Dạy con “ghìm cương” cảm xúc: Sức khỏe tinh thần, thể chất đi liền với cảm xúc

GD&TĐ - Việc kiểm soát cảm xúc không hề dễ. Vì vậy, trẻ lo lắng, giận dữ, buồn bã, không kiềm chế được là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu không sớm đặt ra giới hạn trong hành vi, suy nghĩ của trẻ, chắc hẳn cha mẹ sẽ “đau đầu” khi gặp phải nhiều rắc rối. Phụ huynh cần giúp con biết cách kiềm chế nỗi giận. Chỉ khi đó, con mới có thể làm chủ bản thân trong mọi tình huống.

Cha mẹ cần biết kiềm chế cảm xúc để trẻ noi gương. Ảnh minh họa: Thế Đại.
Cha mẹ cần biết kiềm chế cảm xúc để trẻ noi gương. Ảnh minh họa: Thế Đại.

Từ chuyện con trẻ bột phát trong hành vi và suy nghĩ, hay việc bột phát ấy được “diễn đi diễn lại” trong đời sống hàng ngày cho thấy có những tác động không nhỏ đến sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của chúng.

Theo các chuyên gia, khi sống gồng mình, đố kỵ hay giận dữ, cơ thể con người sẽ tự động sản xuất ra những hormone nội sinh vô cùng độc hại. Chúng gây rối loạn chức năng của cơ thể, suy giảm miễn dịch...

Biết làm chủ bản thân

Từ 1 - 5 tuổi là thời gian trẻ học hỏi và khám phá thế giới. Nhờ sự dìu dắt từ gia đình, thầy cô và những người xung quanh, trẻ dần có kiến thức và kỹ năng cần thiết. Song, đi cùng đó là những cơn “thịnh nộ”. Thực tế, việc thường xuyên “nổi cơn tam bành” là một hiện tượng phổ biến ở trẻ.

Đặc biệt, khi học mẫu giáo, bé có thể thường xuyên nổi nóng trong thời gian dài, gây rắc rối ở trường học, gia đình. Thậm chí, việc giao tiếp với bạn bè và người thân cũng khiến trẻ bực tức.

Theo nghiên cứu công bố trên thời báo Giáo dục thường niên của Anh, có 1/7 trẻ có hành vi hung hăng từ sớm. Tuy nhiên, tần suất có những biểu hiện này cũng tỷ lệ thuận với nguy cơ mà trẻ phải đối mặt. Trong đó, bao gồm sức học kém, dễ mắc bệnh liên quan đến tâm lý, có hành vi bạo lực, xu hướng thất nghiệp khi trưởng thành.

Đối với hầu hết cha mẹ có con nhỏ, việc gặp những cơn giận dữ từ trẻ là điều xảy ra “như cơm bữa”. Tuy nhiên, quan trọng là, phụ huynh cần hiểu rằng, trẻ nên biết kiểm soát cảm xúc của mình.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, từng chia sẻ một câu chuyện: “Vào buổi tối tại rạp xiếc nọ, khán giả hồi hộp theo dõi một tiết mục thú vị. Trên sân khấu là một cái lồng sắt lớn. Bên trong có một con hổ và một người dạy thú đang điềm nhiên cưỡi ngựa. Người này vung roi ra lệnh chỉ huy con hổ. Con hổ ngoan ngoãn phục tùng người dạy thú.

Bỗng, đèn phụt tắt, hội trường mất điện. Toàn bộ người xem thót tim vì lo lắng cho số phận người dạy thú đang ở trong lồng sắt cùng con hổ. Một lúc sau, khi ánh đèn trở lại, cả khán phòng òa lên sung sướng. Bởi, người dạy thú vẫn còn sống.

- Tại sao anh vẫn còn sống, lúc đó anh sợ lắm phải không?

- Đúng. Nhưng, đúng hơn là con ngựa của tôi rất kinh hãi. Nó bấn loạn khi phải đối diện với con hổ trong bóng tối. Chỉ cần tôi mất kiểm soát và buông cương trong một khoảnh khắc, con ngựa sẽ lồng lộn lên. Chúng tôi sẽ bị con hổ làm thịt ngay tức khắc! Cho nên, tôi coi như không có chuyện gì xảy ra và ghì chắc dây để tiếp tục vung roi, ra lệnh cho con hổ tới khi đèn sáng”.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu chia sẻ, con hổ đó chính là cuộc sống này. Còn, chú ngựa chính là cảm xúc mà chúng ta đang cầm dây cương từng phút, từng ngày để đối diện với cuộc sống.

“Có những lúc, ánh sáng cuộc sống này vụt tắt. Khi đối mặt với những điều không như ý, bạn sẽ dùng lý trí cầm lấy dây cương thật chặt, hay buông tay mất kiểm soát trong phút chốc để rồi cuộc sống nhai mình trong cái vòm họng đen ngòm của nó?”, chuyên gia bày tỏ.

Chính vì vậy, Tiến sĩ Khắc Hiếu nhấn mạnh, kỹ năng quản lý cảm xúc trong mọi hoàn cảnh sẽ giúp mọi người có những sợi dây cương. Nhờ đó, có thể làm chủ bản thân trong mọi tình huống của cuộc sống.

“Trong mỗi chúng ta, cảm xúc là con ngựa bất kham nhất. Nó có thể đưa bạn chạy thật nhanh, nhưng cũng có thể làm cho chủ nhân bất ngờ chúi nhủi hay lao vào nguy hiểm... Giận quá mất khôn, vui quá hóa rồ, buồn quá hóa… điên. Vì vậy, kỹ năng quản lý cảm xúc quan trọng không kém gì kỹ năng tư duy trong cuộc sống.

Trong tất cả mọi nơi, mọi việc, ta đều cần thắng cương cho chú ngựa cảm xúc của mình”, chuyên gia chia sẻ.

Trẻ cần học cách lắng nghe để kiềm chế cảm xúc tốt hơn. Ảnh minh họa: Thế Đại.
Trẻ cần học cách lắng nghe để kiềm chế cảm xúc tốt hơn. Ảnh minh họa: Thế Đại.

Chế ngự cơn giận để bảo vệ sức khoẻ

Bác sĩ Trần Quốc Khánh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - Hà Nội), cảnh báo, khi sống gồng mình, đố kỵ hay giận dữ, cơ thể chúng ta sẽ tự động sản xuất ra những hormone nội sinh vô cùng độc hại. Chúng gây rối loạn chức năng của cơ thể, suy giảm miễn dịch. Đây cũng là nguồn cơn của nhiều căn bệnh như cao huyết áp, tai biến, loét dạ dày, thậm chí ung thư.

Trong cuộc sống, ắt hẳn ai cũng sẽ đối mặt với những niềm vui và nỗi buồn. Không chỉ trẻ nhỏ, đôi khi, người trưởng thành cũng vô tư để những cơn giận lấn át lý trí.

Chắc chắn rằng, bất kể ai cũng có lúc giận dữ. Tuy nhiên, việc học cách chế ngự những bực tức đó mới là yếu tố quan trọng. Bởi lẽ, giận dữ làm tăng đột biến các chất dẫn truyền thần kinh. Khi đó, các hormone kích thích não bộ. Nếu không giải tỏa được năng lượng tiêu cực, cơ thể sẽ phải chịu đựng sự gia tăng nhịp tim, huyết áp và gặp nhiều hệ luỵ.

Bà Lê Thị Lan Anh - giáo viên kỹ năng sống của Câu lạc bộ Kỹ năng sống Cara (Hà Nội), cho biết: “Kiềm chế cảm xúc là một kỹ năng sống vô cùng quan trọng đối với trẻ từ 2 - 12 tuổi. Đây cũng là kỹ năng cần thiết đối với phương pháp dạy dỗ con của các phụ huynh. Nhờ những kỹ năng sống cần thiết mà trẻ có thể trau dồi được kỹ năng tốt. Từ đó, ứng xử và hòa nhập với thế giới muôn màu”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay nhiều trẻ em hay phản ứng theo cảm tính cá nhân. Con dễ nổi cáu và không biết kiềm chế cảm xúc. Bà Lan Anh nhận định, một trong những phương pháp hiệu quả giúp con điều tiết cảm xúc chính là cách ứng xử của mọi người trong môi trường gia đình.

Thông thường, khi không thể nói được cảm xúc của mình lúc tức giận, trẻ chỉ biết ném đồ vật xuống sàn và hét lên. Khi đó, cha mẹ phải dạy con nhận diện được cảm xúc và hành vi phù hợp để biểu hiện tâm trạng.

Theo bà Lan Anh, hãy bắt đầu bằng cách dạy trẻ ghi lại những cảm xúc của mình, như vui, buồn, giận dữ, sợ hãi. Sau đó, nói với con về sự khác nhau giữa cảm xúc và hành vi. Khi chắc chắn rằng trẻ đã hiểu được ý nghĩa những hành động đó, phụ huynh cần động viên con kiềm chế hoặc bộc lộ tâm trạng phù hợp với hoàn cảnh.

Trẻ cần hiểu, không kiềm chế cảm xúc là hành động mang lại nhiều hậu quả. Ảnh minh họa: Thế Đại.
Trẻ cần hiểu, không kiềm chế cảm xúc là hành động mang lại nhiều hậu quả. Ảnh minh họa: Thế Đại.

“Việc lắng nghe người khác sẽ giúp thể hiện sự tôn trọng, cũng như giải quyết vấn đề, kiềm chế cảm xúc dễ dàng hơn. Bố mẹ cần phân biệt cho con thấy sự khác biệt giữa nghe và lắng nghe”, bà Lan Anh cho hay.

Theo đó, cha mẹ cần dạy trẻ biết tôn trọng câu chuyện mà người khác đang chia sẻ. Nếu để sót một chi tiết nào đó, con sẽ cảm thấy hối tiếc. Như vậy, con sẽ tập cho mình thói quen lắng nghe. Việc lắng nghe giúp con xử lý tình huống tốt hơn và không dễ dàng cáu gắt khi giao tiếp.

Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất là phụ huynh đánh giá đúng tiềm năng của trẻ, đưa ra giải pháp phù hợp trước khi hành động. Bà Lan Anh lấy ví dụ, khi trẻ đang cố gắng sửa đồ chơi hay làm bài tập mãi không xong, con sẽ có xu hướng cáu gắt, bỏ cuộc. Khi đó, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ động não, xem đâu là giải pháp khả thi nhất. Cần để trẻ hiểu rằng, phải suy nghĩ trước khi hành động.

Để giúp con dễ dàng chế ngự cơn giận, phụ huynh nên để trẻ thấy hậu quả của việc không kiềm chế cảm xúc. Đặc biệt, con cần hiểu, cơn giận của mình sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến những người xung quanh. Tuy nhiên, cha mẹ tuyệt đối không chỉ trích những cơn giận của con. Bởi, đó chỉ là những cảm xúc tự nhiên mà tất cả mọi người đều có.

Thay vào đó, bà Lan Anh gợi ý, cha mẹ nên đưa ra một số việc con có thể làm khi tức giận. Những biện pháp đó sẽ giúp con có cách ứng xử tích cực, sáng suốt.

“Cần phân tích cho con hiểu, tức giận là do những cảm xúc tiêu cực gây nên, như sợ hãi, ghen tị, thất vọng… Nhờ đó, con có một tâm lý tốt nhất và sẽ dần kiểm soát hành vi tốt hơn khi gặp cảm xúc tiêu cực”.

Nữ giáo viên này cũng lưu ý, những tính cách của con không tự nhiên hình thành. Trẻ học những điều đầu tiên về cuộc sống từ bố mẹ và người thân thiết. Muốn con kiềm chế cảm xúc tốt, trước hết, cha mẹ cũng phải thật bình tĩnh và tiết chế, dù là trong tình huống nào.

“Nếu cha mẹ nổi nóng, con sẽ nghĩ đó là hành vi đúng đắn khi không hài lòng. Và con sẽ bắt chước như vậy. Khi phụ huynh bình tĩnh và giải quyết tình huống theo hướng tích cực, con sẽ quan sát và học theo”, bà Lan Anh nói.

Ngoài ra, cha mẹ cần sử dụng một số quyền lực trong việc nuôi dạy con, tạo ra các quy tắc và giải thích rõ lý do đằng sau các điều luật.

“Ví dụ, cần đi nhẹ, nõi khẽ trong một số địa điểm như thư viện; Không được đánh nhau, tranh giành, tự tiện lục lọi đồ người khác. Đưa ra các hậu quả và hình phạt nếu con không tuân thủ nguyên tắc. Hạn chế cho trẻ sử dụng điện thoại, khuyến khích con chơi thể thao, tìm kiếm những trò bên ngoài và kết bạn. Các trò chơi như chạy nhảy, ném bóng, nhảy lò cò sẽ tiêu hao nhiều năng lượng, giúp đầu óc tỉnh táo hơn”, nữ giáo viên gợi ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ