Đầu ra cho SV trường nghề: Cần hợp tác và bám sát nhu cầu

GD&TĐ - Một trong những điểm mới trong công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm nay là hàng loạt các chương trình hợp tác đã được Tổng cục GDNN ký kết với các hiệp hội, các tập đoàn và các doanh nghiệp (DN) lớn. 

Đầu ra cho SV trường nghề: Cần hợp tác và bám sát nhu cầu

Cùng với đó, các cơ sở GDNN cũng đồng loạt đẩy mạnh ký kết các chương trình hợp tác với các DN, để nâng cao chất lượng đào tạo đồng thời đáp ứng tốt nhu cầu nhân lực cho các DN.

Hợp tác tuyển sinh và đào tạo

Gắn kết tuyển sinh, tổ chức đào tạo với thị trường lao động, việc làm trong đó tiếp tục triển khai cơ chế 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - DN. Cụ thể, vừa qua Tổng cục GDNN đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội DN nhỏ và vừa, Hội Doanh nhân trẻ... triển khai các hoạt động phối hợp có tổ chức đào tạo và sử dụng nhân lực qua đào tạo. Nội dung của các chương trình hợp tác này đi sâu vào các trọng tâm về đặt hàng tuyển sinh, tổ chức đào tạo và tuyển dụng sau tốt nghiệp.

Theo Tổng cục GDNN, từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều chương trình hợp tác giữa cơ sở GDNN với DN đã được ký kết, điển hình như: Chương trình hợp tác giữa Trường CĐ Kỹ nghệ Dung Quất với Công ty cổ phần Hòa Phát Dung Quất; Công ty cổ phần dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi PTSC; Công ty TNHH Properwell Việt Nam; Công ty TNHH South Sea Leather Wares... các chương trình ký kết hợp tác này đã mở ra cơ hội việc làm cho gần 16.000 lao động tại địa phương trong giai đoạn 2018 - 2020.

Bên cạnh đó, một số trường CĐ nghề chất lượng cao như Trường CĐ Cơ điện Hà Nội; CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội; CĐ Cơ điện Xây dựng Bắc Ninh; CĐ Công nghệ Hà Tĩnh... cũng đã vào cuộc mạnh mẽ với hàng loạt chương trình hợp tác với DN được ký kết, mở ra cơ hội việc làm cho hàng chục nghìn SV ngay sau tốt nghiệp.

Theo nhận định của chuyên gia, với sự gắn kết này, các cơ sở GDNN đã đảm bảo được “đầu ra” cho SV, đây cũng là cơ sở vững chắc để thực hiện cam kết việc làm sau học nghề đối với các em HS, SV. Vấn đề còn lại là gắn kết với các trường THPT, THCS để tuyển sinh. Đồng hành với DN trong suốt quá trình đào tạo để “sản phẩm đào tạo” của trường đạt đúng yêu cầu và đúng thời điểm DN cần.

Bám sát nhu cầu doanh nghiệp

Thực hiện phương châm chất lượng và hiệu quả đào tạo là mục tiêu hàng đầu; không chạy theo số lượng chỉ tiêu tuyển sinh; việc tuyển sinh phải gắn với tuyển dụng, việc làm sau tốt nghiệp của người học. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết: Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, khó nhất là đổi mới tư duy bao cấp sang tư duy thị trường. Đổi mới về tư duy, trước đây đào tạo nghề cho SV theo các chương trình đã có sẵn để các SV có thể tìm được việc làm sau tốt nghiệp. Nay đổi mới GDNN, chương trình đào tạo phải bám sát nhu cầu DN, từ đó xác định được chương trình đào tạo và gắn liền tuyển dụng với tuyển sinh.

Có nghĩa là quy trình đào tạo mới sẽ ngược lại so với trước đây, xuất phát từ nhu cầu của DN để thiết kế và tiến hành đào tạo, trong quá trình này, DN đóng vai trò nòng cốt, từ việc xác định chương trình đào tạo, đặt hàng nhân lực, đến tham gia vào quá trình đào tạo.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Quân: Tổng cục GDNN sẽ đóng vai trò điều phối kế hoạch chung cho các trường, Sở LĐ-TB&XH để cuối tháng 4 và tháng 5 tới sẽ đẩy mạnh truyền thông trọng điểm tầm quốc gia về công tác tuyển sinh GDNN nhằm thay đổi nhận thức của xã hội. Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, có kế hoạch hỗ trợ trường kết nối với DN để đẩy mạnh truyền thông trong công tác tuyển sinh. Đồng thời lấy DN là trọng tâm, lấy tự chủ là trọng tâm, công nghệ thông tin, chuẩn hóa làm đổi mới.

“Tạo cơ chế chính sách cho DN tham gia đào tạo, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành các thông tư hướng dẫn cho phép các DN tham gia sâu vào quá trình đào tạo. Đồng thời giúp cho các trường đổi mới tư duy, thay đổi quy trình đào tạo theo xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay”- Thứ trưởng Lê Quân cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ