Dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu sắt

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ, khoảng 9% phụ nữ bị thiếu sắt, và con số này thậm chí còn cao hơn ở các vận động viên nữ.

Dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu sắt

Theo các chuyên gia, khi thiếu sắt, cơ thể sẽ có một số dấu hiệu cảnh báo sau.

Mệt mỏi

Cơ thể sử dụng sắt để tạo ra hemoglobin hay còn gọi huyết sắc tố, là một protein phức tạp chứa phần tử sắt có khả năng thu nhập, lưu giữ và phóng thích oxy đến các tế bào trong cơ thể. Khi không có đủ các tế bào máu khỏe mạnh, cơ thể sẽ bắt đầu cảm thấy kiệt sức.

Khó tập trung

Ở những người thiếu sắt, hệ truyền dẫn thần kinh có thể thay đổi, dẫn đến chức năng hoạt động của hệ thần kinh kém đi so với bình thường. Một tác động khác của quá trình này là con người ta cảm thấy thờ ơ với mọi thứ, từ bạn bè, gia đình đến công việc.

Khó thở

Hiện tượng này xảy ra khi bạn đang ở trong phòng tập thể dục hoặc đơn giản chỉ đi bộ hoặc leo cầu thang. Nguyên do không đủ sắt trong máu, dẫn đến cơ thể thiếu oxy gây ra hiện tượng khó thở hay thở hổn hển, Kimberly Mueller, huấn luyện viên thể thao nổi tiếng ở Mỹ giải thích.

Da nhợt nhạt

Đây là dấu hiệu rõ rệt nhất cảnh báo cơ thể đang trong tình trạng thiếu sắt nghiêm trọng. Bởi sự nhợt nhạt thường báo hiệu lưu lượng máu và số lượng hồng cầu đang trên đà tụt dốc.

Đau cơ bắp

Nồng độ sắt thấp có thể gây ra những cơn đau cơ bắp, theo một nghiên cứu gần đây. Người bị thiếu sắt thường cảm thấy cơ bắp nhức mỏi hơn bởi lượng sắt không đủ cung ứng cho cơ thể sẽ khiến cơ bắp phục hồi chậm, dẫn đến đau nhức.

Móng tay giòn, dễ gãy

Móng tay cần được cung cấp máu và các chất dinh dưỡng để duy trì sức khỏe. Khi nhận thấy móng tay trở nên giòn, điều đó cho thấy bạn đang bị thiếu sắt. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, điều này chỉ xảy ra trong giai đoạn rất nặng.

Nhiễm trùng thường xuyên

Ốm vặt, đặc biệt liên quan đến các bệnh về đường hô hấp thì thủ phạm rất có thể là do thiếu sắt.

Nước tiểu màu hồng hoặc đỏ

Theo tạp chí y khoa của Mỹ, những người thiếu sắt thường có sự gia tăng hấp thu qua đường ruột các sắc tố nhất định, cho nên chỉ cần ăn cà rốt, cà chua, nước tiểu của họ cũng có thể có màu hồng.

Theo Sức khỏe đời sống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ