Và cũng chính miền đất này đã hình thành các môn phái võ thuật với tinh hoa chân truyền, là mạch nguồn của bao đường quyền, thế tấn công phu.
Dấu tích một thời oai hùng
"Đất này là đất cụ Đề, Tây lên thì có Tây về thì không”. Tìm theo câu ca xưa, chúng tôi về Yên Thế vào một chiều cuối năm trong cái nắng hanh hao, cây cỏ khô vàng.
Địa danh Cầu Gồ ngày nào còn là đại ngàn khuất nẻo, nay đang chuyển mình với nhà máy, nông trường và đô thị sầm uất. Bước vào khu đồn chiến sự mang tên Phồn Xương, ai nấy đều bất ngờ khi biết rằng chính cái tường hào bằng đất ấy đã từng làm giặc Pháp nhiều phen “thất điên, bát đảo”. Đồn rêu phong ẩn khuất sau lùm cây um tùm.
Trước mắt tôi, đại bản doanh của nghĩa quân Yên Thế ngày nào giờ chỉ còn là một phế tích ố màu. Khó có thể hình dung nổi toàn bộ kết cấu khu đồn nếu không có những bức ảnh do người Pháp chụp đang lưu giữ tại nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế.
Trong đồn, nhân dân xây dựng đền và tạc tượng thờ bà Ba Cẩn (vợ ba của Đề Thám). Các công trình kiến trúc bên trong đã bị đổ nát toàn bộ, chỉ còn lại tường thành bằng đất có lỗ châu mai. Nghe nói thành đất này được trùng tu năm 1987 khi Xí nghiệp phim truyện Việt Nam sản xuất tác phẩm điện ảnh Thủ lĩnh áo nâu.
Hơn 130 năm trôi qua, kể từ khi khởi nghĩa Yên Thế bùng nổ (năm 1884), hôm nay ta vẫn nghe vang vọng đâu đây hào khí lễ tế cờ tại đền Thề năm xưa.
Núi rừng trùng trùng và cả những trận quần thảo cam go ở đồn Phồn Xương, đồn Hố Chuối, đồn Hom vẫn chưa hề vơi ngót. Du khách càng bất ngờ, xúc động hơn bởi khu đồn thâm u, hoang vu giữa chốn nước độc, rừng thiêng lại là nơi được người đời ca ngợi hết mực về đời sống tinh thần phong phú, sinh động của nghĩa quân.
Cụ Đề từng nói: "Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hy sinh cả tính mạng" đã thể hiện tư tưởng của một nhà văn hoá lớn.
Khơi dậy tinh thần thượng võ
Không chỉ chứng kiến những chiến tích một thời của nghĩa quân Đề Thám, về thăm đất cụ Đề hôm nay chúng ta còn cảm nhận được một “Tinh thần Yên Thế” bất hủ từ những võ đường, sự say mê võ thuật của người dân trên mảnh đất này.
Vào sâu trong những thôn bản của vùng đất này, truyền thống học võ luyện mình vẫn như một mạch ngầm chảy mãi trong mỗi gia đình. Bằng chứng rõ nhất là những võ đường sau lũy tre làng vẫn được duy trì tại đây qua năm tháng, thu hút nhiều môn sinh theo học.
Sau khi Hoàng Hoa Thám mất và cuộc khởi nghĩa thất bại, tưởng rằng võ công Yên Thế sẽ mất đi nhưng nhiều năm qua, các lò võ vẫn ngày đêm rèn luyện, truyền thừa cho các thế hệ sau.
Các thầy dạy võ ở đây đã bảo tồn, gìn giữ những tinh hoa chân truyền của dân tộc. Phong trào học võ đã lan rộng từ người già đến trẻ nhỏ. Nhà nhà học võ, người người học võ, thậm chí võ thuật đã được đưa cả vào trong giờ ngoại khóa của nhà trường.
Đó cũng là lý do để hằng năm ngành thể thao Bắc Giang tổ chức giải võ cổ truyền trước võ đài Phồn Xương thu hút đông đảo anh tài tranh dự và người hâm mộ.
Tìm đến một võ đường tại xã Tam Hiệp gặp võ sư Nguyễn Trường Sinh (60 tuổi), chúng tôi hiểu thêm về tinh thần thượng võ tại đây một cách đầy đủ hơn.
Võ sư Sinh là một trong những người có công gìn giữ, phát triển võ thuật cổ truyền suốt mấy chục năm qua. Ở vùng quê này, nhiều người biết đến ông Sinh là thầy dạy võ hơn là một cán bộ văn hóa huyện.
Năm 1990, huyện Yên Thế thành lập câu lạc bộ võ thuật Hoàng Hoa Thám do ông Sinh làm huấn luyện viên, rồi năm 1998 ông tự bỏ tiền đầu tư xây dựng võ đường tại nhà.
Cả đời võ sư Sinh gắn với nghiệp võ, giờ con trai và con gái ông cũng mê võ công. Võ đường của ông ngoài là nơi ăn nghỉ và tập luyện của các môn sinh mà còn như một phòng truyền thống với hàng trăm bằng khen, giấy khen, huy chương về thành tích võ thuật từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia.
Ở Yên Thế còn có võ sáo, bài võ bí truyền có tên “Thiết địch thần phong” được xem là "đặc sản" chỉ có ở đây do một võ sư khác tên là Trịnh Như Quân nắm bắt bí kíp.
Bài võ sáo được hình thành, phát triển từ chính cuộc khởi nghĩa của những người nông dân áo vải nhuộm chàm. Võ sư Quân kể: Nghĩa quân xưa đã dùng những cây sáo sắt để tập hợp quân sĩ hay làm tín lệnh để báo hiệu khi có kẻ thù đến.
“Thiết địch thần phong” gồm 6 thế tấn (tả cảnh), 13 thuật đặc dị kiếm pháp và 51 chiêu thức cụ thể. Bắt đầu từ thế bái tổ (đặc trưng của võ cổ truyền) rồi tới các thế: Lập tấn; tả hữu xa luân; tam hoa cái đỉnh; xà hành nhập trận; long hổ hội; xà hành thoái bộ...
Võ sĩ biểu diễn võ sáo uyển chuyển linh hoạt. Khi chuyển sang thế phản công, cây sáo từ tay trái chuyển sang tay phải và được sử dụng như một cây kiếm lợi hại. Hiện bài võ sáo đang được truyền dạy cho hơn 100 học sinh ở Yên Thế.