Dấu ấn 25 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc: Ngành Giáo dục có đóng góp quan trọng

GD&TĐ - Trải qua 25 năm tái lập tỉnh, hoạt động của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang có những bước tiến vượt bậc cả về quy mô phát triển và chất lượng giáo dục đào tạo.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan tặng hoa chúc mừng Đại hội Hội khuyến học tỉnh nhiệm kỳ 2021-2025
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan tặng hoa chúc mừng Đại hội Hội khuyến học tỉnh nhiệm kỳ 2021-2025

Từ chỗ còn thiếu thốn về cơ sở vật chất đội ngũ giáo viên mỏng, chất lượng giáo dục chưa cao, đến nay Vĩnh Phúc đã đứng trong tốp đầu của cả nước về chất lượng giáo dục.

25 năm đổi thay diện mạo GD&ĐT

Tỉnh Vĩnh Phúc chính thức được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 1 tháng 1 năm 1997, mở ra chặng đường phát triển mới cho địa phương. Khi mới tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc còn là một miền quê nghèo, cơ sở hạ tầng yếu kém. Giai đoạn này, kinh tế nông nghiệp bắt đầu có những chuyển biến tích cực nhưng đất canh tác ở Vĩnh Phúc khá nhỏ hẹp nên đời sống người dân gặp không ít khó khăn. Ngành GD&ĐT khi đó cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đội ngũ giáo viên của tỉnh còn thiếu, cơ sở vật chất trường, lớp còn nghèo nàn, lạc hậu. Năm học 1998-1999, toàn tỉnh mới có 37% phòng học cao tầng. Quy mô đào tạo nghề quá nhỏ bé, trình độ, thiết bị đào tạo lạc hậu...

Từ đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển GD&ĐT. Điển hình là Đề án 01 do Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành về Phát triển giáo dục, đào tạo của tỉnh đến năm 2000. Đây là Đề án đầu tiên sau tái lập tỉnh Vĩnh Phúc, thể hiện sự quan tâm rất lớn của tỉnh đối với sự nghiệp GD&ĐT. Đề án đã khẳng định GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, là khâu đột phá, là nhân tố quyết định sự phát triển của đất nước; đầu tư cho GD&ĐT là đầu tư cho phát triển, phải có chính sách ưu tiên cao nhất và có giải pháp mạnh mẽ để phát triển GD&ĐT.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (thứ 3 từ trái qua) đếm thăm và tặng quà Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (thứ 3 từ trái qua) đếm thăm và tặng quà Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc

Triển khai Đề án 01, mạng lưới giáo dục của tỉnh Vĩnh Phúc đã dần được hoàn thiện, phát triển, phân bố đều khắp ở các xã, phường, thị trấn với cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng hiện đại. Công tác xã hội hóa giáo dục được chú trọng, phương thức đào tạo ngày càng được mở rộng, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được bổ sung về số lượng, cân đối về cơ cấu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ được nâng cao...

25 năm không phải là khoảng thời gian dài đối với sự nghiệp “trồng người”, thế nhưng trong khoảng thời gian ấy, ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc đã có bước trưởng thành về nhiều mặt. Một trong những thành tựu nổi bật là đã đảm bảo tốt nhất quyền được giáo dục, học tập của trẻ em. Mạng lưới trường học phát triển rộng khắp tới các làng, thôn, xóm, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và con em trong tỉnh. Năm 1997, toàn tỉnh mới có 475 trường, đến nay quy mô mạng lưới trường lớp đã được phát triển thành 508 trường (177 trường MN, 145 trường TH, 148 trường THCS, 30 trường THPT và 8 trung tâm GDNN-GDTX). Tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học đã được chặn đứng. Tỉ lệ học sinh phổ thông từ 6 đến 18 tuổi đi học đạt 97,1%, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành trong cả nước.

Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc được đầu tư xây mới, khang trang, hiện đại
Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc được đầu tư xây mới, khang trang, hiện đại

Chất lượng giáo dục toàn diện đã có những chuyển biến tích cực, đã đạt được những điểm nhấn “Là một trong 4 tỉnh thành trên cả nước phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi; chất lượng giáo dục tiểu học được giữ vững và có những nội dung đổi mới; chất lượng thi tốt nghiệp THPT Quốc gia luôn đứng trong tốp đầu cả nước, khẳng định vị thế trong toàn quốc về kết quả thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với chất lượng cao”. Toàn tỉnh đã có 100% trường công lập từ mầm non đến THPT được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, tính từ năm 1998 đến nay, Vĩnh Phúc đã đạt được 1.405 giải học sinh giỏi cấp quốc gia; trong đó có 73 giải nhất; 33 giải khu vực và quốc tế, trong đó có 3 huy chương vàng, 7 huy chương bạc, 15 huy chương đồng và 8 bằng khen.

Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của tỉnh ngày càng được nâng lên; đến nay, tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trở lên tại cấp THPT đạt 100%; THCS đạt 88,3 %; tiểu học đạt hơn 75%; mầm non đạt gần 95%... Tỷ lệ cán bộ, giáo viên sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy ngày một tăng.

Ông Nguyễn Văn Huyến Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc (ngoài cùng bìa trái) trao thưởng của Quỹ - Hội khuyến học tỉnh Vĩnh Phúc cho các thầy cô giáo có học sinh đoạt giải Olympic năm 2021

Ông Nguyễn Văn Huyến Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc (ngoài cùng bìa trái) trao thưởng của Quỹ - Hội khuyến học tỉnh Vĩnh Phúc cho các thầy cô giáo có học sinh đoạt giải Olympic năm 2021

Công tác giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh được chú trọng. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đạt được nhiều thành quả nổi bật.

Có thể khẳng định, GD&ĐT đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí, đào tạo đội ngũ lao động có trình độ học vấn cao hơn phục vụ các nhu cầu phát triển KT-XH và AN –QP của tỉnh Vĩnh Phúc.

Chuẩn hóa và chủ động hội nhập

“Đầu tư phát triển giáo dục Vĩnh Phúc theo hướng chuẩn hóa, dân chủ, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế”- là mục tiêu mà ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc hướng tới trong giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc xác định mục tiêu cụ thể: Từng bước chuyển hệ thống GD&ĐT phát triển chủ yếu theo quy mô, số lượng sang phát triển vừa lấy trọng tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả, vừa chú ý quy mô, số lượng; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa. Trong đó tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục tạo đột phá trong hoạt động quản lí giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; nâng cao chất lượng dạy chữ, dạy người hướng đến chân - thiện - mỹ; tạo dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn và văn minh; phát huy ý chí, sức sáng tạo, hun đúc khát vọng cống hiến và phát triển của con người Vĩnh Phúc.

Chú trọng chất lượng giảng dạy nhằm mục tiêu đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, đồng thời thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phấn đấu đến năm 2025, giáo dục Vĩnh Phúc là một trong những đơn vị tiên tiến nhất của cả nước. Đến năm 2030, đạt trình độ tiên tiến của khu vực và tiếp cận trình độ tiên tiến thế giới.

Lãnh đạo Sở Nội vụ và Hội khuyến học Vĩnh Phúc trao thưởng cho học sinh đoạt huy chương Olympic năm 2021
Lãnh đạo Sở Nội vụ và Hội khuyến học Vĩnh Phúc trao thưởng cho học sinh đoạt huy chương Olympic năm 2021

Xác định tiếng Anh và công nghệ thông tin là 2 yếu tố tiên quyết để hội nhập quốc tế, do đó, ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc chủ động nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, tin học. Nối tiếp giai đoạn 2016-2020, hiện, toàn ngành tiếp tục triển khai Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống GDĐT tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, chú trọng nội dung đột phá về dạy học ngoại ngữ bằng nguồn xã hội hóa với chương trình học theo quy trình ISO; tăng cường liên kết quốc tế, nỗ lực triển khai dạy học tiếng Anh có yếu tố nước ngoài; tiếp tục dạy học song ngữ ở một số môn khoa học tự nhiên…

Ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc cũng tích cực phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. Hiện, 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học trực tuyến khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Công tác khuyến học, khuyến tài nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân trong tỉnh
Công tác khuyến học, khuyến tài nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân trong tỉnh

Bên cạnh đó, ngành tập trung giáo dục đạo đức, lối sống, pháp luật, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng và vốn hiểu biết văn hóa sâu sắc cho học sinh Vĩnh Phúc, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa của con người Vĩnh Phúc trong giai đoạn hội nhập, phát triển. Thực hiện tốt văn hóa ứng xử giữa trò với trò; giữa thầy với trò và trò với thầy; phụ huynh với nhà trường và ngược lại, nhằm xây dựng môi trường giáo dục văn minh lành mạnh, góp phần phòng chống tốt dịch bệnh, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Tận dụng tốt cơ hội và giảm thiếu khó khăn, thách thức từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, góp phần thúc đẩy KT-XH, trong Kế hoạch Hội nhập quốc tế Vĩnh Phúc giai đoạn 2021- 2025, ngành GD&ĐT cũng đã xác định một trong những nội dung không thể thiếu là tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu quá trình chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thời gian tới, mục tiêu trọng tâm trong công tác GD&ĐT Vĩnh Phúc là quan tâm tới giáo dục thể chất để tạo ra một thế hệ thanh niên khỏe mạnh, phát triển toàn diện văn - thể - mỹ. Toàn ngành sẽ chú trọng việc bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, song song với việc nâng cao chất lượng đại trà, tiếp tục đẩy mạnh việc mở rộng hợp tác quốc tế…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.