'Đầu tàu'… đi đâu?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đào tạo dự bị đại học và cử tuyển là chủ trương, chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Đồng thời góp phần hiện thực hóa công cuộc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc được dư luận hoan nghênh, xã hội hưởng ứng tích cực.

Với trình độ chuyên môn được đào tạo, đội ngũ trên đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ hủ tục trong phong tục tập quán, chú tâm đến học hành, biết cách chăm sóc sức khỏe, lao động sản xuất… Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần từng bước nâng lên.

Lâu nay, việc xác định nhu cầu nguồn nhân lực trong từng lĩnh vực cụ thể đều xuất phát từ các địa phương. Thứ nữa, quy trình xây dựng chỉ tiêu và cử tuyển cũng được thực hiện theo chiều dọc từ xã, huyện đến tỉnh và theo chiều ngang - giữa các lĩnh vực với nhau. Thế nhưng, một trong những khó khăn, bất cập hiện hữu là, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học hệ cử tuyển chưa được bố trí công việc. Thực trạng này cũng xảy ra đối với những người thuộc diện đào tạo dự bị đại học. Vì thế, không ít người rơi vào tình cảnh thất nghiệp.

“Bắt mạch” nguyên nhân của thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, dường như công tác cử tuyển thời gian qua chỉ chú trọng đến một số ngành nghề như: Y tế, xây dựng đội ngũ công chức hành chính, viên chức sự nghiệp… mà chưa mở rộng các lĩnh vực đang “khát” nhân lực. Hoặc việc cắt cử nhân sự đi học chưa phù hợp hay đào tạo chưa sát với nhu cầu thực tế? Vô hình trung dẫn đến tình trạng “cử tuyển” ra trường không biết về đâu.

Xây dựng nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số được đào tạo bài bản, khoa học để họ trở thành “đầu tàu” dẫn dắt đồng bào các dân tộc của địa phương mình phát huy tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục… đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy, mục tiêu của các chính sách nêu trên không chỉ dừng lại ở đào tạo đội ngũ cán bộ, mà là tạo nguồn nhân lực cho các vùng kinh tế - xã hội còn khó khăn.

Thiết nghĩ, cần có chính sách hỗ trợ đặc thù trong công tác đào tạo, bồi dưỡng người dân tộc thiểu số để lực lượng này gắn bó với địa phương và ngành nghề được đào tạo. Đồng thời tham gia xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp. Trước mắt, chính quyền các địa phương có người đi học cử tuyển nên sắp xếp, bố trí việc làm sát với tình hình thực tế.

Đề xuất này không phải là không có cơ sở, bởi Luật Giáo dục hiện hành quy định, UBND cấp tỉnh căn cứ vào nhu cầu của địa phương đề xuất, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển; cử người đi học theo tiêu chuẩn, chỉ tiêu được duyệt; xét tuyển và bố trí việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.

Cơ sở giáo dục có trách nhiệm hỗ trợ người học theo chế độ cử tuyển để đảm bảo chất lượng đầu ra. Tuy nhiên, người học theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm trở về làm việc tại địa phương nơi cử đi học; được xét tuyển và bố trí việc làm.

Gắn trách nhiệm của địa phương, cấp ủy, người đứng đầu trong việc cử người đi học và tiếp nhận sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường trở về địa phương là bài toán đã, đang và cần tiếp tục tính đến. Có như vậy mới tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một góc bản Nàng 1, xã Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Trăn trở Mường Lý

GD&TĐ - Mường Lý vào tháng 4 trời nóng rát. Gió phơn Tây Nam thổi ràn rạt. Những vạt rừng lau, lách ngả màu vàng úa, chỉ một mồi lửa là có thể bùng cháy.
HLV Park Hang Seo gây sốt trên mạng xã hội trong tháng 3.

HLV Park Hang Seo gây 'sốt' mạng xã hội

GD&TĐ - Dù đã chia tay tuyển Việt Nam từ lâu nhưng HLV Park Hang Seo vẫn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ bóng đá trên dải đất hình chữ S.