Dấu hiệu cảnh báo căn bệnh là nguyên nhân dẫn đến tự tử ở trẻ em

GD&TĐ - Người bị rối nhiễu tâm trí thường không được phát hiện kịp thời, đặc biệt ở trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc sau sinh. Tại Việt Nam, tỷ lệ nghi ngờ rối nhiễu tâm trí ở trẻ là 14 - 20%.

Trẻ học trực tuyến trong thời gian dài có nguy cơ ảnh hưởng tới tâm lý. Ảnh minh họa.
Trẻ học trực tuyến trong thời gian dài có nguy cơ ảnh hưởng tới tâm lý. Ảnh minh họa.

Biểu hiện lệch lạc về sức khỏe tâm thần

Bác sĩ chuyên khoa Nhi Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Môi trường Sức khỏe - cho biết: “Rối nhiễu tâm trí đề cập đến tình trạng chung có biểu hiện lệch lạc về sức khỏe tâm thần trong một thời gian đủ dài vượt khỏi sự tự điều chỉnh trở lại cân bằng của cơ thể.

Đồng thời, cần có sự can thiệp chuyên môn để tránh vòng xoắn rối nhiễu nặng dần, dẫn đến tổn thương khó hồi phục về sức khỏe tâm thần”.

Chuyên gia dẫn chứng, theo định nghĩa về sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sức khỏe tâm trí là một bộ phận tạo nên sức khỏe ở mỗi chúng ta. Rối nhiễu tâm trí (mental disorders) biểu thị sự lệch lạc về sức khỏe tâm thần.

Trong khi đó, theo báo cáo năm 2018 của UNICEF Việt Nam, tỷ lệ hiện mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở nước ta là từ 8 - 29% đối với trẻ em và vị thành niên.

Nhóm nguyên nhân được đưa ra là trẻ em gặp các áp lực về học tập và xã hội, chứng kiến bạo lực hoặc bị bạo lực, bị xâm hại cả về thể chất, tinh thần và tình dục. Nhóm tự tử và nhóm hành vi gây tổn hại bản thân như rạch tay hay nhốt mình rơi vào trẻ nữ nhiều hơn.

“Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, toàn bộ trẻ em Việt Nam đều được khuyến cáo học trực tuyến tại nhà. Trong đó, riêng tại Hà Nội là 2,1 triệu trẻ em. Cùng với sự lo hãi bởi dịch bệnh là sự gò bó tù túng về thể chất và tinh thần đối với trẻ em trong suốt một thời gian dài”, bác sĩ Nguyễn Trọng An nêu.

Theo chuyên gia này, trẻ em không được vui chơi giải trí trong không gian tự nhiên, bị giảm giao tiếp với bạn bè người thân. Đồng thời, bị áp lực học tập cũng như các trục trặc, thiếu thốn về trang thiết bị, tài liệu, mạng Internet/wifi kết nối... Hậu quả đã gây ra những tác động xấu đến sự phát triển thể chất, trí tuệ và tinh thần của trẻ em.

Nguyên nhân phức hợp

Theo bác sĩ An, nguyên nhân tự tử ở trẻ em và thanh, thiếu niên là một phức hợp. Những yếu tố nguy cơ đối với việc hình thành ý nghĩ tự tử và thực hiện hành vi đó ở trẻ em và thanh, thiếu niên gồm: Bị xâm hại hoặc bóc lột tình dục, bạo lực thân thể và tình cảm; Các áp lực về học hành từ gia đình hoặc nhà trường, bị bắt nạt bạo lực học đường…;

Sứt mẻ trong quan hệ tình cảm nam nữ hoặc người thân trong gia đình… Ngoài ra, trầm cảm, lo âu, các cảm xúc buồn bã và vô vọng hoặc bị kích động, tác động bởi ma túy, chất kích thích… cũng có liên quan đến ý định tự tử và thực hiện hành vi tự tử.

“Đây là vấn đề tâm lý xã hội và chúng ta cần thiết phải có một sơ đồ nguyên nhân: Sức ép từ gia đình, nhà trường, môi trường học tập, bạn bè cùng lứa, tình cảm nam nữ và vấn đề yêu đương của học sinh, vấn đề bị lạm dụng, bạo lực, xâm hại tình dục, việc sử dụng ma túy học đường do bị lôi kéo ép buộc...

Hậu quả tác động kéo dài, lặp đi lặp lại của các vấn đề xã hội gây ra những rối nhiễu về tâm lý xã hội”, chuyên gia lý giải.

Bên cạnh đó là sự thay đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi vị thành niên. Do đó, trẻ rất dễ bị xúi giục, kích động dẫn tới những hành động bột phát. Theo bác sĩ An, khi có thêm một hành động làm “giọt nước tràn ly”, điều đó có thể dẫn tới tình trạng tự thương, tự tử ở trẻ.

Để giải quyết tình trạng tự tử ở trẻ em và thanh, thiếu niên, bác sĩ An khuyến cáo, phụ huynh cần trở thành người bạn thân thiết của con, lắng nghe trẻ nói và chia sẻ. Cha mẹ cần có sự quan tâm theo dõi con từ ăn ngủ cho đến học tập ở trường.

“Trong khi đó, hệ thống giáo dục cần tăng cường tập trung vào việc dạy trẻ em cả cấp tiểu học và trung học những kỹ năng cần thiết. Từ đó, giúp các em ứng phó với các khó khăn về cảm xúc và tâm lý.

Đồng thời, giảm áp lực học bằng cách đánh giá lại lượng kiến thức học sinh cần. Chuyên gia cho rằng, cần đầu tư xây dựng các dịch vụ tư vấn tâm lý ở tất cả các trường học”, BS Nguyễn Trọng An khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ