Báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với TS Trần Lệ Thu- Trưởng khoa Khoa học Dinh dưỡng và Ẩm thực, Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM về nhu cầu việc làm của hai ngành này trong tương lai.
PV: Hai ngành mới Khoa học dinh dưỡng và Ẩm thực của trường đang tạo sức hút lớn với thí sinh, bà có thể cho biết hai ngành này có điểm gì đặc biệt?
TS Trần Lệ Thu: Điểm đặc biệt của hai ngành học mới Khoa học dinh dưỡng và Ẩm thực chính là tính thực tế, tính nhu cầu và nền tảng khoa học về dinh dưỡngnó mang lại cho người học.Trong những năm gần đây dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của con người và xã hội.
Tìm hiểu về khoa học dinh dưỡng, vai trò của chế độ ăn uống, lựa chọn chế độ ăn uống tốt không chỉ giúp con người tối đa hóa sức khoẻ mà còn giảm thiểu nguy cơ mất an toàn về vệ sinh thực phẩm trong chế biến món ăn, cũng như sử dụng chế độ dinh dưỡng mỗi ngày một cách hợp lý.
Trên thế giới đặc biệt là ở các nước Anh, Úc, Thụy Sĩ nhóm ngành về khoa học dinh dưỡng rất được chú trọng và phát triển giúp người dân có sức khỏe tốt và tuổi thọ cao. Theo đánh giá của ngài Phillip Kotler- một chuyên gia hàng đầu về Marketing của thế giới Việt Nam nên hướng tới tiêu chí “là bếp ăn của thế giới”, tuy nhiên việc phải sử dụng thực phẩm bẩn, chế độ ăn uống khoa học khiến nhiều người dân gặp nhiều vấn đề về sức khỏe.
Nhiều học sinh rất đam mê mới nhóm ngành học mới Khoa học dinh dưỡng và Ẩm thực |
PV: Cơ hội việc làm trong tương lai của hai ngành này như thế nào?
TS Trần Lệ Thu:Từ nhu cầu về ăn mặc và ẩm thực ngày càng cao của người dân, cộng với phát triển vượt trội của nhóm ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn….thực tế cho thấy chúng ta đang thiếu một nguồn nhân lực lớn về dinh dưỡng. Đặc biệt là các chuyên gia có kiến thức sâu nghiên cứu về dinh dưỡng ẩm thực. Quan trọng, đây là ngành không bị ảnh hưởng bởi cuộc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong tương lai
PV: Cả hai nhóm ngành này cùng liên quan đến dinh dưỡng, ẩm thực, món ăn. Vậy chương trình học của hai ngành này khác nhau như thế nào thưa bà?
TS Trần Lệ Thu:Hai ngành sẽ học chương trình đại cương, đó là những môn cơ sở ngành nhằm giúp các em có được kiến thức nền tảng về dinh dưỡng học và thực phẩm.
Sau khi hoàn thành chương trình đại cương, nhóm ngành Dinh dưỡng và Ẩm Thực đi sâu về kiến thức dinh dưỡng, tác động của dinh dưỡng vào sức khỏe con người. Ngoài ra nhóm này cũng giúp người học lựa chọn và ý thức tốt hơn về các chế độ ăn, khẩu phần ăn.
Riêng nhóm ngành Khoa học Chế biến món ăn sẽ hướng người học cách thức chế biến các món ngon; hiểu hết các kiến thức liên quan đến khoa học thực phẩm; tác động trong quá trình chế biến thực phẩm cho đến khi ra sản phẩm cuối.
PV: Nói về ẩm thực chắc chắn phải có đam mê và năng khiếu, theo bà đâu là yếu tố quan trọng nhất khi chọn hai ngành này?
TS Trần Lệ Thu:Ẩm thực là cuộc sống nhưng cũng nền văn hóa của dân tộc vì vậy không chỉ có năng khiếu mới học được. Hai ngành học này không yêu cầu sinh viên phải có năng kiếu đặc biệt như các như hội họa hay kiến trúc. Bởi thực tế, sự giao thoa giữa văn hóa ẩm thực Phương Đông và văn hóa ẩm thực Phương Tây đã tạo cho Việt Nam có một nền ẩm thực sáng tạo và mở cửa.
Theo dõi sẽ thấy bánh mì Baghet của Pháp ngày xưa đã được các thế hệ trước chuyển đổi thành bánh mì Việt Nam và trở thành món ăn phổ thông hiện nay. Sushi của Nhật Bản hay Kim chi của Hàn Quốc đang trở thành những món ăn rất phổ biến đối với lớp trẻ Việt. Nếu có dịp đến Pháp các bạn sẽ thấy ẩm thực Việt Nam có trong các gia vị của các món ăn Pháp.
Tuy vậy, việc chọn ngành, chọn nghề nào bao giờ cũng cần sự đam mê của bản thân. Cá nhân tôi nghĩ đam mê là yếu tố quan trọng vì khi có đam mê các em mới chuyển hóa được ước mơ thành sự thật. Đây cũng là bước đệm cho sự thành công của các em trong tương lai.
Sở GD&ĐT TPHCM phát động hội thi Đầu bếp trẻ cho học sinh phổ thông hàng năm |
PV: Việc làm đang là vấn đề được xã hội quan tâm rất nhiều vì hàng nghìn sinh viên đang chịu cảnh thất nghiệp sau khi ra trường. Là trưởng khoa bà có đảm bảo gì về cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp?
TS Trần Lệ Thu:Trước khi mở ngành Dinh Dưỡng và Ẩm Thực; Khoa học Chế biến món ăn, chúng tôi đã thực hiện khảo sát về nhu cầu tuyển dụng nhân sự của hai ngành này. Một điều rất khả quan là nhu cầu các nhà hàng khách sạn phục vụ cho ngành công nghiệp không khói đang được đẩy mạnh. Mặt khác giá trị dinh dưỡng hay đời sống sức khỏe của người dân được chú trọng ngày một nhiều hơn.
Ngoài ra, trường chúng tôi cũng luôn nhận được đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp về nhân sự như nhân sự Chuyên gia dinh dưỡng cho các bệnh viện, Giáo dục dinh dưỡng của các trung tâm dạy nghề hay hướng nghiệp, các trường đại học, Tư vấn viên dinh dưỡng, Giám sát viên dinh dưỡng, Truyền thông viên dinh dưỡng, Dinh dưỡng cộng đồng, Dinh dưỡng trị liệu, Dinh dưỡng thể chất, Nghệ nhân ẩm thực, Bếp trưởng nhà hàng, Đầu bếp trường học, Quản lý bếp ăn công nghiệp, Chuyên gia pha chế đồ uống, Nghệ nhân cắt tỉa hoa quả, Nhà phê bình ẩm thực, Nhà tạo mẫu thực phẩm cho các tạp chí…
Với thực tế đang rất khan hiếm nhân lực ngành này, tôi nghĩ cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp là rất rộng mở.
PV: Xin cảm ơn TS !