Trừng phạt không phải cách dạy con hiệu quả

GD&TĐ - Ương bướng, cứng đầu, khó bảo vốn là bản tính tự nhiên của trẻ để thể hiện mình. Đôi khi cha mẹ không giữ được bình tĩnh nên quát tháo, trừng phạt đánh đòn là chuyện thường diễn ra trong mỗi gia đình. 

Trừng phạt không phải cách dạy con hiệu quả

Ứng xử như thế nào để con trở nên ngoan ngoãn dựa trên sự tự nguyện, không cần đến trừng phạt là câu hỏi của nhiều bậc cha mẹ khi đứng trước lỗi lầm của con.

Trẻ dễ “nhờn” đòn

Cô giáo Lê Thị Nguyệt, giáo viên Trường Mầm non Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Qua nhiều năm dạy học, tôi rút ra một điều là những đứa trẻ thường xuyên bị đánh đập sẽ dễ mắc các chứng bệnh về rối loạn tâm lý sau này. Nhiều bé thích đánh, cấu véo, bắt nạt bạn chơi do bắt chước hành vi này từ bố mẹ.

Hơn nữa, những bé bị đối xử thô bạo lúc còn nhỏ thường trở nên ngỗ ngược, cứng đầu hơn khi trưởng thành. Các nhà giáo dục coi đó là hội chứng “chai sạn cảm xúc”. Bé không thấy sợ hãi, đau khổ, phải khóc lóc vì đã quá quen với đòn roi. Ngược lại, một số bé có xu hướng sống khép mình, tỏ ra sợ sệt khi bị ăn đòn. Lâu dần, bé sẽ bị ức chế tâm lý, ngại giao tiếp và tỏ ra khó gần. Có thể vì bị đánh quá nhiều trẻ sẽ “nhờn” đòn.

ThS Nguyễn Thành Đoàn (thành viên Hiệp hội Tâm lý học xã hội Việt Nam) chia sẻ: “Khi trẻ mắc lỗi nhiều bố mẹ có thể giận dữ, càu nhàu và sẵn sàng dùng roi bất cứ lúc nào. Ví như việc trẻ làm vỡ cái bát hay lọ hoa, điều người lớn thường nghĩ ngay tới việc đó là dùng roi để dạy cho trẻ nhớ. Sự dữ tợn có làm trẻ sợ không? Tất nhiên là chúng sẽ sợ. Trẻ sẽ bắt đầu hình thành tính khiếp nhược và dễ sợ hãi. Dần dần vì điều đó, trẻ sẽ nghĩ ra cách nói dối để không bị mắng hoặc sẵn sàng có hành vi ứng xử gần như là sự “trả thù” cho tuổi thơ của mình”.

Trẻ bị cha mẹ đánh mắng thường có tâm lý chống đối, đặc biệt dễ phát triển lệch lạc và ưa bạo lực khi trưởng thành. Bị đánh nhiều khi không khiến trẻ biết cách cư xử đúng hơn, hoặc làm chủ hành vi tốt hơn mà ngược lại, các bé sẽ học cách né tránh, đổ lỗi, biện minh hoặc tìm cách không để bị “tóm” khi mắc sai lầm. Đặc biệt, trẻ con dường như nhớ sự trừng phạt hơn là lý do bị phạt. Nó sẽ cư xử vì sợ hãi thay cho muốn hành động đúng.

Giáo dục chứ không phải trừng phạt

Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thành Đoàn khuyên, người lớn nên dạy con bằng lý lẽ chứ không bằng bạo lực, nên nhớ áp dụng các hình thức phạt con là để nhắc nhở chứ không phải hành hạ.

Mắc lỗi là một phần trong quá trình trưởng thành của bất cứ đứa trẻ nào. Người lớn cần giải thích rõ cho trẻ hiểu, ví dụ trẻ ném đồ lên tường, cần giải thích rõ cho trẻ việc quăng đồ sẽ làm hỏng đồ và hỏng tường, đồng thời không quên đưa ra lời cảnh báo: “Nếu lần sau con làm như thế, con sẽ bị phạt” và đưa ra hình phạt thích đáng với sự đồng ý của trẻ. Lần sau trẻ vi phạm sẽ sử dụng hình phạt như đúng thương lượng, trẻ sẽ nhớ mà không tái phạm.

Có thể nói quan niệm “thương cho roi, cho vọt” không còn được khuyến khích trong xã hội hiện đại ngày nay. Việc quát mắng, đánh đập trẻ nhỏ làm tổn thương thể xác lẫn tâm hồn trẻ vì trẻ chưa hiểu hết những việc chúng đã làm. Vì vậy, những người làm cha, làm mẹ hãy quan tâm và giáo dục con bằng chính tình yêu thương và sự nghiêm khắc của mình chứ không cần quát mắng hay đánh đòn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ