Cô giáo cắm bản ngóng chồng nơi biên viễn

GD&TĐ - Mỗi đêm khi buồn tủi, nhớ về chồng mình, cô Liên lại nắm chặt lấy đôi bàn tay bé nhỏ của cậu con trai.

Phút thư giãn quý giá của hai mẹ con.
Phút thư giãn quý giá của hai mẹ con.

Rồi cô tự nhủ: “Mẹ con cố gắng đùm bọc, yêu thương nhau nhiều hơn. Cố gắng kiên trung, để bố ở biên viễn xa xôi thêm yên tâm, kiên cường nắm chắc tay súng để bảo vệ Tổ quốc”…

“Vò võ” nuôi con…

Sinh năm 1985, sau khi tốt nghiệp THPT, thiếu nữ Đoàn Thị Liên rời quê lúa Thái Bình lên Điện Biên học tập tại Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên. Run rủi thế nào, cô và chàng trai khôi ngô, rắn rỏi tên Kiên gặp nhau.

Thế là hai người nên nghĩa vợ chồng. Ra trường, cô được phân công công tác tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Còn ông xã thì đóng quân tại Đồn biên phòng A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) xa xôi. 

Về sau cô Liên được luân chuyển công tác theo nguyện vọng tại Trường Mầm non 19/5, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên. Tiếng là cùng tỉnh, song nơi công tác của mỗi người lại cách nhau đến tận 250 cây số.

Năm 2008, hai người mừng rỡ khôn nguôi khi sinh được con trai đầu lòng. Băn khoăn, tính toán mãi, cả hai quyết định đặt tên con là Phạm Đình Hiếu những mong sau này con lớn khôn sẽ cảm thông với hoàn cảnh éo le của bố mẹ, gia đình để sống hiếu nghĩa với bố mẹ, ông bà và người thân.

Cứ tưởng hạnh phúc của gia đình nhỏ gần như viên mãn, song thế nào bệnh tình lại đến với Hiếu quá sớm khi mới tròn 4 tuổi. Năm 2012, Hiếu bị bệnh giảm tiểu cầu. Chị Liên chỉ biết người ta gọi đó là bệnh hiểm nghèo.

“Em thấy bác sĩ bảo, bệnh này nó cứ phát ra. Sau này khỏe được thì tốt, còn không thì bệnh cứ theo cả đời như thế. Nên gia đình cũng xác định rằng cháu sẽ sống chung với bệnh. Nhớ lần đầu nhập viên, các y, bác sĩ cũng thương tình, họ cho liều thuốc tốt nhất để mong cháu sớm khỏi bệnh, nhưng chỉ đỡ chứ chưa thuyên giảm được là bao”, cô Liên nhớ lại.

“Hoàn cảnh của cô Liên khá đặc biệt. Cũng vì con ốm, mẹ đau nên chúng tôi thường xuyên động viên về tinh thần, đồng thời tạo điều kiện cho cô ấy Liên về công tác tại trường thuận lợi để có thời gian chăm sóc, dạy dỗ con”, cô giáo Trần Thị Hiếu - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Mường Lay chia sẻ. 

Rau cháo có nhau

Công tác tại đơn vị bộ đội xa nhà gần 300km, anh Kiên luôn đau đáu nỗi nhớ nhà. Anh sợ nhất mỗi lúc nghe tin vợ ốm, con đau. Cũng bởi điều kiện công tác khá đặc biệt. Lúc nào thì nhân dân cũng luôn cần đến các anh để bảo vệ miền biên viễn được bình yên. 

Bởi thế, mỗi lần được trở về bên mái ấm gia đình trong mấy ngày phép ngắn ngủi, anh Kiên lúc nào cũng chỉ muốn quấn lấy vợ, con như thể bù đắp lại khoảng thời gian dài xa vắng. Những việc nhà anh làm tất cả dù là những việc lặt vặt như: Lau nhà, rửa bát, nấu cơm, giặt giũ… như để thỏa niềm vui bé nhỏ của người vợ hiền.

“Bộ đội là thế đấy ạ! Mỗi khi về nhà, anh ấy cặm cụi sửa từ bóng đèn, ổ điện, đường nước sinh hoạt, nhặt cỏ… chăm chỉ lắm ý. Đúng chất anh bộ đội Cụ Hồ. Biết là các anh ấy ở biên giới xa xôi, vất vả nên mẹ con em luôn tự hào về bố. Em cứ nói đùa với cháu nhà em rằng: Bố con tên Kiên nghĩa là Kiên cường, vững chắc, là chỗ dựa cho mẹ con mình. Vì về mà sau này con phải cố gắng học giỏi, chăm ngoan, vâng lời để bố yên tâm công tác”, cô Liên tâm sự.

Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi đi. 12 năm nay cô Liên vẫn cứ vò võ một mình vừa dạy dỗ, vừa chăm sóc con. Cũng bởi mẹ ốm, con đau triền miên, có thời điểm thuốc uống thay cơm, nên tiền bạc làm ra chẳng đủ để chữa bệnh chứ nói gì đến tích lũy. Mọi chi tiêu, sinh hoạt của gia đình đều giảm sút. 

“Từ khi anh nhà em biết con mắc bệnh, vợ ốm đau thì anh ấy yêu thương vợ con nhiều hơn. Gia đình bố mẹ chồng em cũng thế. Mọi người không hắt hủi, dè bỉu mà ngược lại, lại yêu thương mẹ con em hơn.

Quê thì tận Thái Bình, nhưng cứ có con gà, quả trứng thì ông bà lại gửi xe ca nhờ mang lên để cho con dâu, cho cháu nội bồi bổ sức khỏe. Điều đó khiến em cảm thấy hạnh phúc và như quên hết mệt mỏi để bước tiếp”, cô Liên rơm rớm nước mắt kể lại.

“Hoàn cảnh của cô Liên khá đặc biệt. Suốt bao năm qua, vợ chồng cô ấy cứ làm được bao nhiêu thì dồn hết vào chữa chạy bệnh tật. Mới đây, cả hai vợ chồng tích lũy, vay mượn bạn bè, mua được mảnh đất nhỏ để ở. Biết hoàn cảnh của cô như vậy nên tôi cũng đề xuất với Công đoàn ngành GD-ĐT tỉnh Điện Biên hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng “mái ấm công đoàn”. Ngoài ra, gia đình cô cũng vay mượn từ bạn bè, người thân để góp thêm vào đó. 

Về phía Phòng GD&ĐT, chúng tôi cũng thường xuyên quan tâm, chia sẻ, động viên, tạo điều kiện trong công việc để cô yên tâm công tác. Bản thân cô là giáo viên dạy giỏi, luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy của mình”, bà Trần Thị Hiếu - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Mường Lay chia sẻ.

Bệnh tình là thế, ốm đau cũng thế, song cô Liên vẫn luôn một lòng yêu nghề, mến trẻ. Cô vẫn bám bản, bám trường để dạy dỗ các em thơ là con em đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn thị xã Mường Lay thơ mộng. Về phần mình, cô vẫn hăng say lao động để viết tiếp câu chuyện về tấm gương hy sinh của một nhà giáo vùng cao với vai trò là cô, là mẹ và là bác sĩ cho đứa con bé bỏng của mình mỗi lúc trái nắng, trở trời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thành phố cổ Petra, Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới.

Thành phố cổ ẩn giấu nhiều bí ẩn

GD&TĐ - Petra, thành phố cổ kỳ bí nằm ở Tây Nam Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới với những công trình chạm khắc từ đá sa thạch hồng.

Áp phích có hình chữ V ở Mỹ trong Thế chiến II.

Dấu hiệu chữ V có từ khi nào?

GD&TĐ - Một cử chỉ được thực hiện bằng cách giơ ngón trỏ và ngón giữa với lòng bàn tay hướng ra ngoài được gọi là 'dấu hiệu chữ V', biểu tượng chiến thắng.

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.