Trang Mom Junction liệt kê bốn lý do chính khiến trẻ không hứng thú với việc đi học và những biện pháp phụ huynh có thể sử dụng để thay đổi tình hình.
1. Áp lực học tập tăng đột ngột
Thái độ của trẻ với trường học thường thay đổi khi bước vào năm học mới. Trẻ cảm thấy khó khăn khi phải thích nghi với những thay đổi. Chương trình học có thể nặng hơn so với trước, hoặc trẻ phải làm quá nhiều bài tập về nhà mỗi ngày.
Bên cạnh đó, nếu có thêm vài môn mới, trẻ phải vật lộn để đối mặt với khối lượng kiến thức lớn và tốc độ tiếp nhận tăng.
Phụ huynh có thể giúp quá trình chuyển đổi này diễn ra suôn sẻ hơn. Trước khi năm học bắt đầu, bạn hãy trao đổi trước về những áp lực mà con phải đối mặt. Thiết lập thời gian biểu để con làm bài tập về nhà là hành động thiết thực.
2. Căng thẳng dồn dập
Đôi khi, việc đến trường gây ra quá nhiều căng thẳng khiến trẻ muốn từ bỏ tất cả những thứ liên quan đến học tập.
Khi đi học, trẻ luôn phải thể hiện tốt với thầy cô giáo để đạt điểm số cao. Khi về nhà, trẻ lại đối mặt với kỳ vọng của bố mẹ, hoàn thành mọi bài tập đúng giờ và thức khuya để ôn tập khi kỳ thi tới gần. Phải làm quá nhiều việc, trẻ sẽ không tìm được thời gian để tương tác với bạn bè cùng lứa tuổi. Điều này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần của trẻ.
3. Không hứng thú
Phụ huynh chính là những người giúp trẻ cân bằng giữa việc học tập và vui chơi. Thay vì khuyến khích con trở thành mọt sách, bạn cần hiểu được tầm quan trọng của những người bạn và thời gian tự do dành cho việc chơi đùa đối với cuộc sống của con. Nếu thấy con phải học quá nhiều, bạn hãy giúp con sắp xếp thời gian thư giãn bằng cách hẹn bạn hay đi chơi cùng gia đình vào cuối tuần.
Nhiều đứa trẻ không quan tâm việc học lý thuyết ở trường, thường xuyên tỏ ra chán nản khi phải ngồi trong lớp, cảm thấy đang học những thứ không cần thiết và phí thời gian.
Bên cạnh đó, nếu năm trước từng học kém một môn nào đó, trẻ thường lo lắng khi phải đối mặt vào năm học này và mất hết hứng thú.
Bạn nên giải thích rằng mỗi môn học đều giúp mở mang tri thức và là yếu tố quan trọng giúp con hoàn thiện giấc mơ. Để việc học trở nên thú vị hơn, bạn có thể thử dạy con một số khái niệm theo phương pháp đặc biệt ở nhà.
Nếu không hiệu quả, bạn nên trao đổi với giáo viên để tìm hướng giải quyết. Sự hỗ trợ từ cả hai phía giúp trẻ không xem việc đi học như một hình phạt.
4. Bị bắt nạt ở trường
Bị bắt nạt là cơn ác mộng tồi tệ của mọi đứa trẻ khi đi học, dù trường có những quy định khắt khe về vấn đề này.
Con bạn có thể là nạn nhân của bạn học, anh chị khóa trên, thậm chí nhân viên trong trường. Một nhóm học sinh nào đó có thể chế giễu, cười nhạo, quấy rối hay đe dọa con trong suốt thời gian ở trường.
Khi đi xe buýt hay đi bộ về nhà, con cũng sẽ đối mặt với nguy cơ bị nhóm bắt nạt tiếp cận, chửi bới và bạo hành thể chất.
Để giải quyết vấn đề này, bạn nên quan sát các dấu hiệu hành vi có thể chỉ ra rằng con đang là nạn nhân của bắt nạt học đường. Có thể con đột ngột tỏ ra không quan tâm hoặc chán ghét trường học, cũng có thể con trở nên trầm tính và lãnh đạm hơn, không để ý đến những hoạt động từng rất yêu thích.
Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào như trên, bạn hãy nhẹ nhàng hỏi xem có ai nói gì với con ở trường hay không. Thông thường, trẻ lo lắng nếu bố mẹ biết và nói với giám thị hay giáo viên, nhóm bắt nạt sẽ càng có cớ để hành hạ nhiều hơn. Bạn nên khuyên con bình tĩnh, hứa tìm cách giúp đỡ bằng mọi cách có thể và lựa tình hình để giải quyết khôn ngoan nhất.