Mục tiêu đúng đắn
Ngày 12/2, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có buổi làm việc với Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng đồng về chủ đề “Giải pháp nâng cao an toàn giao thông cho người đi xe mô tô, xe máy tại Việt Nam”. Ông Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia kiến nghị cơ quan quản lý cần bổ sung chương trình đào tạo, sát hạch cấp bằng lái; ngành Giáo dục cần xây dựng quy trình cụ thể đào tạo về an toàn giao thông trong trường học và có bài thi đánh giá đối với học sinh.
Trao đổi về vấn đề này, thầy Hà Văn Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Tho (Ý Yên, Nam Định) đánh giá, đây là ý tưởng khả thi, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng tai nạn giao thông và nhu cầu nâng cao ý thức cho học sinh về các quy định, kỹ năng tham gia giao thông. An toàn giao thông có thể được lồng ghép trong các môn học như Giáo dục công dân, Sinh học (về tác hại của tai nạn giao thông), Kỹ năng sống…
Ngoài ra có thể xây dựng các chuyên đề về an toan giao thông cho từng cấp học, từ giáo dục cơ bản về biển báo đến tình huống cụ thể và kỹ năng xử lý tình huống. Tích hợp vào chương trình phổ thông các bài học luật giao thông, quy định về an toàn khi tham gia giao thông, cách ứng xử khi gặp tình huống nguy hiểm. Điều này có thể bắt đầu từ cấp tiểu học đến THPT.
Tại Trường THCS Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), nhiều năm nay nhà trường triển khai nghiêm túc và quyết liệt nhiều giải pháp để tuyên truyền cho học sinh tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông. Đặc biệt, không em nào đi xe điện hay xe máy điện đến trường vì chưa đủ 14 tuổi.
“Tôi cho rằng, giáo dục về an toàn giao thông ở mỗi nhà trường trong bối cảnh hiện nay cần thiết để bảo vệ an toàn cho học sinh cũng như người xung quanh. Nhà trường đang dạy lồng ghép nội dung này trong môn Giáo dục công dân cũng như một số hoạt động/chuyên đề ngoại khóa. Nếu để giảng dạy như bộ môn độc lập và có đánh giá đầu ra cho học sinh thì phải có chủ trương, hướng dẫn cụ thể từ cấp trên”, cô Hiệu trưởng Đặng Thúy Hà nói.
Về phương thức triển khai, thầy Hà Văn Hải cho rằng, cần đào tạo giáo viên, cán bộ có đủ kiến thức chuyên môn an toàn giao thông để giảng dạy. Đặc biệt, cần hợp tác với lực lượng công an để cung cấp tài liệu và hướng dẫn. Các phần mềm mô phỏng về giao thông có thể giúp học sinh dễ dàng hình dung và học tập về tình huống thực tế mà không cần ra ngoài, giúp nâng cao khả năng nhận thức về an toàn giao thông một cách trực quan hơn.
Ngoài ra, cần phối hợp với cơ quan liên quan như cảnh sát giao thông, tổ chức giáo dục về an toàn giao thông để triển khai các buổi giảng dạy, cấp tài liệu chính thống cho học sinh. Các tổ chức về an toàn giao thông, doanh nghiệp liên quan đến sản xuất phương tiện giao thông, bảo hiểm… có thể tài trợ, hợp tác tổ chức chương trình huấn luyện hoặc cung cấp tài liệu giáo dục về an toàn giao thông.

Chuẩn bị kỹ càng
Bày tỏ ủng hộ đề xuất này, thầy Đào Văn Duẩn - Hiệu trưởng Trường THPT Nam Trực (Nam Trực, Nam Định) cho hay, nếu hiện thực hóa sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho học sinh, từ đó giảm các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh phổ thông.
Tuy nhiên, vị hiệu trưởng cũng lưu ý, nếu triển khai giảng dạy an toàn giao thông như một hoạt động giáo dục chính khóa và có kiểm tra đầu ra thì cần nghiên cứu để phù hợp Chương trình GDPT 2018. Đó là chưa kể, muốn dạy phải có giáo viên chuyên trách về an toàn giao thông và giáo trình dạy riêng, quy trình ra đề kiểm tra cũng cần được xây dựng khoa học và kiểm soát chặt chẽ.
Từ thực tế ở cơ sở, thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) khẳng định, mục đích của đề xuất trên rất đúng đắn nhưng khi áp dụng phải phù hợp thực tế. An toàn giao thông cần được thể hiện qua những việc làm cụ thể, hằng ngày của học sinh chứ không đơn thuần là bài kiểm tra, cho điểm như các môn học khác.
“Để kiểm tra đầu ra kiến thức về an toàn giao thông cho học sinh thì các trường có thể triển khai dưới hình thức cuộc thi trực tuyến/hội thi hoặc phiếu khảo sát mang tính chất nhẹ nhàng. Thực hiện Chương trình GDPT mới còn những vất vả, nếu áp dụng thêm đánh giá đầu ra về an toàn giao thông có thể gây ra áp lực không cần thiết cho cả thầy và trò”, thầy Cao Cường lưu ý.
Dưới góc độ chuyên gia giáo dục độc lập, diễn giả Đào Ngọc Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục an toàn giao thông cho học sinh trong trường học, nhất là cấp THCS và THPT. Nhiều trường hợp học sinh chưa đủ tuổi nhưng vẫn điều khiển xe gắn máy hoặc xe máy điện đến trường và gây ra những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc. Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 đã tăng tính ràng buộc về trách nhiệm của cha mẹ học sinh khi giao xe cho con đi dù chưa đủ tuổi.
“Câu chuyện cần bàn là phương pháp truyền đạt của giáo viên về an toàn giao thông cho học sinh. Thầy cô phải biết kể chuyện liên quan đến bài học để học trò dễ hình dung, dễ nhớ hơn là chỉ nói về các quy định an toàn giao thông một cách hàn lâm, cứng nhắc.
Ngoài trình độ chuyên môn, giáo viên cần được đào tạo để có thêm kỹ năng kể chuyện. Tóm lại, học sinh cần được học về quy định an toàn giao thông từ nhỏ và theo thời gian sẽ thẩm thấu để tự giác thực hiện như một thói quen”, diễn giả Đào Ngọc Cường nhấn mạnh.