Dạy chữ đi đôi với dạy người ở vùng cao

GD&TĐ - Từ quan điểm: “dạy chữ đi đôi với dạy người”, nhiều năm qua Trường THPT Mai Sơn (Sơn La) luôn chú trọng tới việc giáo dục đạo đức cho học sinh.

Học sinh toàn trường tham gia lao động tập thể.
Học sinh toàn trường tham gia lao động tập thể.

Để giáo dục toàn diện được thực chất...

Trường THPT Mai Sơn có 36 lớp với tổng số gần 1.600 học sinh. Theo cô Trần Thị Nguyên – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhiều năm qua, trường không chỉ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn chú trọng tới công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Công tác này đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cô Trần Thị Nguyên chia sẻ: “Hiện nay, chất lượng giáo dục toàn diện tại trường ngày một thực chất và bền vững. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT những năm gần đây luôn đạt 100%, chất lượng mũi nhọn được giữ ổn định. Nhà trường luôn đứng trong tốp các trường THPT chất lượng của tỉnh. Bên cạnh đó, các phong trào văn nghệ, thể thao luôn được chú trọng và đạt thành tích cao”.

Theo cô Nguyên, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được nhà trường đặc biệt quan tâm, triển khai. Đầu mỗi năm học, trường tổ chức “Tuần sinh hoạt chính trị”, trong đó tập trung giáo dục về truyền thống nhà trường. Cùng với đó, phổ biến, quán triệt nội quy, nề nếp cho học sinh.

Việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được lồng ghép vào nhiều hoạt động tập thể. (Ảnh: NVCC)

Việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được lồng ghép vào nhiều hoạt động tập thể. (Ảnh: NVCC)

“Chúng tôi lồng ghép hoạt động rèn luyện đạo đức, lối sống cho học sinh qua một số môn học như: Giáo dục Pháp luật và Kinh tế, Lịch sử, Văn học... Đồng thời thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các buổi chào cờ hàng tuần, sinh hoạt lớp. Từ đó đã góp phần giáo dục đạo đức và lối sống cho học sinh. Nhìn chung đa số các em đều ngoan ngoãn, lễ phép, ứng xử, giao tiếp lịch sự và văn minh”, cô Nguyên thông tin.

Những năm qua, công tác giáo dục pháp luật được Trường THPT Mai Sơn chú trọng thực hiện. Trường đã tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành luật pháp trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Qua đó, tạo bước chuyển biến mới về nhận thức về trật tự, an ninh trong toàn trường. Qua đây cũng góp phần nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp của nhà trường với chính quyền địa phương, đoàn thể chính trị xã hội trong việc giáo dục học sinh.

Các đại biểu dự buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật do nhà trường phối hợp với Công an huyện và Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Mai Sơn tổ chức.
Các đại biểu dự buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật do nhà trường phối hợp với Công an huyện và Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Mai Sơn tổ chức.

Mỗi nhà giáo là một tấm gương

Theo cô Nguyên, để công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đạt hiệu quả cao, Ban Giám hiệu yêu cầu mỗi cán bộ, giáo viên là một tấm gương sáng để các em noi theo. Thấm nhuần quan điểm trên, mỗi cán bộ, giáo viên nhà trường đều nghiêm túc thực hiện chuẩn mực của nhà giáo khi giao tiếp, ứng xử hàng ngày.

Không dừng lại ở đó, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực như: Chỉnh trang nghĩa trang liệt sỹ; thăm hỏi và tặng quà cựu thanh niên xung phong, cựu chiến binh, học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Trong mỗi hoạt động đều thu hút đông đảo học sinh tham gia. Qua đó, góp phần hình thành lối sống đẹp, sống có ích trong mỗi học sinh.

Năm học 2022 – 2023, Trường THPT Mai Sơn đã phối hợp với Công an huyện và Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Mai Sơn tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật với chủ đề: “Phòng ngừa vi phạm pháp luật lứa tuổi vị thành niên và cách nhận biết, phòng tránh một số hành vi lệch chuẩn trong giới trẻ hiện nay”. Buổi tuyên truyền nhằm giáo dục học sinh sớm hình thành nếp sống tích cực, có ý thức xã hội tốt hơn và trở thành con ngoan, trò giỏi.

Học sinh giao lưu, trả lời câu hỏi pháp luật do cán bộ Viện Kiểm sát hỏi.

Học sinh giao lưu, trả lời câu hỏi pháp luật do cán bộ Viện Kiểm sát hỏi.

Em Mùi Tuấn Anh (học sinh lớp 11) cho hay: “Khi tham gia sinh hoạt ngoại khoá và các môn học tại lớp, em được thầy, cô dạy về cách đối nhân xử thế. Thầy cô cũng hướng dẫn cách giao tiếp với bạn bè và những người lớn tuổi. Em sẽ cố gắng trau dồi kiến thức, tu dưỡng bản thân, để không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ và thầy cô”.

​​Theo nhận định của Ban giám hiệu, phần lớn học sinh toàn trường đều có đạo đức tốt. Các em đều kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, người lớn tuổi. Có tinh thần đoàn kết, tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng. Đa số các em có ý thức chấp hành pháp luật tốt, lối sống đẹp, lành mạnh, nhiệt tình tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn một số em chưa có ý thức học tập tốt, có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống.

“Để khắc phục những tồn tại trên, chúng tôi chú trọng giáo dục các em từ những điều nhỏ nhất, như: Văn hóa xếp hàng, tự phục vụ, cách xưng hô với bạn bè, thái độ khi giao tiếp, ứng xử với những người xung quanh. Tất cả cũng chỉ với mong muốn giúp các em nhận thức đúng, hành động đúng, dần hình thành lối sống đẹp và văn minh”, cô Nguyên nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.