Theo chuyên gia tâm lý người Mỹ, Tiến sỹ Gary Chapman, trong phạm vi gia đình, với vai trò của mình, các bậc phụ huynh phải đề ra những luật lệ, hay những giới hạn và yêu cầu con mình sống có trách nhiệm trong những giới hạn đó.
Trong cuốn sách “5 ngôn ngữ tình yêu dành cho bạn trẻ” (NXB Trẻ), Tiến sỹ Gary Chapman chỉ ra rằng mục tiêu quan trọng nhất trong việc đặt ra quy tắc cho con là tránh những điều không có lợi về mặt thể chất, tinh thần, tình cảm hay xã hội đối với trẻ, đồng thời khuyến khích trẻ đạt được những mục tiêu có giá trị trong cuộc sống.
Vì thế, mục tiêu của những quy tắc không phải là điều chỉnh mọi khoảnh khắc trong cuộc sống của con mà chính là cung cấp những giới hạn quan trọng để trẻ biết cách đưa ra lựa chọn đúng đắn.
Việc bố mẹ đề ra các quy tắc cho con là để con biết sống có trách nhiệm với cách cư xử cũng như những hành động của mình. (Ảnh minh họa: Dọn đồ chơi sau khi chơi cũng là một quy tắc mà bố mẹ cần đặt ra cho con nhỏ)
Việc bố mẹ đề ra các quy tắc cho con là để con biết sống có trách nhiệm với cách cư xử cũng như những hành động của mình. Và để dạy con hiệu quả bằng các quy tắc, bố mẹ phải thống nhất quan điểm khi thiết lập các quy tắc đó trong gia đình. Ở đây có 2 ý trong thống nhất quan điểm.
Một là, bố mẹ phải đặt ra những quy tắc nhất định cho con và thực hiện dứt khoát, không được thỉnh thoảng “nới lỏng” quy tắc vì sẽ dễ khiến trẻ “nổi loạn”. Một khi đã được hưởng quy tắc được “nới lỏng” thì trẻ sẽ khó quay trở lại thực hiện quy tắc siết chặt như thông thường.
Trong cuốn sách “Những đòn tâm lý trong thuyết phục” (NXB Lao động - Xã hội), nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Robert B. Cialdini chỉ ra rằng, cha mẹ khi trao cho con các đặc quyền hay áp đặt các luật lệ một cách bất thường, không thống nhất thì sẽ gây ra sự phản kháng.
Theo Giáo sư Robert Cialdini, các cuộc nghiên cứu cho thấy cha mẹ mà áp đặt nguyên tắc không thống nhất cho con thông thường sẽ khiến cho bọn trẻ có tính nổi loạn.
Hai là, bản thân bố và mẹ cần thống nhất quan điểm khi đưa ra một quy tắc nào đó với con. Nếu ý bố một đằng, ý mẹ một nẻo, con sẽ không biết phải nghe theo ai. Điều này gây khó cho cả bố mẹ và con. Đặc biệt, những đứa trẻ tinh ý và “láu cá” sẽ nghiêng về phía người chiều mình, thành ra chia làm hai phe trong gia đình, tạo không khí căng thẳng trong khi vẫn không dạy được con hiệu quả.
Trong cuốn sách “Nghệ thuật xoay chuyển tình thế” (NXB Lao động - Xã hội), các tác giả đề cập đến sự cần thiết của việc áp dụng tinh thần đoàn kết ở quy mô gia đình để dạy dỗ con hiệu quả. Theo đó, trong những gia đình có cả bố và mẹ, câu trả lời “không” thật sự nghĩa là “không” chỉ có thể đạt được khi cả bố và mẹ có cùng quan điểm giáo dục con.
Nếu không, đứa trẻ sẽ nghiêng về phía người chiều mình, và tình trạng “vô chính phủ” sẽ diễn ra. Khi rèn con vào khuôn phép, phải lấy tinh thần đoàn kết làm tôn chỉ.