Đường cắm bản
Hôm ấy, cô giáo Cầm Thị Kim phải ra khỏi nhà vào sáng sớm.
Lúc đó đứa con đang ngủ say trong vòng tay của bà nội.
Để tránh làm đứa trẻ giật mình, Kim chỉ dám hôn nhẹ vào trán con mà nước mắt lăn trên gò má lúc nào chẳng hay.
Người chồng, Lương Văn Thắng khẽ nhìn vợ, rồi lặng lẽ buộc túi hành lý lên xe cẩn thận.
Tiếng xe máy nổ rền vang phá vỡ khoảng im lặng giữa hai người.
Kim ngoái lại nhìn căn nhà thân quen và nhận ra không thể lần lữa mãi. Trong lòng 2 người dâng trào một cảm xúc khó tả.
Đó là ngày Kim vào nhận công tác tại điểm trường Nậm Dính (thuộc trường mầm non xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), trở thành giáo viên cắm bản.
Nhà Kim cách huyện Mường Tè 250 km. Hai vợ chồng băng núi, vượt đèo, mất nửa ngày đường mới đến trung tâm huyện.
Tưởng quãng đường suôn sẻ nên Kim dự định mỗi tháng sẽ bắt xe khách để về thăm con.
Nhưng dự định đó vỡ vụn khi chiếc xe máy bắt đầu rẽ vào con đường mòn dẫn đến điểm trường Nậm Dính.
Mất cả tiếng đồng hồ chiếc xe mới nhích được khoảng vài trăm mét do bánh xe mắc kẹt giữa bùn đất nhão nhoét.
Kim xuống xe, bảo chồng, đường này phải dắt bộ thôi, xe không đi được.
Thắng nghe vợ nói, dừng xe. Hai vợ chồng xắn ống quần, người đẩy, người dắt.
Càng tiến sâu vào Nậm Dính, đường càng khó đi. Đường rộng cỡ hai gang tay, một bên là vách núi cao dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm.
Sau ba tiếng, hai vợ chồng cũng vượt qua đoạn đường khó đi nhất.
Chưa kịp thở phào vì tưởng đã hết nguy hiểm thì Thắng đã chỉ tay vào con suối trước mặt: “Không có cầu giờ xe qua kiểu gì?”. Nghe chồng nói vậy, nước mắt Kim lại lăn trên gò má, hòa cùng cơn mưa giữa núi rừng heo hút.
Cực chẳng đã, hai vợ chồng phải khênh xe qua suối. Lần đầu đối mặt với con suối dữ, Kim không nghĩ, đây sẽ là nơi mà sau này cô đi lại không biết bao nhiêu lần để cõng học sinh đến trường, thậm chí đi nhiều đến mức không còn nhớ cảm giác sợ là như thế nào.
Mãi đến khi chập choạng, hai vợ chồng mới đến đầu bản. Bản Nậm Dính ngày ấy còn hoang vu, chưa có điện lưới và mùa khô phải đi hứng từng giọt nước từ trên suối.
Đang ngơ ngác, Kim nhìn thấy từ trên dốc cao, bóng một người phụ nữ vội vã chạy lại. Người phụ nữ đó là Lò Thị Inh (sinh năm 1992), giáo viên cắm bản tại điểm trường Nậm Dính. Kim và Inh là đồng hương.
Inh nắm tay Kim rạng rỡ: “Thôi cố gắng, ở đây với chị. Rồi có gì hai chị em nương tựa vào nhau”.
Bóng tối trùm dần lên những nóc nhà miền biên viễn, trùm lên cả ba cái bóng đang lủi thủi bước đi.
Đến điểm trường, hai vợ chồng đều đã mệt rã rời. Kim nóng ruột gọi về cho gia đình, quên cả nghỉ ngơi.
Trớ trêu thay, điện thoại không có nổi một vạch sóng…Thấy vậy, Inh giải thích, ở đây không gọi được điện thoại. Thỉnh thoảng lắm mới có nổi một vạch sóng. Kim nghe Inh nói vậy, Kim nén tiếng thở dài.
Trước đây, điểm trường Nậm Dính không điện, không sóng điện thoại, Kim buồn chết đi được. Chỉ khi đưa đón, dạy trẻ, nỗi cô đơn trong Kim mới vơi đi phần nào.
Còn Inh thì lại vui vì có người bầu bạn. Dù nhà Inh và điểm trường đều thuộc tỉnh Lai Châu nhưng có khi cả năm Inh chỉ về được đôi lần.
Đường từ Nậm Dính về huyện Mường Tè quá vất vả, phải qua hai con suối và đoạn đường đèo dốc không dấu chân người.
Nhất là vào mùa mưa, dòng suối chảy xiết, chia cắt Nậm Dính. Có lúc nhớ con, Inh đánh liều, băng suối, rồi men theo đường mòn mà đi bộ ra đường cái để bắt xe về nhà. Mỗi lần như thế mất đến cả ngày trời.
Đêm trước ngày về, Thắng ôm vợ vào lòng thủ thỉ: “Em yên tâm công tác. Anh và con ở nhà em không phải lo lắng gì. Thi thoảng anh sẽ thu xếp việc nhà để vào thăm em”.
Ngày hôm sau, khi bóng chồng vừa khuất, Kim bật khóc, không biết phải đối diện với cuộc sống cô đơn và khó khăn ở đây như thế nào.
Dòng suy nghĩ và nỗi buồn của Kim chỉ dừng lại bởi tiếng trẻ con vẳng lại phía bờ suối. Kim lau nước mắt, nén nỗi buồn, chạy lại đón các con.
Sau ngày Kim đến một năm, trong một ngày mưa gió, Lò Thị Liệu (sinh năm 1997) ôm đứa con hai tháng tuổi còn đỏ hỏn về Nậm Dính nhận công tác.
“Ngày đầu em lên Nậm Dính cũng may có chồng đưa đi chứ không em cũng chẳng biết phải làm sao. Có lúc xuống dốc, đường xóc, em ngã ngửa ra sau. Đến đoạn dốc cao hơn, em bảo chồng là thôi để em tự ngã trước…”, Liệu kể lại.
Điểm trường Nậm Dính như một cơ duyên để ba người xa lạ nay trở thành chị em thân thiết. Họ là những nữ giáo viên cắm bản tại nơi thâm sâu cùng cốc.
- Liệu có nhớ chồng con không em?
- Nhớ chứ, em nhớ chết đi được. Em đếm ngược từng ngày về thăm con.
- Con được hai tháng tuổi mà nó dám bế lên đây, liều thật, Kim thêm lời.
Những ngày cắm bản
Gà gáy, Kim thức dậy vươn vai và hít một hơi thật sâu. Inh đang ngồi chải tóc còn Liệu thì rửa mặt ngoài bến rửa. Sáng, trời Nậm Dính trong veo như mắt trẻ con, không khí rất trong lành.
“Nhưng đến hè thì cũng mệt đấy, nắng ở đây gắt lắm còn mùa đông thì rét cắt da cắt thịt”, Kim nói.
Ăn sáng qua loa, ba chị em xắn ống quần, đi dép lê và nhanh tay bỏ từng đôi dép trẻ con vào trong túi nilon, vơ vội mấy chiếc khăn mặt rồi ra bờ suối đón học sinh. Con suối Nậm Dính chảy vắt ngang qua con đường dẫn vào điểm trường.
Mấy năm trước có cây cầu tạm bắc qua suối nên học sinh tự đi học. Năm ngoái (2020), lũ về cuốn phăng cây cầu. Kể từ đó, một ngày hai buổi, ba cô giáo trẻ cần mẫn chờ đón và cõng học sinh qua suối đến trường.
Trời sáng rõ, từ trên dốc cao, những đôi chân trần nhỏ xíu sà vào lòng các cô như bầy chim non. Các em tuy là trẻ mầm non nhưng đã phải tự đi học. Chỉ có em nào nhỏ quá, cỡ chừng 2 tuổi thì được bố mẹ bế cắp nách đưa đến trường.
Ba cô chia nhau mỗi người một việc. Inh xỏ dép, Liệu buộc tóc còn Kim thì rửa mặt cho các em. Xong đâu đấy, họ thay phiên nhau cõng 60 học sinh qua suối. Mỗi người cả mười mấy lượt như thế.
Nắng đã lên mà nước suối vẫn lạnh buốt khiến Kim xuýt xoa. Mùa này nước nông nhưng có đoạn nước cao quá đầu gối. Rêu phủ đầy đá trơn chuồi chuội khiến cô trò suýt ngã. Inh nhỏ người nhất mà có khi cõng một lúc hai em. Hai đứa trẻ quắp lấy Kim – một đứa phía trước, một đứa sau lưng.
Mùa mưa, con suối Nậm Dính nước chảy cuồn cuộn dâng quá đầu người lớn. Từ ngày cầu bị cuốn trôi tuột, ngày nào mưa to, lũ lớn Kim lại gọi điện xin phép nhà trường cho các con được nghỉ học vì quá nguy hiểm.
Những ngày đó, không biết phải thông báo cho phụ huynh như thế nào nên họ đành đội mưa đứng bên bờ suối.
Bao giờ có trẻ, các cô đứng bên này vẫy tay ra dấu để các con biết mà quay về.
Năm trước, có phụ huynh liều lĩnh cho con ngồi vào trong gầu máy xúc để vượt suối.
Kim biết tin hốt hoảng chạy lại, ôm đứa bé mặt mũi lấm lem vào lòng mà xót xa.
Về trường, cô trò cùng nhau bắt đầu một ngày mới bằng hoạt động thể dục. Các con được hướng dẫn xếp hàng ngay ngắn theo từng lớp. Trong lúc Inh đi lấy loa, Liệu và Kim cùng một số em chuẩn bị giáo cụ là những thanh gỗ được vót tròn, nhẵn thín.
Giữa núi rừng hoang vu bắt đầu vang lên những thanh âm rộn rã.
Những đứa trẻ bắt đầu lắc lư theo điệu nhạc truyền thống của dân tộc H’Mông. Các con 2 tuổi, người bé như cây kẹo, đôi chân nhỏ líu ríu tập cũng rất thạo.
“Ở đây chúng tôi không chỉ dạy kiến thức mà còn nuôi dưỡng cả tình yêu văn hóa truyền thống dân tộc cho các con”, Kim nói.
Sau khoảng 30 phút thể dục, cả trường hô “Khỏe” rồi theo các cô vào lớp. Điểm trường Nậm Dính có 60 học sinh chia làm 3 lớp. Inh phụ trách các em từ 2 – 3 tuổi.
Liệu dạy học sinh 4 tuổi còn Kim phụ trách lớp 5 tuổi. Có những bé chưa đến tuổi đi học lũn cũn theo anh chị đến trường thì các cô cũng trông giúp.
Trong lớp học của Inh, các con ngồi khoanh chân tròn xoe như những chú mèo chăm chú nghe cô giảng.
- Đất nước mình tên là gì?
- Nước Việt Nam! Việt Nam! - bọn trẻ nhao lên đồng thanh đáp.
Với những giáo viên mầm non như Inh, việc bỏ con mình để chăm con nhà người chưa bao giờ là điều dễ dàng.
Đặc biệt hơn, học sinh nơi đây 100% là đồng bào dân tộc thiểu số còn chưa nói sõi tiếng phổ thông, sống thuận tự nhiên.
Do vậy, công việc của Inh không chỉ là dạy chữ mà còn đưa các em vào nền nếp sinh hoạt quy củ.
“Dạy các con 2 tuổi rất vất vả vì các em đang quen cách sống ở nhà. Những ngày đầu có em còn tiểu tiện ngay tại lớp. Chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian để bảo ban học sinh từng chút một”, Inh chia sẻ.
Lớp bên cạnh là lớp của Kim và Liệu. Tiếng trẻ con ê a đọc bài và tiếng hát của các cô khiến cho nơi đây sôi động hẳn lên.
Không chỉ quan tâm đến việc dạy chữ mà các cô cũng khéo léo kết hợp nhiều hoạt động vui chơi, văn nghệ trong giờ dạy học.
Tuy điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn nhưng cô trò đều cố gắng hết mình để việc dạy học giống như một trải nghiệm trong cuộc đời.
Được nửa buổi, lớp của Kim đi trước, lớp của Liệu và Inh theo sau.
Dưới ánh nắng ngọt lịm của buổi sáng, những đứa trẻ ríu rít như bầy chim non, tha thẩn vui chơi.
Những trò chơi này do các cô sáng tạo dựa trên trò chơi truyền thống của người H’Mông. Điều các cô muốn hướng đến là trẻ không quên các giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Trong lúc cô trò đang say sưa dạy – học thì khói bếp bắt đầu bốc lên.
Ấy là lúc cô ‘nuôi’ chuẩn bị cơm trưa cho học sinh. Mấy năm trước chưa có bữa ăn bán trú, các con phải mang cơm đi học.
Nhìn cảnh học sinh đùm dúm ít cơm trắng ăn với măng cay, thầy cô thương quá. Thấy thế, nhà trường liền trích một khoản tiền để nấu ăn bán trú cho các em.
Bữa ăn đơn giản chỉ có chút thịt, trứng và rau xanh nhưng đó là sự cố gắng rất lớn của nhà trường. Tại điểm Nậm Dính, các cô dành một khoảng đất rộng trồng rau, nuôi vịt để thi thoảng cải thiện bữa ăn cho học sinh.
Sau khi các con đã ăn cơm và đi ngủ, Kim mới xuống bếp lọ mọ nấu cơm trưa cho họ. Bữa cơm có một ít cá bống bắt ở suối ăn với rau sắn muối.
Chiều về, sau khi hết tiết học, ba cô giáo trẻ lại cõng học sinh qua suối.
Bờ bên kia, nhiều phụ huynh đang đứng đón con. Trước khi giao con cho phụ huynh, Inh lau mặt. Liệu, Kim cọ dép cho các con thêm một lần nữa.
Khi những đứa trẻ cuối cùng trở về bản, các cô mới yên tâm ra về. Tiếng Inh vang lên tận không trung pha lẫn khói lam chiều: “Ngày mai ra suối bắt cá hoặc tìm rêu đá đi các em”.