Đó là Trung tá Phạm Văn Hưng - Thuyền trưởng tàu HQ 957, con tàu đưa đoàn đại biểu liên bộ ngành Trung ương và tỉnh Lâm Đồng ra thăm Trường Sa lần này.
Dù trận chiến ác liệt đã lùi xa hơn 1/4 thế kỷ, nhưng trong giọng kể của vị sĩ quan Hải quân có thâm niên trên 30 năm gắn bó với biển sạm màu sương gió vẫn rưng rưng nghẹn ngào…
Tiếp tục cuộc hành trình đến đảo Trường Sa Đông; xuồng cứu hộ vừa cập cầu cảng, chúng tôi chựng lại trước ba ngôi mộ liệt sĩ nằm im lìm đầu hướng ra hướng Biển Đông.
Mộ chí các anh được sơn trắng, hàng chữ ghi trên các bia như vừa mới viết; hoa quả, nhang khói dường như cũng vừa mới thắp đây thôi…
Cả ba liệt sĩ tuổi đời còn rất trẻ đã hy sinh ngay trong những ngày đầu khó khăn xây dựng đảo. Liệt sĩ Quách Hoàng Lâm (sinh năm 1984, quê ở TPHCM) hy sinh năm 2006 vừa tròn 22 tuổi đời; Liệt sĩ Nguyễn Văn Thi (sinh năm 1975 tại Thanh Hóa) hy sinh năm 2004, mới 26 tuổi đời và Liệt sĩ Vương Viết Mão (người con Nghệ An, sinh năm 1975) hy sinh năm 2004…
Trở lại đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi gặp hai mộ liệt sĩ cũng được ai vừa mới thắp hương nằm lặng lẽ bên chân tháp pháo đài giữ đảo cùng với gió ngàn…
Đoàn chúng tôi, cũng như biết bao đoàn ra Trường Sa mỗi năm, có khi chỉ kịp hàn huyên dăm ba câu chiến với quân và dân trên các đảo rồi lại chia tay.
Phía sau lưng biển cả mênh mông với những đảo nổi, đảo chìm, những nhà giàn DKI và những người chiến sĩ ở lại ngày đêm canh giữ biển trời.
Ở đó, tuổi đời của các anh được tính qua từng mùa bão nổi và từng mùa cây bàng quả vuông nở hoa, kết trái. Ngoài hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh xương máu trong các cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo, còn có biết bao người con đã hy sinh trong các trận cuồng phong, bão dữ khắt nghiệt, vô tình.
Trong hai cơn bão dữ (cơn bão số 10 năm 1990 và bão số 8 năm 1998) đã tràn qua khu vực nhà Giàn DKI/6 và DKI/3 tại bãi Phúc Nguyên và Phúc Tần xô ngã các nhà giàn này và hất tung 17 cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ canh giữ khu vực thềm lục địa của Tổ quốc xuống biển khơi.
Trong đó, 6 sĩ quan, chiến sĩ tuổi đời đang còn rất trẻ đã anh dũng hy sinh, thân xác các anh mãi mãi nằm lại giữa lòng biển cả của đại dương bao la.
Đó là anh hùng liệt sĩ - Đại úy Vũ Quang Chương (Trưởng nhà giàn DKI/6, bãi Phúc Nguyên); Chuẩn úy chuyên nghiệp Ra đa - liệt sĩ Lê Đức Hồng; Chuẩn úy chuyên nghiệp Cơ điện - liệt sĩ Nguyễn Văn An (Nhà giàn DKI/6 Phúc Nguyên); Trung úy - Liệt sĩ Nguyễn Hữu Quảng; Trung úy chuyên nghiệp - liệt sĩ Trần Văn Là; Hạ sĩ quân Y - Liệt sĩ Hồ Văn Hiền (Nhà giàn DKI/3 bãi Phúc Tần)...
Đây là những “dấu lặng” trong khúc tráng ca về tình yêu biển đảo Trường Sa, về tinh thần đấu tranh gian khổ và hy sinh để bảo vệ biển đảo, thềm lục địa Tổ quốc của bộ đội Hải quân Việt Nam anh hùng!
Hàng năm, tất cả các đoàn công tác từ đất liền ra thăm các đảo, nhà giàn trên quần đảo Trường Sa đều neo tàu dừng lại trang nghiêm làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên các đảo và thềm lục địa phía Nam.
Trong tiếng nhạc buồn mênh mang, trong điếu văn truy điệu của người Trưởng đoàn, đã có nhiều đại biểu xúc động không cầm được nước mắt.
Và, những vòng hoa ngút ngàn hương khói, những bông hoa tươi …được thả xuống biển cùng với những lời khấn cầu hương hồn các liệt sĩ siêu thoát. Đoàn người lặng im và những vòng hoa cứ bồng bềnh trôi đi, trôi xa mãi đến vô cùng của đại dương mênh mông.