Đừng tạo áp lực cho trẻ
Cách đây 1 năm, câu chuyện một nam sinh lớp 10 Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến (TPHCM) nhảy lầu tự tử vì áp lực học tập đã khiến nhiều phụ huynh phải trăn trở về cách nuôi dạy con của mình.
Áp lực học tập không phải là vấn đề mới, nhưng các hành vi gây hại cho các em đang có xu hướng gia tăng. Tâm lý phụ huynh ai cũng muốn con học giỏi, chăm ngoan, điểm cao nên “ép” con phải học thêm, học nhiều thầy cô để “theo kịp chúng bạn”...
Chính tâm lý đó gây áp lực lớn đối với con. Với nhiều cha mẹ, con được 9 điểm mà vẫn hỏi con: “Sao con không đạt 10 điểm? Chỉ một xíu nỗ lực nữa thôi con sẽ đạt 10 điểm”.
Chia sẻ về vấn đề này, nhà báo Hoàng Anh Tú (anh Chánh Văn một thuở) cho rằng: Khi trẻ đã không tìm thấy hứng thú học lại gặp sức ép từ tiếng quát của bố, cái lừ mắt của mẹ, luật lệ hà khắc của thầy cô… gây ra những áp lực rất lớn với trẻ. Kể cả những lời khen sai cách cũng khiến trẻ bị áp lực.
Làm sao để đổi chỗ từ gây áp lực thành tạo động lực? Đừng để những lo lắng trong bạn khiến con bạn căng thẳng theo. Hãy đứng về phía con. Hãy cho rằng việc tạo động lực cho con cũng chính là tạo động lực cho mình. Hãy nghĩ tích cực, nói những điều tích cực thay vì chỉ thấy những nguy cơ, nguy hiểm. Khi bố mẹ và con cái cùng một team (đội, nhóm), chúng ta sẽ có sức mạnh đồng thuận, sự đồng lòng, sẵn sàng của con.
Niềm vui tới trường. Ảnh minh họa/INT |
Cha mẹ truyền cảm hứng
Tương lai của con dẫu được nuôi dưỡng, định hướng từ cha mẹ. Thế nhưng thành công đến đâu, hạnh phúc thế nào thì chính các em mới là người quyết định. Cha mẹ nên lắng nghe lời con cái, để “đọc vị” những điều chúng mong muốn, những tâm sự và cả vấn đề mà có khi chính trẻ cũng chưa biết, chưa hiểu về bản thân mình.
Theo nhà báo Hoàng Anh Tú, cha mẹ sẽ là người truyền cảm hứng cho con chứ không phải ai khác. Nhà báo Hoàng Anh Tú phân tích, truyền cảm hứng rất khác với việc kiểm soát. “Nào chúng ta cùng học” sẽ khác với “Con học bài chưa? Sao giờ này còn chưa làm bài”. Kiểm soát sẽ khiến cha mẹ gây áp lực cho con, truyền cảm hứng sẽ tạo động lực cho con. Kiểm soát sẽ thành lực kéo - Truyền cảm hứng sẽ là lực đẩy.
Để tạo động lực cho con thay vì gây áp lực, cha mẹ cần phải học cách đối xử bình đẳng với con nhưng vẫn phải giữ cái uy của người làm cha, làm mẹ. Uy quan trọng hơn quyền. Quyền làm cha làm mẹ là có thể trừng phạt con bằng đòn roi, bằng cắt viện trợ, bằng sự áp đặt, trấn áp... Uy của người làm cha, làm mẹ thì có thể không cần bất cứ đòn trừng phạt nào mà con vẫn biết chúng nên làm gì và không nên làm gì. Quyền thì xây dựng bằng quát mắng nhưng uy phải được xây dựng từ lắng nghe và sự gương mẫu. Đừng làm con sợ bạn vì quyền. Hãy khiến con nể bạn vì uy”, nhà báo Hoàng Anh Tú khuyên.
Nên có những quy ước về thưởng/phạt
Với kinh nghiệm thực tế của một người mẹ, chị Phan Hồ Điệp cho rằng, nên có những quy ước về thưởng/phạt giữa bố mẹ và con cho việc học.
Phần thưởng mà chị thấy có ý nghĩa nhất với các bạn nhỏ vẫn là những lời động viên: “Mẹ thấy con đang rất chăm chú/ Con làm bài cẩn thận hơn hôm qua/ Con đã rất tích cực khi học tiếng Anh…”. Người lớn mà được khen cũng còn thấy thích, huống hồ trẻ nhỏ. Bố mẹ cũng có thể sử dụng hình dán sticker để dán vào tay con hoặc dán vào đầu giường.
Về phạt, hình thức có lẽ phù hợp nhất là cắt trừ thời gian vui chơi, xem ti vi. Ví dụ con cần làm xong bài trong 40 phút nhưng con làm đến 60 phút thì con sẽ mất 20 phút để xem ti vi chẳng hạn.
Cha mẹ cũng nên tập trung vào điểm mạnh của con trước khi nhận xét những gì con chưa làm được. Ví dụ con làm sai bài toán nhưng con lại viết cẩn thận bài khoa học hoặc con đã làm bài điền vào chỗ trống đúng. Các phụ huynh đừng lo là nếu mình không cảnh báo con về việc làm sai con sẽ tiếp tục sai.