Giáo viên “cắm bản” ăn Tết “3 cùng” với phụ huynh, học sinh

GD&TĐ - Với những giáo viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ăn Tết cùng học sinh và dân bản cũng là cách “dân vận khéo”, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục vùng khó.

Lễ hội "Xuân yêu thương, Tết sum vầy" của Trường tiểu học Nậm Cắn I
Lễ hội "Xuân yêu thương, Tết sum vầy" của Trường tiểu học Nậm Cắn I

Thực hiện nghiêm túc “5K” phòng chống Covid-19

Cô Nguyễn Thị Lệ - Hiệu trưởng Trường Mầm non Văn Lăng (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) cho biết, trường có 7 điểm trường, nằm rải rác ở các xóm bản. Các điểm trường cách xa nhau, khoảng cách gần nhất giữa các điểm trường là 4 km, có điểm trường cách xa nhau lên tới 13 km - đó là điểm trường Liên Phương và điểm trường Bản Tèn.

Những năm trước, vì đường sá xa xôi nên nhiều giáo viên ở lại ăn Tết cùng bà con dân bản. Vì thế, chuyện ăn Tết “3 cùng”: Cùng chuẩn bị Tết, cùng ăn và cùng tham gia sinh hoạt tập thể của giáo viên “căm bản” với học sinh, phụ huynh là chuyện không hiếm gặp. 

Dù còn thiếu thốn về vật chất nhưng bà con đồng bào rất tình cảm, gần gũi, có quà bánh gì cũng nhớ đến cô, nên cô cũng vơi đi nỗi nhớ nhà. “Ở lại ăn Tết với bà con, cũng là cách để chúng tôi làm công tác dân vận, giúp người dân nâng cao nhận thức về sự học” – cô Lệ chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Lệ (ngoài cùng bên phải - hàng 2) cùng các học trò của mình. Ảnh: NVCC
Cô Nguyễn Thị Lệ (ngoài cùng bên phải - hàng 2) cùng các học trò của mình. Ảnh: NVCC

Cô Lệ cho hay, năm nay hầu hết giáo viên về nhà, sum vầy bên gia đình. Trước khi học sinh nghỉ Tết, nhà trường tổ chức tặng quà cho học sinh, để các em luôn nhớ trường, nhớ lớp, nhớ cô giáo của mình.

“Ở vùng cao, việc giáo viên “đi Tết” học trò là chuyện thường tình. Quà Tết, đơn giản là gói kẹo, hộp mứt... nhưng tình cảm cô – trò thêm gắn kết, hân hoan đón chào xuân mới và hẹn ngày trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết” – cô Lệ bộc bạch, đồng thời cho biết:

Nhà trường không quên nhắc nhở phụ huynh bảo vệ sức khỏe, phòng chống Covid – 19 cho con em; thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K do ngành Y tế khuyến cáo: Khẩu trang – Khử khuẩn – Không tụ tập đông người – Khoảng cách – Khai báo y tế.

Một lớp học Tin của Trường Phổ thông dân tộc nội trú Ka Lăng (Mường Tè, Lai Châu). Ảnh: NVCC
Một lớp học Tin của Trường Phổ thông dân tộc nội trú Ka Lăng (Mường Tè, Lai Châu). Ảnh: NVCC

Vui xuân mới nhưng không quên nhiệm vụ

Thầy Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Ka Lăng (Mường Tè, Lai Châu) chia sẻ, trước đây, sau mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nỗi lo về tỷ lệ chuyên cần học sinh luôn thường trực với giáo viên vùng cao, biên giới. Nhưng nhờ có chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT nên nhiều năm nay không còn tình trạng giáo viên “phải đến từng ngõ, gõ từng nhà” vận động học sinh đến trường.

Trước khi nghỉ Tết, nhà trường tuyên truyền vận động đến từng học sinh, phụ huynh vui xuân đón Tết nhưng không quên nhiệm vụ học tập; đặc biệt nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19. Thực nghiệm nghiêm túc thông điệp “5K” mà ngành Y tế đã khuyến cáo.

Bên cạnh đó, nhà trường cắt cử giáo viên bản địa, bám sát địa bàn, dân cư, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của học sinh, phụ huynh nhằm thông tin với nhà trường để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Vì thế, với những giáo viên bản địa, họ phải đóng nhiều vai: Vừa là người thầy, vừa là người nhà, vừa là người dân vận khéo và là những “chân rết” đưa ánh sáng tri thức về thôn bản.

Hoạt động vui chơi trong Chương trình "Xuân yêu thương, Tết sum vầy" của Trường tiểu học Nậm Cắn I. Ảnh: NVCC
Hoạt động vui chơi trong Chương trình "Xuân yêu thương, Tết sum vầy" của Trường tiểu học Nậm Cắn I. Ảnh: NVCC

Nhiều năm gắn bó với vùng cao, cô Nguyễn Thị Phương – Hiệu trưởng Trường tiểu học Nậm Cắn I (Kỳ Sơn, Nghệ An) bộc bạch: Học sinh và bà con dân bản rất tình cảm. Tết cũng đến nhà thăm hỏi, chúc Tết, rồi biếu thầy cô những món quà nho nhỏ. Quà Tết có khi là những chiếc bánh do gia đình tự gói, có khi là mớ rau, hộp phấn màu, cây bút máy, quyển sổ…

Cô Phương cho biết, trước khi nghỉ Tết Tân Sửu, nhà trường tổ chức lễ hội “Xuân yêu thương – tết sum vầy” – một hoạt động ý nghĩa giúp nhà trường – gia đình – xã hội thêm găn kết. Đây cũng là cách để giúp học sinh thêm gắn bó, yêu trường, yêu lớp, đồng thời vui xuân mới nhưng không quên nhiệm vụ học tập và phòng chống đại dịch Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ