Chồng tôi bị đứt gân chân, phải nằm viện điều trị 12 ngày. Bà nội và bác thay nhau ở nhà tôi trông nom lũ trẻ, tôi chạy đi chạy lại như thoi giữa nhà và bệnh viện.
Vì bệnh viện gần nhà nên chồng tôi thích vợ mang cơm đến, tối ngủ viện chăm sóc anh. Tôi sốt ruột các con ở nhà vì biết bà nội và bác không thể sát sao nhắc nhở các con ăn ngủ, học hành đúng giờ. Đúng như những gì tôi nghĩ, hai con cứ tan học về nhà là dán mắt vào ti vi, ăn sớm ngủ sớm nhưng học chỉ loáng cái là xong.
Tôi túi bụi tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, đón con, vội vàng ăn cơm rồi hớt hải xách đồ vào viện. Tôi chỉ kịp tắm rửa cho con gái bé, dặn dò hai con ở nhà ít xem ti vi, nhớ làm hết bài. Những đêm ngủ viện thật căng thẳng vì bệnh nhân lục đục suốt đêm, tiếng máy xử lý nước thải ngay đầu hồi cứ 30 phút lại giật rầm rầm khiến tôi giật mình thon thót. Toàn thân tôi luôn mệt mỏi rã rời, đầu ong ong vì thiếu ngủ kéo dài.
Bố ốm, hai đứa con có biểu hiện hoàn toàn khác nhau. Con gái nhỏ sụt sùi khóc mếu, sợ bố không đi lại được và chỉ ước mơ bố khỏi bệnh thật nhanh. Đến lớp, con mếu máo kể với cô giáo và khóc vì thương bố.
Nhưng cậu con trai 12 tuổi thì chỉ kể với mọi người là bố cháu đi viện, mẹ về nhà con chỉ hỏi qua loa về bố.
Con trai lâu nay không thích bố vì bố luôn chê con dốt, vụng, hay cãi láo và luôn mắng con trong bữa cơm. Tôi mấy lần góp ý với chồng thì anh quy cho tôi cứ bênh con chằm chặp. Anh nói, phải dạy dỗ, mắng mỏ thế để con biết sai mà sửa.
Những lần con bị điểm kém, nghịch ngợm phải viết bản kiểm điểm, con trai chỉ dám đưa mẹ ký. Con bảo: “Bố chỉ quý em, không quý con. Con không thích bố”.
Dạy con hiếu thảo có lẽ không cần đến quá nhiều sách vở mà chính từ những hành động thực tế, con sẽ biết thương yêu, giúp đỡ người thân trong gia đình - Ảnh minh họa.
Con trai và bố không ưa nhau, điều đó thật tệ! Chồng tôi luôn nghĩ, mắng con hay đánh con cũng là muốn tốt cho con. Nhưng con trai ngay từ bé đã lạnh nhạt với bố, vì bố toàn chê trách con ngay cả lỗi rất nhỏ, bố cứ đay nghiến nhắc đi nhắc lại mặc kệ con mặt mũi bí xị vì tức tối, tủi thân. Giờ bố ốm, con cũng không hỏi han xem bố ra sao.
Tôi nén cơn bực bội trong lòng, đưa máy điện thoại cho con, giục con gọi hỏi thăm bố còn đau không, bố sắp về nhà chưa? Tối hôm đó, chồng tôi kể chuyện con trai gọi điện, khen con người lớn.
Chỉ còn 2 ngày nữa là chồng tôi ra viện. Tôi nấu cơm sớm, đợi con trai đi học về lúc 5 rưỡi chiều, rủ con cùng đạp xe vào viện thăm bố. Dọc đường, tôi hỏi con mấy ngày qua bài vở có khó không, đi học có chuyện gì hay kể cho mẹ nghe. Tôi nhắc con: “Lát nữa vào viện, con đẩy xe lăn giúp bố đi tắm nhé”.
Vào phòng bệnh, con trai nhanh nhảu chào hỏi mọi người, đi đến giường bố nằm, đặt lên tủ bệnh túi hoa quả. Mấy bác xung quanh xúm vào trêu con sao giờ mới đến thăm bố, con vội trả lời vì bận đi học suốt ngày. Chồng tôi phấn khởi lắm, cười nói hỉ hả.
Con trai đẩy xe lăn vào sát giường cho bố, cũng biết quay xe, đẩy xe thoăn thoắt cho bố tới tắm nhờ phòng tự nguyện. Đợi bố ăn cơm xong, hai mẹ con mới thu dọn quần áo bẩn và cặp lồng cơm mang về.
Đến bệnh viện thăm bố, con thấy chân bố nẹp cố định, bố nhảy lò cò khi đi trong phòng, muốn đi vệ sinh, tắm rửa bố cần người giúp đỡ và phải di chuyển bằng xe lăn.
Con biết đến phòng bệnh nhân đông đúc, giường bố nằm bé tẹo nên càng thêm mệt mỏi. Tôi kể, mỗi ngày mẹ đi về 3 lượt từ viện về nhà, từ nhà vào viện, giỏ xe lỉnh kỉnh đủ thứ, thật vất vả. Con trai im lặng nghe mẹ nói chuyện, gương mặt đăm chiêu.
Không thể mặc kệ con sống dửng dưng vô cảm khi bố ốm, tôi tìm cách để hai bố con xích lại gần nhau. Dạy con hiếu thảo có lẽ không cần đến quá nhiều sách vở mà chính từ những hành động thực tế, con sẽ biết thương yêu, giúp đỡ người thân trong gia đình, nhất là khi mọi người ốm đau, mệt mỏi.