Đầu tư kinh tế tư nhân trong giáo dục: Không thể như trồng rau, nuôi gà

GD&TĐ - Đầu tư trong lĩnh vực giáo dục không nằm ngoài định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục được chia sẻ từ những “người trong cuộc” rằng, vẫn còn nhiều cái khó, trong đó có biện pháp quản lý Nhà nước đối với mô hình  trường tư. 

Hiệu quả đầu tư của kinh tế tư nhân trong giáo dục phải đi đôi với lợi ích và chất lượng giáo dục 	Ảnh: Thu Hằng
Hiệu quả đầu tư của kinh tế tư nhân trong giáo dục phải đi đôi với lợi ích và chất lượng giáo dục Ảnh: Thu Hằng

Tôn trọng những giá trị cốt lõi

Ông Cao Việt Dũng - Giám đốc Đầu tư của Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ (IAE) chia sẻ lý do đầu tư vào giáo dục mà không phải đầu tư vào lĩnh vực khác: “Tổ chức chúng tôi không chỉ đơn thuần là một quỹ đầu tư tài chính, không đầu tư đa ngành nghề và không đầu tư chỉ vì lợi nhuận ngắn hạn thuần túy. Các thành viên sáng lập của IAE là những cá nhân có cơ hội được tiếp cận và học tập tại các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Họ thấu hiểu được giá trị của một xã hội học tập tiên tiến, cùng những lợi ích to lớn mà phương pháp giảng dạy, chất lượng giáo viên mang tới cho người học và cả xã hội. Bên cạnh đó, nhu cầu đối với các sản phẩm giáo dục và đào tạo tại Việt Nam hiện tại, theo chúng tôi đánh giá là rất lớn. Ngày càng có nhiều phụ huynh sẵn sàng chi trả để con em mình được học tập trong một môi trường giáo dục toàn diện và chất lượng. Chính vì những lý do trên, IAE đã chọn giáo dục là lĩnh vực đầu tư duy nhất của mình”.

Theo ông Cao Việt Dũng, cơ cấu và tốc độ tăng trưởng thu nhập của Việt Nam đang ở mức cao so với tốc độ trung bình của thế giới. “Tầng lớp trung lưu, có thu nhập khá trong xã hội ngày càng nhiều và có xu hướng tăng nhanh. Có một thực tế là khi thu nhập tăng lên một mức nhất định nào đó, các gia đình luôn có xu hướng muốn con em mình được học tập trong những cơ sở giáo dục tốt hơn, toàn diện hơn. Điều này thể hiện rõ ở số lượng du học sinh Việt Nam tăng đều và nhanh hơn 10 năm qua. Số lượng trường tư thục ở tất cả các cấp ngày càng nhiều. Theo chúng tôi đánh giá, xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục ít nhất là trong trung hạn 5 - 10 năm tới”- ông Dũng nói.

Bà Lê Thị Bích Dung - Thành viên HĐQT TrườngTiểu học- THCS- THPT Newton Hà Nội phân tích: “Khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo là một chủ trương đúng của Nhà nước. Tuy nhiên, việc phát huy hết hiệu quả của chính sách quan trọng này theo tôi vẫn còn cần một khoảng thời gian nữa. Trong khi giáo dục, đào tạo là một lĩnh vực kinh doanh đặc biệt, sự tách biệt hoàn toàn giữa kinh doanh vì lợi nhuận và làm tròn nghĩa vụ đào tạo con người đôi lúc còn gặp khó khăn”.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Cho rằng vốn mà các nhà đầu tư rót vào giáo dục tư quyết định nhiều về điều kiện dạy và học, ông Nguyễn Sĩ Thư - Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục Alpha Schoolcho rằng, có sự khác biệt trong đầu tư kinh tế tư nhân ở các lĩnh vực khác so với đầu tư kinh tế tư nhân trong giáo dục. “Khi tiếp cận với các nhà đầu tư giáo dục, thường các trường tư đề cao ngoài vấn đề sẵn sàng về vốn,cũng cần có triết lý giáo dục căn bản, có đội ngũ nhân sự hiểu biết sâu. Đặc biệt, họ phải cam kết lâu dài và tôn trọng các giá trị cốt lõi của giáo dục”.

Tiếp cận quỹ đất xây trường thuận lợi hơn

Cũng theo ông Nguyễn Sĩ Thư, mong muốn hiện nay đối với nhiều trường tư thục là Nhà nước cần tạo điều kiện hỗ trợ cho các chủ đầu tư tiếp cận quỹ một cách thuận lợi hơn. Điều này giúp các chủ đầu tư có thể mở rộng hệ thống trường, đặc biệt, trong quy hoạch, đầu tư ở các khu đô thị mới, nơi mật độ dân cư đông, trường học còn thiếu nhiều. Mặt khác, Nhà nước cũng nên tạo điều kiện nếu các tổ chức, cá nhân dành đất cho giáo dục.

Chia sẻ về những vướng mắc trong chính sách đối với đầu tư tư nhân vào lĩnh vực GD-ĐT, ông Cao Việt Dũng nhìn nhận: “Mỗi chính sách ra đời, đặc biệt là các chính sách có tính đột phá, thay đổi căn cơ với cái cũ đều có độ trễ nhất định và sẽ cần thời gian để phát huy hiệu quả. Trong thực tế, triển khai đầu tư, hoạt động kinh tế tư nhân trong lĩnh vực giáo dục có những thời điểm gặp phải một số khó khăn.

“Cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân cho các cán bộ, giáo viên làm việc trong các trường tư hiện nay. Cũng như chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cá nhân, tổ chức đầu tư vào trường học. Bởi, đầu tư vào giáo dục không thể giống đầu tư vào các lĩnh vực khác. Nói rõ hơn là để có lợi nhuận từ vốn đầu tư cần có một quá trình gây dựng chất lượng và hiệu quả giáo dục. Mặt khác, tác dụng, ý nghĩa của đầu tư vào giáo dục không giống đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế tư nhân khác”, ông Thư bày tỏ quan điểm.

Cụ thể, trong công tác quản lý Nhà nước đối với một cơ sở giáo dục tư- quản lý như một doanh nghiệp tư nhân hay một cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội. Lĩnh vực này không chỉ là kinh doanh đơn thuần mà tác động xã hội rất lớn. Mục tiêu về tài chính đôi lúc mâu thuẫn với mục tiêu giáo dục. Tuy nhiên, chúng ta luôn luôn tin tưởng là chủ trương xã hội hóa giáo dục, khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực này là hoàn toàn đúng đắn, thuận theo xu hướng phát triển tất yếu. Những khó khăn gặp phải hiện tại chủ yếu do chúng ta mới đổi mới về tư duy và cách thực hiện”

Khi đã xác định phát triển kinh tế tư nhân trong lĩnh vực giáo dục, xác định rót vốn đầu tư vào lĩnh vực này, cá nhân và tổ chức đầu tư không thể nóng vội nghĩ đến lợi nhuận trước mắt. Bởi, hiệu quả đầu tư kinh tế tư nhân trong giáo dục không thể nhìn nhận như trồng rau, nuôi gà... Hiệu quả đầu tư phải đi đôi với lợi ích và chất lượng giáo dục mà học sinh và phụ huynh nhận được.

Theo An Nhiên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.