Tâm lý sợ đi học hoặc không thích đi học thường xảy ra ở những bé mới đi học mầm non, khi bé chuyển từ giai đoạn mẫu giáo sang tiểu học hoặc trong tầm tuổi 10,11 khi trẻ cảm thấy áp lực bởi nội dung học đòi hỏi khả năng tư duy trừu tượng nhiều hơn.
Marjory Phillips, nhà tâm lý học lâm sàng của Viện nghiên cứu về Phát triển Trẻ em ở Toronto cho biết, khi con không chịu đến trường, bạn sẽ thấy cáu giận hoặc thất vọng. Tuy nhiên, bạn hãy cố giữ bình tĩnh. Phản ứng đầu tiên bạn cần có đối với bé khi gặp trường hợp này là thể hiện sự đồng cảm với bé.
Bạn không nên nói những câu kiểu ra lệnh như: “Đi thôi, mẹ lại sắp muộn giờ làm rồi đấy” bởi điều đó sẽ khiến bạn rơi vào cuộc “thi gan” với bé. Thay vào đó, bạn hãy cho bé biết bạn đang hiểu bé cảm thấy như thế nào bằng những câu như: “Hình như con đang thấy khó chịu. Con đang lo lắng về điều gì đó ở trường phải không?”; "Con không thích đi học phải không? Nói cho mẹ biết vì sao được không?".
Bên cạnh đó bạn cũng cần đảm bảo rằng bé nhà bạn không bị quá mệt. Hãy cho bé ngủ đủ giấc. Trẻ từ 6 đến 12 tuổi cần ngủ 12 tiếng mỗi ngày.
Nếu con bạn đã ngủ ngon và ngủ đủ nhưng vẫn không chịu đến lớp thì bạn nên tìm hiểu lý do vì sao con không muốn đi học. Ông Phillips nói: “Có thể con cảm thấy khó hiểu bài, con đang có mâu thuẫn với bạn hoặc đang bị bắt nạt”. Bạn hãy hỏi giáo viên xem con có gặp khó khăn gì hay không.
Ngoài ra, bạn cũng có thể nói cho con về những điều mà con thích ở trường như gặp bạn thân, được ăn món ưa thích hay được chơi trong giờ nghỉ lao.
Trong trường hợp con bạn đang lo lắng về điều gì đó sắp xảy ra, chẳng hạn như bài kiểm tra sắp tới, bạn có thể trấn an bé và hứa sẽ hỗ trợ bé lập kế hoạch ôn thi hay giải quyết vấn đề mà bé đang lo lắng.
Đối với các bé đang gặp vấn đề lớn hơn như bị bắt nạt, bạn cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ giáo viên và nhà trường. Bạn nên can thiệp càng sớm càng tốt.
PHẠM KHÁNH (Lược dịch)