70% trẻ không chịu đi học mắc các chứng bệnh liên quan đến sức khỏe tinh thần. Không ít phụ huynh đang trong tình trạng bất lực, vô phương giải quyết tình trạng.
Ghét đi học đến… đổ bệnh
Mỗi sáng, Sylvie đều cầu nguyện cậu con trai, Jack (9 tuổi) sẽ ngoan ngoãn chuẩn bị đi học. Từ năm đầu tiên đến trường, Jack luôn đòi mẹ cho ở nhà. Trải qua mấy năm lúc đóng, lúc mở trường vì đại dịch, cậu càng quen với việc không cần phải đi học.
“Khi tôi than thở với mọi người về chuyện này, ai cũng bảo nếu thằng bé không thích đi học thì cứ để nó ở nhà. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ thằng bé không chỉ đòi nghỉ 1, 2 bữa. Bây giờ, mọi chuyện còn càng tồi tệ hơn”, Sylvie kể sự tình.
Cái tồi tệ mà Sylvie nói là Jack lăn ra ốm. Ban đầu, cô chỉ nghĩ cậu bé ăn vạ. Nào ngờ, Jack thật sự bị đau đầu hoặc đau bụng. Cậu nổi giận và rơi vào trạng thái mất kiểm soát. “Thằng bé đang gặp khủng hoảng và tôi không biết chuyện gì đang xảy ra, không biết phải làm gì cả”, Sylvie bật khóc.
Tại Australia, mọi người gọi tình trạng của Jack là “bệnh từ chối đi học”. Nó xảy ra ở trẻ em thuộc mọi độ tuổi. Tháng 11/2019, Australia từng báo cáo vấn đề trẻ không chịu đến trường. Họ cho thấy, có khoảng 50 nghìn trẻ em thuộc độ tuổi đi học đang nghỉ học.
Nguyên nhân khiến những trẻ em này từ chối đến trường bao gồm bắt nạt học đường, khuyết tật, sức khỏe tâm thần. Trong đó, 70% các em mắc bệnh lo âu hoặc trầm cảm.
Sau 3 năm đại dịch, con số trẻ em từ chối đi học gia tăng gấp đôi, lên 100 nghìn. Các chuyên gia thừa nhận, “đây là cú trượt dài trong công tác giáo dục”.
Phần lớn trẻ ghét đến trường gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. |
Hoang mang lan rộng
Hầu hết, phụ huynh và nhà trường đánh giá trẻ không chịu đi học là “trò hư”, giải quyết bằng cách ép phải đến lớp. Chỉ đến khi trẻ em phản kháng quá kịch liệt, họ mới tìm hiểu nguyên nhân. Lúc này, mọi chuyện đã quá muộn.
“Khi phụ huynh tìm đến chúng tôi, tình trạng căng thẳng giữa họ và con em luôn ở mức đỉnh điểm”, nhân viên xã hội Westphal cho biết.
Xã hội và giáo dục Australia chưa cởi mở về chủ đề trẻ không chịu đi học. Các bậc cha mẹ ngại đem chuyện này ra nói, nhà trường cũng không có biện pháp đối phó “mềm”. Năm 2019, trên mạng xã hội Facebook của Australia xuất hiện nhóm School Cant, tập hợp các phụ huynh gặp khó khăn trong việc khuyên con em đi học. Ban đầu, nhóm này chỉ có khoảng 900 thành viên. Hiện tại, nó lên đến hơn 6.600 người.
Trong School Cant, các thành viên chia sẻ nỗi khổ tâm và xin tư vấn. Chí ít, trang riêng tư của nhóm cũng luôn dài 300 bài đăng chờ bình luận. Tất cả đều mang nặng nỗi lo, ví dụ như bài đăng của Malcolm có con trai 16 tuổi, tên Patrick. Từ năm lớp 1, Patrick đã đòi nghỉ học. Suốt thời tiểu học, Malcolm và nhà trường vô phương khiến Patrick yêu thích việc đến lớp. Cuối năm lớp 6, Patrick được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ.
“Các nhà tâm lý khuyên tôi nên để thằng bé được nghỉ học. Chỉ như thế, nó mới thả lỏng tinh thần và bớt bùng phát giận dữ”, Malcolm cho biết. Tuy nhiên, với vai trò và trách nhiệm phụ huynh, Malcolm không nỡ để con mất quyền lợi ăn học. Anh tìm kiếm chương trình giáo dục trực tuyến, thậm chí đưa Patrick vào trường tư chuyên dành cho học sinh gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội và bộc lộ cảm xúc. Tất cả đều thất bại.
Hậu đại dịch Covid-19, lượng trẻ từ chối đi học ở Australia tăng gấp đôi. |
Nguy cơ đổ vỡ gia đình
Bên cạnh áp lực khuyên bảo con em đến trường, các phụ huynh có con ghét đi học còn phải đối mặt với hệ lụy khó tránh: Mâu thuẫn gia đình. Nó bao gồm cả tình trạng căng thẳng giữa phụ huynh và con em lẫn xung đột giữa phụ huynh với phụ huynh.
“Các gia đình có thể tan vỡ vì bất đồng phương pháp giải quyết”, Westphal phản ánh. Vợ chồng Malcolm là ví dụ. Trong khi Malcolm thừa nhận con trai mắc chứng rối loạn tự kỷ và nỗ lực tìm kiếm chương trình giáo dục, trường lớp phù hợp, vợ anh nhất định “thương cho roi cho vọt, cứ tống thằng bé vào trường công”.
Bất đồng giữa Malcolm và vợ không dừng lại ở tranh cãi, mà còn dẫn đến rạn nứt quan hệ hôn nhân. “Hiện, cả tôi và vợ đều phải uống thuốc chống trầm cảm để kiểm soát trạng thái tâm thần của mình”, Malcolm mệt mỏi.
Trước tình trạng lượng trẻ bỏ học gia tăng mạnh, chính phủ Australia buộc phải vào cuộc. Gần đây, họ cam kết chi 200 triệu đô (khoảng 4.740 tỷ đồng) cho hệ thống giáo dục tiểu học, hứa hẹn mỗi trường đều sẽ có 1 phòng khám sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, những phụ huynh như Sylvie đã không đợi được. Cô quyết định chuyển Jack tới trường tư thục đắt đỏ, nơi có sẵn nhân viên phúc lợi và chuyên gia tâm lý.
Dù đã đưa con vào trường tư thích hợp, Sylvie vẫn không thể ngừng lo nghĩ và đau lòng. Cô thấy rõ Jack sợ hãi đi học tới mức nào và khổ sở vì “như sư tử đẩy con xuống núi”. “Tất cả những gì bây giờ tôi có thể làm là cố gắng lắng nghe, hiểu con nhiều hơn và chờ đợi”, Sylvie kết thúc câu chuyện.