Những năm gần đây, hoạt động này được nhiều dòng họ chú trọng khôi phục, tổ chức, với mục đích chung là hướng đến những giá trị, những truyền thống tốt đẹp để mỗi người hiểu rõ về nguồn cội, thêm tình đoàn kết, gắn bó với nhau.
Chiều nay nhận được điện thoại của bố ở quê thông báo: “Cuối tuần này giỗ họ đấy, con nhớ thu xếp công việc về nhé”. Lòng tôi háo hức như một đứa trẻ lên ba, tự nhủ sẽ cố gắng về nhà thật sớm. Một nỗi nhớ quê, nhớ ngày giỗ họ ngân nga trong tâm trí tôi.
“Quê hương là gì hả mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hả mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều”
( “ Quê hương”- Đỗ Trung Quân)
Đối với tôi, quê hương không chỉ là nơi có những chùm khế ngọt mọc khúc khuỷu bờ ao, nơi những cánh diều vi vu mỗi chiều, những đàn vịt tung tăng bơi lội dưới nước… nơi đã lưu giữ những kỷ niệm mà tôi đã đi qua, một thời thơ dại với con đường đến trường rợp bướm vàng bay. Mà đặc biệt hơn, quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi tôi sinh ra và lớn lên, nơi những người thân yêu của tôi ở đó. Nơi mà có ngày “giỗ họ” ấm nồng tình người.
Giỗ họ là một dịp lễ quan trọng ở quê. Anh em trong họ tại làng tôi khá đông, mỗi người một công việc, người Nam người Bắc thế nhưng mỗi dịp giỗ tất cả đều tề tựu đông đủ. Có thể nói, giỗ họ là ngày vui vẻ nhất trong dòng họ bởi vì đây là dịp bà con cô bác ngồi xích lại gần nhau để hỏi han sức khoẻ, tình hình công việc làm ăn. Tất cả thân thiện với nhau trong tình yêu thương thiêng liêng vô giá.
Đây là ngày con cháu đang làm ăn sinh sống ở khắp nơi về mà gặp nhau tại nhà thờ của dòng họ để nhớ về nguồn gốc của mình, ôn lại những giá trị, những truyền thống của họ mình, những tấm gương tiêu biểu của người trong họ qua nhiều năm. Đây cũng là dịp người trong họ trao đổi tâm tư, tình cảm, nhận biết và củng cố các mối quan hệ theo tôn ty trật tự dòng họ.
Giỗ họ ở quê, tôi có cơ hội để gặp lại tất cả anh em trong gia tộc nhiều đời. Già trẻ lớn bé, vai vế đủ cả. Ở quê mọi người rất quan trọng cách xưng hô. Chả vậy mà có câu: “Bé bằng củ khoai cứ vai mà gọi”. Có nhiều người dù ít tuổi nhưng lại có chức to trong dòng họ, đã được gọi là ông trẻ, bà trẻ… Nếu không có những dịp giỗ họ như thế này, tôi chắc chắn rằng một bộ phận lớp trẻ bây giờ ra ngoài cũng không nhận ra nhau là anh em trong họ, không biết cách xưng hô sao cho phải phép.
Tôi còn nhớ như in, ngày xưa còn nghèo khổ, thiếu thốn. Mỗi lần đến ngày giỗ họ là nhà ai có gì lại mang đến góp cỗ. Nhà con gà, nhà con vịt, nhà con cá, bó rau, ngọn măng… thế mà tạo nên những bữa cỗ đơn sơ, mộc mạc nhưng chứa chan tình cảm mỗi người.
Bây giờ xã hội phát triển, trước ngày giỗ bác trưởng họ sẽ thông báo cho tất cả các hộ gia đình là con cháu trong họ đến nhà bác để họp. Thống nhất các món ăn, tiền đóng mỗi nhân khẩu, tất cả đều được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Bác phân công cụ thể công việc của từng người trong ngày làm cỗ. Ai nấy đều cảm thấy hãnh diện và tự hào lắm.
Buổi sáng hôm đó, con cháu đến đông đủ tại nhà bác. Gặp gỡ, chào hỏi nhau xong, tất cả bắt tay nhanh chóng vào công việc. Người mổ lợn, người nhặt rau, người băm thịt, không gian nhộn nhịp náo nhiệt quanh nhà. Sau khi chuẩn bị cỗ xong, mọi người sắp xếp hương hoa lễ vật trước bàn thờ họ. Bác trưởng thắp hương cúng các cụ, mời tổ tiên giáng xuống ban thờ chứng giám lòng thành của con cháu, mong Tổ tiên phù hộ cho con cháu xa gần khoẻ mạnh, học hành tấn tới, ăn nên làm ra. Sau khi hương tàn con cháu thụ lộc, tất cả quây quần bên nhau vừa ăn uống vừa chuyện trò.
Những năm gần đây, họ tôi tổ chức trao thưởng cho con cháu làm ăn, học hành đỗ đạt , góp phần làm rạng danh dòng họ. Ngoài ra nếu con cháu nào có hoàn cảnh khó khăn nhưng học hành đỗ đạt cũng được mọi người động viên, hỗ trợ.
Tôi thấy ngày giỗ họ ngày càng mang nhiều ý nghĩa. “Cây cùng một gốc” con cháu nhớ đến tìm về để mà biết đến nhau, tưởng nhớ công ơn sinh thành của các cụ Tổ tiên bao đời trước, để mà sống biết trước biết sau, biết trên biết dưới sao cho tốt đời đẹp đạo. Giỗ họ - một bản sắc văn hoá của người Việt cần được bảo tồn và phát huy.