Dấu hiệu sai phạm trong chuyển hóa dự án nhà ở tại Uông Bí, Quảng Ninh

GD&TĐ - Liên quan đến dấu hiệu sai phạm trong chuyển hóa dự án nhà ở tại TP Uông Bí, Báo chuyển hồ sơ  đến C03, Bộ Công an xử lý theo thẩm quyền.

Dự án Nhóm nhà ở tại TP Uông Bí.
Dự án Nhóm nhà ở tại TP Uông Bí.

Báo GD&TĐ đã có đề nghị làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh để có căn cứ trả lời công dân theo quy định của Luật Khiếu nại tố cáo. Tuy nhiên, Sở TT&TT Quảng Ninh cho rằng, yêu cầu này không đúng với tôn chỉ mục đích của Báo.

Cụ thể, tại văn bản số 1501/STTTT-TTBCXB ngày 17/6/2024 của sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh đã phúc đáp đề nghị làm việc của toà soạn cần bám sát tôn chỉ mục đích đã được cấp phép, xác định nội dung tuyên truyền để đảm bảo phù hợp.

Tôn trọng ý kiến của Sở TT&TT Quảng Ninh, Báo GD&TĐ chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an để xử lý theo thẩm quyền.

Dấu hiệu sai phạm

Báo GD&TĐ đại nhận được thông tin phản ánh của một số công dân là giáo viên, phụ huynh học sinh trên địa bàn thành phố Uông Bí về việc, chính quyền có dấu hiệu vi phạm trong công tác quản lý đất đai, chuyển hóa dự án đầu tư. Việc này kéo dài làm ảnh hưởng đời sống nhân dân và việc học tập của học sinh trên địa bàn.

Theo tìm hiểu, ngày 9/9/2014 UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản số 4994/UBND-XD1 , về việc chấp thuận đầu tư Dự án Khu nhà ở xã hội (giai đoạn 1) tại phường Bắc Sơn, thành phố Uông Bí. Công ty TNHH Tập đoàn Xuân Lãm là chủ đầu tư.

Đến ngày 18/6/2018 UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 2174/QĐ-UBND với nội dụng: Từ ngày 18/6/2018 Công ty TNHH Tập đoàn Xuân Lãm không còn là chủ đầu tư dự án như đã nêu.

Quyết định số 3289/QĐ-UBND ngày 27/8/2018 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc thu đất do dự án bị chấm dứt đầu tư chỉ thu hồi 83.425 m2 đất thuộc dự án. Như vậy, dự án còn 17.960 m2 không bị thu hồi (Tổng diện tích đất của Dự án là 152.092 m2, UBND tỉnh đã giao cho Chủ đầu tư 101.385 m2). Đây là câu chuyện khởi đầu, kéo theo những tồn tại, vướng mắc.... kéo dài nhiều năm, đến nay không có hướng giải quyết.

Dự án Khu nhà ở xã hội tại phường Bắc Sơn đã bị chấm dứt đầu tư theo Quyết định 2174/QĐ-UBND ngày 18/6/2018 của UBND tỉnh. Vấn đề tiếp theo là, chỉ sau đó 10 ngày (ngày 28/6/2018) UBND thành phố Uông Bí lại có Quyết định 3646/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đất 1/500 của dự án.

Theo phản ánh của công dân, tại thời điểm thành phố Uông Bí ban hành Quyết định 3646/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, Công ty Xuân Lãm không còn quyền của chủ đầu tư do dự án đã bị chấm dứt. Diện tích đất 17.960 m2 còn lại (không bị thu hồi theo Quyết định 3289/QĐ-UBND của UBND tỉnh) được điều chỉnh quy hoạch theo quyết định số 3646 của UBND thành phố Uông Bí thành Dự án Nhóm nhà ở (không còn là nhà ở xã hội).

"Đây là dự án hoàn toàn mới, là dự án sử dụng đất thuộc loại dự án phát triển nhà ở. Để dự án từ quy hoạch trở thành dự án nhà ở trên thực tế cần thực hiện rất nhiều bước theo quy định của pháp luật.

Các trường hợp lựa chọn nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại theo Điều 18 Nghị định 99/2015/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 30/2021/NĐ-CP) như sau:

Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, dự án khu đô thị có nhà ở (bao gồm cả dự án có thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức phân lô bán nền để người dân xây dựng nhà ở) thì nhà đầu tư trúng đấu thầu hoặc trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở nếu có đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án quy định tại Điều 21 Luật Nhà ở 2014, khoản 2 Điều 119 Luật Đất đai 2013 và pháp luật về kinh doanh bất động sản thì nhà đầu tư đó được làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại.

Như vậy, để trở thành chủ đầu tư Dự án Nhóm nhà ở thì Công ty TNHH Tập đoàn Xuân Lãm buộc phải đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư.

long 2.jpg
Ông Phạm Đức Hải (áo xanh) đang trao đổi với phóng viên.

Nếu Công ty Xuân Lãm được xem là chủ đầu tư Dự án nhóm nhà ở mới (không thông qua thủ tục đầu tư bắt buộc theo quy định pháp luật) là việc bất thường, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư. Vấn đề này cần được cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc làm rõ, xem xét trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm minh trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm (nếu chứng minh có sai phạm, có nhóm lợi ích)", chuyên gia pháp lý phân tích, nêu quan điểm khi được hỏi.

Dân kẹt vì thủ tục, chính quyền tỉnh từ chối trả lời báo chí

Được biết, đến thời điểm hiện tại, đã có 35 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho những trường hợp nhận chuyển nhượng nhà đất của Công ty Xuân Lãm. Đã có 46 căn hộ do Công ty Xuân Lãm xây dựng, được người dân nhận chuyển nhượng và đưa vào sử dụng.

Sau khi nhận được phản ánh về vụ việc trên, Báo GD&TĐ đã cử phóng viên tới các cơ quan chức năng tại tỉnh Quảng Ninh và thành phố Uông Bí để tìm hiểu thông tin làm rõ vụ việc.

Trao đổi với phóng viên, người dân sống tại Dự án Nhóm nhà ở mới cho biết, rất nhiều lần gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng không được giải quyết thoả đáng. Điều này dẫn tới đời sống người dân rơi vào tình trạng khốn khó. Việc sử dụng điện, nước trong sinh hoạt hằng ngày là cực kỳ khó khăn. Nhà ở không có trong dữ liệu quản lý của cơ quan Nhà nước dẫn đến tình trạng nhập hộ khẩu cho gia đình là không thể. Từ đó việc học tập của học sinh tại khu vực này bị hạn chế và không đảm bảo quyền lợi của học sinh.

Ông Phạm Đức Hải (50 tuổi, là người mua đất và sinh sống tại dự án trên) cho biết, mặc dù không có đầy đủ cơ sở pháp lý theo quy định của Nhà nước, nhưng một số lô đất thuộc dự án trên cũng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng hiện tại, những Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này là không có giá trị giao dịch vì chưa thực hiện nộp tiền thuế đất. Vậy nên việc cải tạo, xây dựng nhà ở không được cấp phé. Việc chuyển nhượng cho người khác là hoàn toàn không thể.

“Gia đình tôi có 8 người, việc cơi nới xây dựng là hoàn toàn không được phép. Các cháu nhỏ đang tuổi đến trường, nhưng không thể sắp xếp được góc học tập, phòng ngủ riêng…”, ông Hải cho hay.

Sau nhiều ngày chờ đợi, phóng viên đã tiếp cận được với ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Uông Bí. Tại buổi làm việc, ông Thọ cho biết UBND thành phố đã nắm bắt được vụ việc và nhiều lần có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng nInh để có sự hướng dẫn, nhưng vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết cụ thể.

Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Uông Bí khẳng định, để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho hàng chục hộ dân tại dự án này phụ thuộc vào UBND tỉnh Quảng Ninh. Ông Thọ cho rằng, việc thay đổi quy hoạch của thành phố Uông Bí trước đó là tiếp nối và không cần thông qua các thủ tục đầu tư!?

3.jpg
Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Uông Bí cho rằng Dự án Nhóm nhà ở không cần thông qua các thủ tục đầu tư!?

Đến thời điểm hiện tại, chưa có cơ quan nào xác định được nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính khác của dự án. Có thể thấy rằng, đã có sự chuyển giao 17.960 m2 từ đất do Nhà nước quản lý sang đất của doanh nghiệp xây nhà để bán mà không có các thủ tục đầu tư, không có thủ tục quản lý Nhà nước theo luật định.

Nhằm làm rõ các vấn đề nêu trên, phóng viên Báo GD&TĐ đã đến UBND tỉnh Quảng Ninh đặt lịch làm việc. Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có sự né tránh trách nhiệm, không phối hợp cung cấp thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.