Dấu ấn nhiệm kỳ Chủ tịch dài nhất lịch sử SEAMEO

GD&TĐ - Tháng 3/2013, Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) lần thứ 47 tổ chức tại Hà Nội đã bầu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam – GS.TS Phạm Vũ Luận – làm Chủ tịch Hội đồng nhiệm kỳ 2013 - 2015.

 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng GD Thái Lan, sẽ nhậm chức Chủ tịch Hội đồng SEAMEO lần thứ 48 (2015-2017).
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng GD Thái Lan, sẽ nhậm chức Chủ tịch Hội đồng SEAMEO lần thứ 48 (2015-2017).

Sau hơn 2 năm (26 tháng) nhận nhiệm vụ, nhìn lại nhiệm kỳ Chủ tịch dài nhất lịch sử SEAMEO (tính đến thời điểm hiện tại), dấu ấn đậm nét được các thành viên trong tổ chức đánh giá chính là sự hợp tác, phát triển trong lĩnh vực GD – ĐT của khu vực Đông Nam Á.

Mỗi chuyến đi, mỗi gắn kết

Bên cạnh những công việc lớn của ngành Giáo dục Việt Nam: Triển khai đổi mới căn bản toàn diện GD – ĐT; Xây dựng đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, trên cương vị Chủ tịch SEAMEO, với trách nhiệm quốc tế và trách nhiệm khu vực, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã thực hiện nhiều hoạt động hiệu quả, tăng cường hợp tác cộng đồng giáo dục các nước ASEAN, hoàn thành nghĩa vụ và cam kết quốc tế.

Trong các chuyến công tác tại các nước thành viên SEAMEO, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đều nhận được sự ủng hộ cao về các nội dung đa phương, song phương; đồng thời lãnh đạo các nước thể hiện sự tích cực chuẩn bị cho các hoạt động, chương trình của SEAMEO. 

Bên cạnh đó, 20 Trung tâm đào tạo khu vực và các mạng lưới, các trường học, trường nghề… tại 11 nước thành viên SEAMEO đã được Bộ trưởng đích thân đến thăm, lắng nghe các báo cáo, đề xuất, kịp thời chỉ đạo, tư vấn để các trung tâm hoạt động hiệu quả hơn, phát huy được những lợi thế của mình. 

Có dấu ấn của những “lần đầu tiên” không thể nào quên: Giáo sư Phạm Vũ Luận là người đứng đầu Tổ chức SEAMEO và cũng là thành viên Chính phủ đầu tiên của Việt Nam tới thăm Timor-Leste. Cuộc tiếp kiến Thủ tướng Kay Rala Xanana Gusmão dự kiến chỉ 30 phút nhưng thời gian đã kéo dài tới hơn 2 lần. 

Điều đó thể hiện tình cảm của Thủ tướng với đất nước Việt Nam, nền giáo dục Việt Nam nhưng cũng là sự mong muốn hợp tác giáo dục song phương và đa phương của Timor-Leste sẽ có những bước tiến mới.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng là Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á đến thăm Trung tâm khu vực SEAMEO về giáo dục đặc biệt (SEAMEO SEN), xúc động chứng kiến sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền các cấp tại Malaysia với Trung tâm đào tạo này – những hành động không chỉ có ý nghĩa đối với các cán bộ làm việc tại Trung tâm mà còn có ý nghĩa động viên rất lớn với tất cả những người làm giáo dục trong khu vực ASEAN.

Được biết, trước mỗi chuyến đi, rất nhiều tư liệu được chuẩn bị với các giấy tờ trao đi gửi lại. Đủ để thấy sự công phu, mối quan tâm to lớn của vị Chủ tịch SEAMEO và các thành viên Ban thư ký đến hoạt động của tổ chức, mong muốn ghi nhận, khích lệ kịp thời những sáng tạo; hỗ trợ đúng lúc, đúng chỗ để trung tâm vượt khó vươn lên; quan tâm, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của giáo dục các nước Đông Nam Á…

Chính bởi sự tìm hiểu cặn kẽ và từ những kinh nghiệm quản lý thực tế, Chủ tịch SEAMEO, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã có những chia sẻ khiến các Giám đốc Trung tâm khu vực đều đánh giá là “trúng và đúng”. 

Như ở Trung tâm khu vực về khảo cổ học và nghệ thuật (SEAMEO SPAFA, Thái Lan), Bộ trưởng tư vấn hướng đi đưa những kiến thức sâu về văn hóa, nghệ thuật thành kiến thức phổ thông, đưa vào nhà trường, giáo dục thế hệ trẻ, từ đó có công chúng nghệ thuật – họ sẽ là những người làm công việc bảo tồn, bảo tàng…; 

Hay như tại Trung tâm khu vực của SEAMEO về Khoa học và Toán - SEAMEO RECSAM (Malaysia), Bộ trưởng Phạm Vũ Luận gợi ý hoạt động Trung tâm đồng bộ, song hành với công việc ngành giáo dục các nước đang triển khai, góp phần vào đổi mới, cải cách chương trình, nội dung phương pháp toán và khoa học ở phổ thông… 

Những chỉ đạo, gợi ý đó đều mang theo thông điệp đoàn kết, tăng cường sự hợp tác giữa các Trung tâm đào tạo của SEAMEO cũng như các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của các nước trong khu vực, kỳ vọng các trung tâm trở thành một địa chỉ tin cậy về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu hàng đầu ở ASEAN và quốc tế.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Giáo dục Brunei Darussalam - Chủ tịch Hội đồng SEAMEO lần thứ 46 (2011 - 2013).
 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Giáo dục Brunei Darussalam -  Chủ tịch Hội đồng SEAMEO lần thứ 46 (2011 - 2013).

Kỷ niệm 50 năm thành lập SEAMEO, tự hào bàn giao trách nhiệm

Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan Admiral Narong Pipathanasai đánh giá trong nhiệm kỳ dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, SEAMEO đã có những kết quả đáng trân trọng; đồng thời bày tỏ sự nhất trí với những kế hoạch Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đưa ra; khẳng định trong nhiệm kỳ tới sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, đưa SEAMEO ngày càng phát triển trong khu vực và quốc tế.
Với sự ủng hộ của các Bộ trưởng trong Hội đồng SEAMEO, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Hội đồng SEAMEO, thực hiện tốt những nghị quyết đã được Hội đồng thông qua tại Hội nghị SEAMEC 47 cũng như những định hướng đã xác định tại Đối thoại chiến lược các Bộ trưởng SEAMEO (tổ chức tại Lào tháng 9/2014) và Đại hội SEAMEO, đồng thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nhiệt tình cùng góp sức hoạch định những kế hoạch mới cho tổ chức.

Tháng 5/2015, Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) lần thứ 48 sẽ được tổ chức tại Thái Lan. Chủ đề lễ kỷ niệm 50 năm thành lập SEAMEO là: Giáo dục hướng tới Phát triển bền vững với 7 lĩnh vực ưu tiên đối với SEAMEO trong giai đoạn 2015 – 2035: 

1. Chăm sóc và giáo dục mầm non; 2. Xóa bỏ ràn cản hòa nhập cộng đồng; 3.Khả năng chống chịu trong tình huống khẩn cấp; 4. Xúc tiến giáo dục dạy nghề (TVET); 5. Đào tạo giáo viên; 6. Hài hòa trong hoạt động nghiên cứu và giáo dục đại học; 7. Áp dụng chương trình giảng dạy của thế kỷ 21.

Năm 2015 cũng là năm “điểm nhấn” thành lập cộng đồng chung ASEAN. Đặc biệt hơn khi năm nay, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60, công chúa Thái Lan sẽ tham gia các hoạt động của SEAMEO và có các phần thưởng tặng thưởng những người có nhiều cống hiến cho công tác giáo dục. Đây là một vinh dự lớn cho tổ chức SEAMEO cũng như các cá nhân được vinh danh trong dịp này.

Tại Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) lần thứ 48, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sẽ bàn giao trọng trách Chủ tịch SEAMEO cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục Thái Lan, tự hào trao lại hình ảnh một SEAMEO đoàn kết, nâng cao vị thế ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. 

Đặt chân về Nội Bài là cảm nhận được không khí Tết
Tiến sỹ Witaya (trái) - Giám đốc ban Thư ký SEAMEO - trao Kỷ niệm chương của Tổ chức SEAMEO cho ông Trần Bá Việt Dũng tại Bangkok (Thái Lan).
Tiến sỹ Witaya (trái) - Giám đốc ban Thư ký SEAMEO -  trao Kỷ niệm chương của Tổ chức SEAMEO cho ông Trần Bá Việt Dũng tại Bangkok (Thái Lan). 

NGƯT Trần Bá Việt Dũng – nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) - là người được tham gia nhiều hoạt động của SEAMEO nhiều năm nay với công tác “hậu cần” - như ông gọi vui, đó là “cuộc chiến thầm lặng” với việc chuẩn bị tài liệu, thủ tục, trao đổi thông tin quốc tế…

Không ít lần tháp tùng Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trên cương vị Chủ tịch SEAMEO, nhưng ông nhớ nhất chuyến đi “bão táp” đến 3 nước Philippines – Indonesia – Đông Timor ngay thời điểm giáp Tết Ất Mùi 2015.

Ông kể: “Thời gian công tác rất ngắn, điểm đến thì xa và đoàn đi tiết kiệm, mua vé máy bay với tiêu chí: Chuyến nào đỡ tốn kém nhất thì đặt vé!

Lần đó chuyến về máy bay bị trễ. Làm việc xong là ra sân bay ngay, không kịp cả ăn uống. Các bạn Đông Timor bịn rịn tiễn khách, người ta cứ đợi cùng mình mãi cũng ngại, nên lại giục các bạn ra về. Cả đoàn vạ vật nghỉ đêm ở sân bay, đói, mệt, lo lắng, lỉnh kỉnh hành lý là giấy tờ, văn bản, ai cũng như là “cửu vạn”.

Đã có lúc bàn tính một người đi trước về cùng Bộ trưởng, những người khác về sau. Rồi chạy Đông chạy Tây, nhờ Đại sứ quán và hãng hàng không giúp đỡ, cuối cùng cũng thu xếp được vé “bay vòng” với lịch trình: Đông Timo - Bali - Jakarta - Singapore – Hà Nội. Tôi nhớ khi đặt chân về sân bay Nội Bài, hôm sau nghỉ Tết luôn!

Được biết, tại Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á lần thứ 48, NGƯT Trần Bá Việt Dũng vinh dự được nhận Giải thưởng Cống hiến nhân kỷ niệm 50 năm thành lập tổ chức SEAMEO. Chúng ta mong đợi tin vui này sau khi Hội nghị kết thúc.

Giải thưởng không mang nhiều giá trị vật chất nhưng chứa đựng ý nghĩa lớn với cá nhân và đất nước. Một ủy ban đặc biệt của SEAMEO đã xem xét, sàng lọc kỹ càng qua nhiều vòng, cuối cùng duyệt danh sách 6 trong tổng số 16 cá nhân được đề cử từ 11 nước thành viên để trao tặng giải thưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.