TTCP sẽ kiểm soát tài sản khoảng 6.000 người
Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) có thấy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thực hiện các quy định về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập là thiếu bộ máy quản lý bản kê khai và sử dụng các thông tin, dữ liệu có được nhằm kiểm soát biến động tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.
“Việc quy định về hệ thống các cơ quan, đơn vị chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập dựa trên quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập là rất cần thiết”, Chính phủ nhận định.
Theo đó, trong dự thảo Luật PCTN, Chính phủ đề xuất giao TTCP kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương, người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của mình, trừ cán bộ, công chức không giữ chức vụ quản lý.
Thanh tra bộ hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương nơi không có cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị đó, trừ những đối tượng do TTCP kiểm soát và cán bộ, công chức không giữ chức vụ quản lý.
Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã, trừ những đối tượng do TTCP kiểm soát và cán bộ, công chức không giữ chức vụ quản lý.
Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh cho hay, với thiết kế của dự thảo luật thì cả nước có 85 cơ quan thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập, trong đó có TTCP, 21 bộ, ngành và 63 tỉnh thành. Riêng, TTCP sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập khoảng 6.000 người.
Lo cơ quan thanh tra quá tải
Xung quanh vấn đề này, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp có 2 quan điểm trái chiều.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho hay, ý kiến thứ nhất tán thành với việc thu gọn đầu mối và giao cho cơ quan thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ ở nơi không có cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập.
“Thực tế, cho thấy các cơ quan thanh tra có điều kiện tốt hơn về cơ sở vật chất, chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm trong xác minh tài sản, thu nhập. Đồng thời, theo quy định của dự thảo, đây là cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Quy định này bảo đảm được tính độc lập nhất định trong kiểm soát tài sản, thu nhập của đối tượng có nghĩa vụ kê khai”, ông Cường nói.
Việc thu gọn đầu mối cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập còn tạo điều kiện tập trung nhân lực, nguồn lực cho việc đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện, tăng cường cơ sở vật chất, công nghệ, bảo đảm bí mật thông tin, tài liệu có liên quan đến kiểm soát tài sản, thu nhập.
Tuy nhiên, Chính phủ cần nêu rõ hơn về tính khả thi khi giao thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập cho cơ quan thanh tra, bảo đảm việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cơ quan này không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt ảnh hưởng đến việc bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ đối với các chức danh của cơ quan Nhà nước khác...
Theo quan điểm khác, đối với cơ quan Đảng, Quốc hội, HĐND, Tòa án, Viện kiểm sát, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước và các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội thì nên giao cho các cơ quan Trung ương của các cơ quan, tổ chức này thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập theo hệ thống dọc để tránh quá tải đối với hoạt động của cơ quan thanh tra; đồng thời không làm ảnh hưởng đến tính khách quan trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan lập pháp và tư pháp…
Sẽ giảm thanh tra kinh tế - xã hội
Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong băn khoăn, số lượng đối tượng kê khai không nhỏ. Nếu cơ quan thanh tra thực hiện chức năng kiểm soát tài sản, thu nhập thì liệu có tăng biên chế?
“Nếu thực hiện, chúng tôi đề xuất ngành Thanh tra phải chuyển phần lớn lực lượng để làm việc này”, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh cho biết và nhấn mạnh, không đặt vấn đề xin biên chế mà sẽ chuyển đổi công tác để thích ứng với bối cảnh pháp lý mới.
Cụ thể, khi đó phần thanh tra kinh tế-xã hội hiện nay đang chiếm khoảng 1/2 công suất của ngành Thanh tra sẽ giảm đi. Thanh tra các vụ việc, nhất là thanh tra các dự án sẽ chuyển sang Kiểm toán Nhà nước đảm nhiệm. TTCP, thanh tra các bộ, ngành, thanh tra tỉnh chỉ thanh tra những vụ việc quan trọng mà Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh thấy cần thiết phải làm rõ. “Chúng tôi dự kiến hơn 1/3 công suất của TTCP sẽ phải dành cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập của 6.000 người. Điều này sẽ tạo ra sự biến đổi trong tổ chức hoạt động của toàn lực lượng”, ông Nguyễn Văn Thanh nói.
Cũng theo Phó Tổng Thanh tra, không phải tất cả các đối tượng có nghĩa vụ kê khai đều tiến hành xác minh tài sản, thu nhập mà chỉ tiến hành xác minh khi đề bạt, bổ nhiệm, coi sự minh bạch hóa tài sản, thu nhập của người được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm thành một phần trong quy trình cán bộ. Hoặc xác minh khi có căn cứ theo quy định của luật như có tố cáo hay khi có dấu hiệu rõ ràng việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
“Việc xác minh tài sản, thu nhập phải gắn với nghiệp vụ nào đó như nghiệp vụ thanh tra và đưa ra quy trình trên những nguyên tắc căn bản để vừa chống lạm dụng, vừa phải đảm bảo khách quan, trung thực”, ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh.