Chống tham nhũng cần vạch mặt, chỉ tên

GD&TĐ - Liên quan đến vấn đề chống tham nhũng, nhiều Đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập cần phải điều chỉnh và thực hiện nghiêm minh tạo lòng niềm tin cho cử tri cả nước. Theo đó cần vạch mặt, chỉ tên những người tham nhũng.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Muốn tham nhũng phải có quyền lực

Tôi đề nghị nếu cần thiết, làm phiếu thăm dò cán bộ công chức hoặc nhân dân xem ông nào có chứng nhận tham nhũng nhiều nhất thì cho nghỉ. Làm như kiểu phiếu thăm dò tín nhiệm cán bộ mới có thể làm triệt để được
Đại biểu Sùng Thìn Cò

Đại biểu Dương Trung Quốc – Đoàn Đồng Nai – trình bày: “Ý kiến của các vị đại biểu nhắc đến tham nhũng tựa như virus, như dịch bệnh, làm tôi nhớ lại 12 năm trước, khi Quốc hội lần đầu thảo luận về việc xây dựng Bộ luật phòng chống tham nhũng.

Tôi đã có một suy nghĩ rất đơn giản rằng, ở đâu không biết nhưng về lý thuyết chống tham nhũng ở Việt Nam là dễ nhất thế giới. Bởi vì, muốn tham nhũng phải có quyền lực, không có quyền lực người dân chỉ có thể ăn cắp, hoặc ăn cướp”.

Đại biểu Sùng Thìn Cò: Khi chúng ta khai báo tài sản, ít nhất chúng ta phải khai báo 3 đời
Đại biểu Sùng Thìn Cò: Khi chúng ta khai báo tài sản, ít nhất chúng ta phải khai báo 3 đời

Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Quốc hội Sùng Thìn Cò – cho rằng, khi chúng ta khai báo tài sản, ít nhất chúng ta phải khai báo 3 đời, công khai treo ở những nơi công chúng có thể nhìn thấy, dân mới giám sát được.

“Người ta có biết ông có cái gì, con cái ông có cái gì, làm sao họ biết nếu anh không công khai. Nên chúng ta phải công khai nhất là các đợt chuẩn bị bầu cử, chuẩn bị đại hội, tài sản cứ giấu diếm sợ người ta biết. Như thế chúng ta không minh bạch"- Đại biểu Quốc hội Sùng Thìn Cò thẳng thắn nói. 

Dẫn lại một câu chuyện vui, Đại biểu Quốc hội Sùng Thìn Cò – cho biết: Ông đã đọc một câu chuyện ở Trung Quốc, khi vị vua này, đưa ông quan trung thần ra pháp trường để chém đầu, trung thần mới nói: trước khi vua chém đầu tôi, tôi hỏi vua, tài sản lớn nhất của vua là gì? Vua không trả lời được.

Tài sản lớn nhất của vua là lòng dân, vua cứ chém tôi, tôi đi rồi vua cũng đi theo. Vì bọn quan lại ngân khố của nó giàu hơn vua, lòng dân mất hết rồi.

"Tham nhũng của chúng ta cũng thế. Tài sản lớn nhất của Đảng, Nhà nước là lòng dân. Nếu chúng ta không trị được “giặc nội xâm” này thì mất vai trò lãnh đạo của Đảng là vấn đề tất yếu khách quan, chúng ta không trách ai cả, chúng ta chỉ trách chúng ta” - Đại biểu Quốc hội Sùng Thìn Cò nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Văn Mão: Số lượng phát hiện kê khai tài sản không đúng, không trung thực còn quá ít so với thực trạng
Đại biểu Trần Văn Mão: Số lượng phát hiện kê khai tài sản không đúng, không trung thực còn quá ít so với thực trạng

Vạch mặt “những con mèo ăn vụng” của dân, của nước

Đối tượng có nhiều tài sản thường tìm cách tẩu tán bằng cách để người thân, họ hàng đứng tên các loại tài sản lớn, thậm chí mua vàng, đô la, kim cương…
Đại biểu Trần Văn Mão

 Thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng, Đại biểu Trần Văn Mão – Đoàn Nghệ An chỉ ra, số lượng phát hiện kê khai tài sản không đúng, không trung thực còn quá ít so với thực trạng. Việc này cho thấy biện pháp phòng chống tham nhũng còn mang tính hình thức và hiệu quả còn thấp.

Theo Đại biểu Trần Văn Mão, việc kê khai thu nhập, đặc biệt thu nhập ngoài lương, quà tặng, quà biếu, quà cảm ơn, quà bắt tay chiếm tỷ lệ rất lớn trong thu nhập nhưng chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chưa có chế tài xử lý, kê khai tài sản không trung thực, không chứng minh giải trình nguồn gốc hợp pháp.

Còn theo Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn Quảng Trị, vừa qua, chúng ta đã đưa ra xét xử nhiều vụ án lớn về tham nhũng tạo niềm tin ở nhân dân vào quyết tâm của Đảng và Chính phủ về chống giặc nội xâm này.

Tuy nhiên, theo Đại biểu, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ ở cấp xã, huyện đã “vạch mặt ra những con mèo ăn vụng của dân, của nước”. Hoặc những vụ đặc biệt nghiêm trọng được xã hội quan tâm do cơ quan điều tra trung ương xét xử.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng: Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu và không thể "giơ cao đánh khẽ", "rung cây dọa khỉ" mãi được”
Đại biểu Hoàng Đức Thắng: Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu và không thể "giơ cao đánh khẽ", "rung cây dọa khỉ" mãi được”

“Dư luận xã hội và nhân dân rất quan ngại về tình hình tham nhũng cấp tỉnh ít được phát hiện và xử lý. Phải chăng chúng ta đang bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này hay khi phát hiện thì xử lý theo kiểu khép kín nội bộ, phê bình nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Cử tri đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo công khai và kiên quyết yêu cầu xử lý nghiêm minh đúng pháp luật không để hành chính hóa các quan hệ hình sự. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu và không thể "giơ cao đánh khẽ", "rung cây dọa khỉ" mãi được” - Đại biểu Hoàng Đức Thắng thẳng thắn nói.

Liên quan đến vấn đề phòng, chống tham nhũng, Đại biểu Bùi Văn Phương - Đoàn Ninh Bình – cho rằng, việc thực hiện chế độ công khai, minh bạch của chúng ta không được chấp hành nghiêm túc. Dường như rất ít cơ quan thực hiện công khai, minh bạch và chỉ coi đó là một việc thiếu sót, chứ không phải vi phạm pháp luật.

“Và thiếu sót thì lâu nay chúng ta kiểm tra, kiểm tra rồi thì chỉ đến mức rút kinh nghiệm, xin lỗi, xin lỗi chưa đủ thì thành thật xin lỗi. Vì vậy việc chấp hành pháp luật của chúng ta không nghiêm, người dân dị nghị về chuyện tham nhũng, tiêu cực của chúng ta không được chú ý đấu tranh phòng, chống” - Đại biểu Bùi Văn Phương nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em thường học các chuẩn mực và đặc điểm tính cách từ cha mẹ. (Ảnh: ITN).

Dạy con hiểu giá trị của gia đình

GD&TĐ - Nhiều bậc cha mẹ thấm nhuần giá trị tốt đẹp của gia đình vào con cái để giúp con phát triển thành những công dân tốt, có trách nhiệm.