông là việc áp dụng những phương pháp mới, cách tiếp cận hiện đại hơn từ nước ngoài. Thế nhưng, có thể khẳng định, những dư vị ngọt ngào, yêu thương từ những câu chuyện ngụ ngôn sẽ là những bài học đạo đức có những giá trị nhân văn, nhân đạo vốn có của dân tộc ta” - TS Nguyễn Thị Huệ, khoa Tâm lý, Trường ĐHSP Hà Nội, chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ