Dạy con chấp nhận thất bại

GD&TĐ - Nhiều bậc cha mẹ quá thúc ép con cái về thành tích học tập khiến con trẻ tăng nguy cơ lo lắng, trầm cảm và thậm chí dẫn đến tự tử.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đòn roi chỉ khiến trẻ chán nản bản thân mình

Chắc hẳn mọi người vẫn chưa quên câu chuyện của nữ sinh lớp 7 Trường THCS Tân Lâm (trú tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) để lại thư tuyệt mệnh rồi tử tự trong lớp học. Trong thư, nữ sinh này xin lỗi vì kết quả học tập giảm sút trong thời gian gần đây, khi không đạt được kết quả tốt như kỳ vọng của bố mẹ và thầy cô nên quyết định quyên sinh.

Hay câu chuyện đầy ám ảnh của nam sinh Trường Nguyễn Khuyến (TPHCM) để lại thư tuyệt mệnh với nội dung do áp lực học tập, điểm số và áp lực từ gia đình muốn con mình được học lớp đứng đầu khối 10 nên tự tử.

Rồi câu chuyện đau lòng của một nữ sinh tịa Bình Phước đã viết 5 lá thư tuyệt mệnh để lại rồi tự tử vì kết quả học tập không như kỳ vọng của ba mẹ.

Vậy tại sao những kỳ vọng của cha mẹ lại vô tình đẩy các em học sinh đến trầm cảm, thậm chí tự vẫn đầy xót xa? Liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Loan – nguyên Phó Trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho hay: “Không ít bậc phụ huynh ra sức ép con học phải xuất sắc hơn đứa này, phải giỏi hơn đứa kia mà không cần biết con có thích học không, có vui vẻ khi đến lớp, đến trường không?

Cũng không ít phụ huynh cứ tối về là lục tung sách vở kiểm tra xem con được mấy điểm, cô giáo phê những gì. Nếu con bị điểm thấp là y rằng sẽ bị ăn một trận đòn tơi tả. Các bậc phụ huynh dường như đã quên mất rằng, mỗi đứa trẻ có năng lực học tập khác nhau, khả năng khác nhau nên không thể so sánh con mình với những đứa trẻ khác bằng những điểm số vô tri, vô giác được.

Ngược lại, những trận đòn roi ấy không khiến con nỗ lực hơn mà khiến đứa trẻ cảm thấy mình vô dụng, kém cỏi, mình là đứa trẻ thất bại. Và tất nhiên suy nghĩ ấy kéo dài sẽ nhanh chóng đẩy các em vào bệnh trầm cảm, dẫn đến quyết định hủy hoại bản thân...

Phụ huynh chúng ta chỉ quan tâm đến điểm số, danh hiệu, thành tích mà quên dạy con biết chấp nhận thất bại, biết chấp nhận năng lực bản thân và quan trọng nhất là dạy con biết quý trọng bản thân mình để từ đó nỗ lực hơn. Quan trọng là cha mẹ phải đồng hành cùng con, làm bạn với con sau những thất bại chứ không phải những trận đòn roi. Mỗi đưa trẻ có năng lực và giá trị riêng, làm sao phụ huynh phải giúp con nhận ra giá trị riêng của nó”.

Lý giải về tỷ lệ học sinh tìm đến cái chết ngày càng tăng, thạc sĩ Nguyễn Thị Loan cho biết: “Hiện nay, nhiều đứa trẻ bị ép học tập, bị định hướng nghề nghiệp không theo ước mơ của chúng mà theo ước mơ của bố mẹ. Khi chịu áp lực trong một thời gian dài, nhiều học sinh đã bị trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết là điều có thể lý giải được.

Để giảm tình trạng học sinh trầm cảm, tự vẫn, quan trọng là cha mẹ cần thay đổi, không gây sức ép lên việc học tập cho con em mình. Để chúng được sống, tận hưởng tuổi thơ với những kỷ niệm đẹp chứ không phải bị ám ảnh về chuyện học tập”.

Trẻ bất an trong mê cung các mối quan hệ

Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục) cho hay: “Trong nghiên cứu gần đây nhất của chúng tôi về lo âu học đường thì có đến 80% học sinh đều có lo lắng liên quan đến trường học: Lo lắng về mối quan hệ cha mẹ, về kỳ vọng của bố mẹ, gặp khó khăn trong áp lực về bạn bè cùng trang lứa như bị bắt nạt, định hướng nghề nghiệp, lo lắng trong quan hệ với thầy cô, bị ám ảnh vì thầy cô không công bằng với họ, bị trù úm…

PGS.TS Trần Thành Nam

Stress với hoạt động học tập liên tục và không cân bằng được với những hoạt động yêu thích của bản thân, có những người cảm thấy mình không giỏi vấn đề gì nên luôn sợ hãi. Đến 80% các bạn học sinh nói là tôi không biết mình thích gì và nên chọn nghề gì…Nó là áp lực tạo nên lo âu về học đường thông qua nghiên cứu của chúng tôi từ năm 2016.

Tôi đã từng tham gia những cuộc phỏng vấn mở với học sinh trong quá trình nghiên cứu, có những bạn chia sẻ với tôi rằng cuộc sống của em chỉ có ăn, học, ngủ, bố mẹ em đầu tư về thời gian, tiền bạc và nhiệm vụ của em chỉ đi học. Em thấy mình học tiếng Anh giỏi nhất lớp rồi nhưng điều đó chưa làm bố mẹ em hài lòng. Điều em thấy vui sau mỗi cuộc thi là em đã hoàn thành nhiệm vụ dẫn đầu lớp về điểm số nhưng ngay sau đó em lại lo lắng vì bố mẹ sẽ đặt ra nhiệm vụ lớn hơn.

Việc em không đáp ứng được mong muốn của bố mẹ và không đến đáp được sự đầu tư của bố mẹ về mặt tiền bạc và thời gian nên cách thức em tự sát là hình thức em tự trừng phạt bản thân và đó chính là lời xin lỗi bố mẹ.

Tôi còn nhớ, trong một buổi gặp gỡ với một học sinh đã từng tự vẫn nhưng may mắn được cứu sống. Em đó đã nói với tôi rằng: “Em đã dùng dao cắt tay để tự tử là muốn bố mẹ nhìn thấy và hành động khác đi, em muốn bố mẹ hiểu rằng “em không thể nào chịu được lịch hoạt động full theo đúng kỳ vọng của bố mẹ”.

Tôi nghĩ giải pháp để giải tỏa tâm lý căng thẳng của học sinh, không đẩy các em đến con đường trầm cảm hay tự sát là phụ huynh hãy dành thời gian cho con và lắng nghe xem con nói gì, giúp con nhận ra sai lầm để hoàn thiện bản thân. Đó mới là điều quan trọng”.

Tôi thường hay nói mỗi đứa trẻ sẽ giống một củ khoai và nhiệm vụ của nó là phải mọc mầm, theo tự nhiên thì sẽ mọc mầm thẳng lên phía trên. Thế nhưng, khi đứa trẻ đang mọc mầm thẳng thì bố mẹ đưa ra một kỳ vọng giống như một viên gạch đặt lên cái mầm và ý muốn của đứa trẻ phải đi theo đúng cục gạch đó và khi nào hết cục gạch mới có thể mọc thẳng. Thế nhưng khi chưa kịp mọc thẳng thì ngay lập tức bố mẹ lại đặt thêm cục gạch kỳ vọng và các con không bao giờ được làm việc mà mình muốn – PGS.TS Trần Thành Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.