Đón đầu CMCN 4.0: Doanh nghiệp và nhà trường cùng bắt tay

GD&TĐ - Là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn bởi cuộc CMCN 4.0, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong nước đang tích cực thay đổi và tìm hướng đi mới để theo kịp xu thế. Một trong số đó là tăng cường gắn kết với các trường ĐH trong nghiên cứu, phát triển sản phẩm và đào tạo nhân lực.

Đón đầu CMCN 4.0: Doanh nghiệp và nhà trường cùng bắt tay

Phòng thí nghiệm sản phẩm của TBS

Sở hữu hệ thống nhà máy, trung tâm phát triển sản phẩm rộng khắp cả nước với hơn 40.000 lao động và là đối tác quen thuộc của nhiều thương hiệu lớn trên thế giới như Skechers, Decathlon, Wolverine… TBS là một trong những đơn vị đi đầu trong ngành sản xuất da giày của Việt Nam và có tốc độ phát triển mạnh mẽ.

Thời gian qua, TBS cũng đã tích cực tìm phương án để kéo ngắn khoảng cách về công nghệ và nhân lực. Một trong số đó là việc kết hợp với ĐH Quốc tế TPHCM trong việc đào tạo nhân lực và phát triển sản phẩm từ hơn 2 năm qua. Cụ thể, TBS đã trao gần 1,7 tỷ đồng tạo quỹ học bổng TBS cho Trường ĐH Quốc tế nhằm khuyến học, đầu tư trang thiết bị.

Mới đây nhất, phòng thí nghiệm thiết kế và phát triển sản phẩm TBS trị giá 1,8 tỉ đồng do TBS và ĐH Quốc tế cùng đầu tư cũng đã được khánh thành và đi vào hoạt động. Với các nhóm thiết bị và phần mềm thiết kế - mô phỏng CAD, nhóm thiết bị đo lường – tạo mẫu 3D, thiết bị tạo mẫu nhanh, đây là nơi sẽ hỗ trợ phần đào tạo thực hành cho sinh viên Trường ĐH Quốc tế về các phương pháp nghiên cứu và phát triển các sản phẩm da giày của TBS, phục vụ cho những mục tiêu trong tương lai.

Định hướng “khuyến tài” của Asanzo

Tương tự là sự kết hợp giữa Tập đoàn điện tử Asanzo và Trường ĐH Bình Dương. Là nhà sản xuất điện tử nội địa hàng đầu Việt Nam đang cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ nước ngoài nhằm chiếm lĩnh thị trường trong nước, Asanzo đang rất nỗ lực trong việc phát triển công nghệ cũng như xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đơn vị này đã ký kết gói tài trợ cho trường trị giá 4 tỷ đồng, trong đó 3 tỉ đồng tiền mặt sẽ được trao trực tiếp cho các bạn SV, 1 tỷ đồng được sử dụng để đầu tư cho “Phòng thực tập điện tử Asanzo”.

Không phải là một phòng thực tập thuần túy, đây còn là trung tâm dịch vụ điện tử và khởi nghiệp thuộc Khoa Điện - Điện tử ĐH Bình Dương và cũng là một trạm bảo hành độc lập của Asanzo. Mô hình kết hợp này giúp sinh viên vừa được thực hành về chuyên môn, vừa sinh hoạt các câu lạc bộ nghề và khởi nghiệp, đồng thời cũng được trực tiếp nghiên cứu, tìm hiểu và tham gia vào công việc sửa chữa cho các sản phẩm điện tử hiện có của Asanzo.

Để đáp ứng mục tiêu phát triển lâu bền, Asanzo cũng sẽ nâng cao sự gắn kết với các trường đại học, tiếp tục đầu tư cho các dự án phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho tập đoàn như chương trình khuyến tài trao học bổng cho sinh viên kỹ thuật tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM, trang bị phòng kỹ thuật thực hành cho các trường đại học chuyên ngành.

Các bên cùng hưởng lợi

Sinh viên là đối tượng đầu tiên hưởng lợi từ những cái bắt tay giữa doanh nghiệp (DN) nội và trường ĐH. Trước đây, hiện tượng DN đặt hàng đào tạo nhân lực từ trường ĐH nhưng không thể thu nhận sau khi các em ra trường do sự khác biệt giữa chương trình đào tạo và yêu cầu thực tiễn của DN.

Hiện tại, tình trạng này đã được hạn chế khi DN có thể can thiệp sâu hơn vào chương trình đào tạo của trường ĐH. Chương trình học sát với yêu cầu thực tiễn giúp sinh viên cọ xát hơn với công việc, làm quen với môi trường công nghiệp ngay từ phòng thí nghiệm và đảm bảo tốt hơn yêu cầu về nhân lực mà các DN đặt ra. Các em cũng có nhiều cơ hội có việc làm ngay sau khi ra trường hơn.

PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM cho rằng xu hướng bắt tay giữa DN nói chung và DN trong nước và trường ĐH là điều cần thiết góp phần quan trọng trong việc nâng chất lượng của giáo dục ĐH cả nước nói chung cũng như khối ĐHQG TPHCM. Đây cũng là một tiêu chí đánh giá quan trọng trong các kỳ kiểm định đánh giá chất lượng AQN UN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.