Chính truyền thống giao thoa văn hóa giữa Việt và Chăm Pa đã mang đến những nét đặc trưng văn hóa cho đất Thuận Hoá.
Chợ sáng mùng Một
Sáng sớm mùng 1 Tết, chợ quê nhộn nhịp người mua, bán. Ngày nay dù ba ngày Tết, các quầy hàng ở chợ vẫn mở bán thường xuyên không khác gì ngày thường. Các hàng ăn là bún, cháo, phở, cà phê điểm tâm vẫn phục vụ khách; chỉ trừ các món hến thì không có vì người Huế không cào bắt hến ngày mùng 1, ngày rằm.
Trước khi ghé vào hàng ăn uống nhiều người không quên tục lệ mua lộc đầu năm. Thứ họ muốn mua đầu tiên trong ngày mùng 1 năm mới là muối, cau trầu, mía, lửa. Có người không hiểu ý nghĩa của việc mua những món hàng này đầu năm, nhưng từ bé, nhìn thấy người lớn đã làm cũng bắt chước.
Trong 4 mặt hàng ấy có lẽ muối ít người mua nhất, vì câu “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” chỉ có người miền Bắc vẫn duy trì phong tục này. Còn “lửa” thì không ai chịu bán cái hên, may mắn cả; do đó phải lấy cớ mua thuốc lá, rồi mua thêm cái máy lửa, hộp diêm thì được.
Theo quan niệm của người xưa, cau trầu biểu trưng cho sự gắn kết, thuận hòa; họ ưa mua cau trầu một phần cũng do Huế 10 cái Tết thì có 8 - 9 cái trời mưa dầm lê thê, lạnh lẽo (Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Trị Thiên); bởi thế ăn cau trầu vào cơ thể ấm áp, thân nhiệt tăng. Cũng vì thế khó nơi nào đa số người dân lại thích ăn cay như xứ Huế. Trong nhiều lý do, chính sự thích nghi với thời tiết khắc nghiệt, tạo nên tục lệ mua ăn cau trầu đầu năm mới của người Huế.
Những vùng trồng nhiều cau ngon nổi tiếng ở Huế là làng Nam Phổ, Hà Thanh (huyện Phú Vang); trồng trầu là chợ Dinh (thành phố Huế). Huế có câu hát ru rất phổ biến “Ru em cho théc cho muồi/Để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu/Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/Mua cau Nam Phổ/Mua trầu chợ Dinh”. Muối cũng như vôi đều mặn, nồng giúp xua đuổi điềm xấu, mọi sự kém may mắn.
Người Chăm ở Huế cuối năm thường rải vôi bột quanh nhà để xua đuổi tà ma; hay khi cảm thấy gia đình gặp chuyện xui xẻo (bị phòng long), họ lấy một cái lò quạt than hồng đỏ rực lên, đặt trước cửa chính, rồi rải muối vào cho nổ lốp bốp (có thể kèm theo tóc vụn, xương rồng, bồ kết).
Ngoài ra, chiếc bật lửa, hộp diêm tượng trưng cho cái sự đỏ, ấm áp cũng được nhiều người mua lấy lộc, hy vọng sẽ tìm được vận đỏ trong năm mới. Mía là biểu trưng cho sự ngọt ngào, hanh thông, đầu xuôi đuôi lọt của công việc trong năm mới.
Mua 5 - 6 cây mía về người ta rửa thật sạch sẽ cắt ra mỗi đoạn khoảng 1, 2 mét; dựng hai bên bàn thờ tổ tiên, đến mùng 7 hạ nêu mới cho trẻ trong nhà ăn lấy lộc.
Nét đẹp văn hóa
Mỗi khi mua lộc đầu năm không ai trả giá, nói tới nói lui sợ mất đi sự thuận lợi, mau mắn. Người bán lộc cũng không nói thách vì: “Bán lộc đầu năm mà nói thách thì chính mình sẽ bị thất lộc”. Thực tế họ đi bán lộc đầu năm cho vui là chính, chẳng đứa con cháu nào muốn bà hay mẹ mình ra chợ ngày Tết cả.
Suốt năm đã vất vả ngược xuôi nơi chợ búa, tết nhất nên ở nhà vui vầy cùng con cháu. Vả lại hai món cau trầu hay mía có giá đắt hơn bình thường một ít chứ vôi và lửa thì không. Mở hàng mùng 1 Tết, nếu bán đắt lắm cũng không bõ cái công ngồi chịu trận cái mưa rét của xứ Huế!
Từ khi đời sống khá giả lên, xu hướng đi mua lộc đầu năm ngày càng đông người tham gia; không chỉ người lớn tuổi mà thanh niên 18 – 20 tuổi cũng có. Nhiều ngôi chợ, hàng quán từ thành thị đến nông thôn cũng mở hàng bán buôn từ sáng sớm mùng 1 Tết, không đợi “coi ngày” mở hàng như trước đây nữa.
Các chợ truyền thống họp trong 3 ngày Tết như chợ Mỹ Lợi, Nong, Truồi (huyện Phú Lộc), chợ Gia Lạc (huyện Phú Vang), chợ Đại Lộc (huyện Phong Điền), chợ Sịa (huyện Quảng Điền)... cũng buôn bán xuyên năm.
Nhiều nơi ngoài mua bán mặt hàng “lộc” quen thuộc còn bày bán thêm sản vật địa phương như mía lùi, chè lá, rau tươi, tôm cá... trong phiên chợ đầu năm mới. Mong cầu may mắn, an lành, công việc phát đạt, tục lệ mua lộc đầu năm đã được người Huế giữ gìn và trở thành truyền thống đầu năm mới.