Đất dự án bỏ hoang tại Hà Nội: Trách nhiệm thuộc về ai?

GD&TĐ - Trong khi nhiều quận, huyện không còn quỹ đất để xây dựng trường học, các lớp học quá tải về sĩ số thì toàn TP có hàng trăm dự án đất bỏ hoang cả chục năm. Hàng nghìn ha đất chỉ dùng để nuôi… cỏ dại và bị sử dụng sai mục đích như làm bãi gửi xe, rửa xe, sân bóng... Trách nhiệm thuộc về ai?

Dự án trên đường Thành Thái (Cầu Giấy) đang tập kết nguyên vật liệu và trông xe .	Ảnh: T.G
Dự án trên đường Thành Thái (Cầu Giấy) đang tập kết nguyên vật liệu và trông xe . Ảnh: T.G

Hàng trăm dự án vi phạm

Việc sáp nhập Hà Tây về Hà Nội để mở rộng Thủ đô khiến hàng loạt dự án được sinh ra. Những mảnh ruộng màu mỡ, canh tác lâu đời của người nông dân ven đô nhanh chóng trở thành các dự án nghìn tỉ đồng. Thế nhưng, hàng chục năm qua, nhiều dự án vẫn đắp chiếu.

Trao đổi về vấn đề này, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm Môi trường đô thị và Công nghiệp cho biết: “Các dự án xuất hiện khi quy hoạch Hà Nội mở rộng, có nhiều quyền lợi nhóm lợi ích. Họ đầu tư mở đường chạy qua dự án, tạo cơn sốt đất ảo để kiếm lợi nhuận, lừa phỉnh nhiều người mua đất. Thời điểm đó chính là khi nhập Hà Đông, Hà Tây vào Hà Nội và quy hoạch Thủ đô, các trục Hà Nội – Ba Vì, các khu sinh thái... khiến người dân mất đất, trong khi dự án thì treo cả chục năm. Nhiều khu nhà ở xây dựng như trên đường ra sân bay Nội Bài, đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, dọc đường 32, Đại lộ Thăng Long thành nhà hoang”.

Điều khó hiểu là, theo như báo cáo của Sở TN&MT TP Hà Nội thì toàn TP hiện chỉ có gần 170 dự án có dấu hiệu vi phạm (chiếm 23,1%), với hình thức và mức độ khác nhau. Song chủ yếu nhất là dự án chậm tiến độ, chậm hoàn thành công tác, chậm nghĩa vụ tài chính.

Thế nhưng, theo kết quả giám sát của HĐND TP Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai lại hoàn toàn “vênh” khi con số cụ thể lại lên tới 383 dự án. Tiêu biểu nhất là các quận ven đô như: Hoài Đức (51 dự án), Mê Linh (50 dự án), Nam Từ Liêm (48 dự án), Hoàng Mai (25 dự án), Bắc Từ Liêm (23 dự án). Gần đây nhất, dư luận cũng rất bức xúc khi gần 2.000ha đất dự án đô thị ở huyện Mê Linh bị bỏ hoang.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Năm nào TP Hà Nội cũng có những đợt thanh, kiểm tra rà soát dự án nhưng gần như đâu vẫn vào đó. Các dự án thực tế vẫn án binh bất động, làm lãng phí tài nguyên đất, mất đi cơ hội canh tác cũng như cơ hội đầu tư của các dự án khác. Khi dư luận lên tiếng, người dân mất đất bất bình, Chính phủ đã vào cuộc, yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra và xử lý phản ánh của báo chí liên quan đến vấn đề trên tại huyện Mê Linh. Nhiều dự án khác cũng bắt đầu “chạy” bằng cách xin điều chỉnh quy hoạch. Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô làm chủ đầu tư dự án Khu đô thị Hà Đô Dragon City (Hoài Đức) “đắp chiếu” cả chục năm đã xin đầu tư khoảng 200 - 300 căn nhà ở thấp tầng, biệt thự liền kề, bỏ chung cư cao tầng.

Bà Nguyễn Thị Hà, người dân phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) cho biết: Nếu như trong nhiệm kỳ HĐND phường trước, toàn phường có tới 12 dự án treo, trong đó có 4 - 5 dự án xây dựng trường học ngoài công lập. Đó là sự bất cập bởi cả phường từ bậc mầm non đến THCS, mỗi bậc học chỉ có một trường, khiến sĩ số có năm lên đến hơn 60 cháu/lớp. Người dân kiến nghị nhiều nhưng lực bất tòng tâm. Ngã tư đường Trương Công Giai với Thành Thái, hai dự án đang dùng làm bãi tập kết nguyên vật liệu và đỗ xe”.

Tốc độ các dự án triển khai chậm chạp do rất nhiều nguyên nhân, hậu quả của nó ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực như xã hội, kinh tế, môi trường... GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng lý giải: “Tôi cho rằng, trách nhiệm thuộc về cả hai phía, cả cơ quan quản lý và chủ dự án. Với cơ quan quản lý lúc cấp phép không nhìn thấy năng lực của dự án đầu tư. Bên đầu tư thiếu trách nhiệm, một phần cũng vì mục đích lợi nhuận, quảng cáo đầu tư nhưng lại không có năng lực thực hiện, lừa dối các nhà đầu tư. Đầu tư ảo, quả bóng bất động sản vỡ, giống như Thái Lan trước đây”.

GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cũng khẳng định với báo chí: “Theo Luật Đất đai, dự án sau 12 tháng không triển khai là bị thu hồi. Sau 24 tháng không đúng tiến độ cũng phải thu hồi. Dự án chậm đến 10 năm không thay đổi quy hoạch thì cũng phải thu hồi mà thay đổi quy hoạch thì cũng phải thu hồi bởi vì 2 quy định khác nhau”.

Con số thu hồi dự án vẫn còn quá ít so với thực tế. Hà Nội cần có chế tài đủ mạnh mới có thể xử lý được các dự án “chiếm đất” lại bỏ hoang.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Diếp thơm

GD&TĐ - Nó cứ luấn quấn bên chân mẹ rồi 'vén' mũi lên mà hít hà. Cái mùi hương này sao mà quyến luyến đến thế kia chứ.

Một mối lo ngại khi sinh con của người trẻ tuổi ở Nam Á là chi phí sinh nở. Ảnh: UNICEF

Đằng sau xu hướng không sinh con ở Nam Á

GD&TĐ - Hầu hết các quốc gia ở Nam Á đang phải vật lộn với tăng trưởng kinh tế chậm, lạm phát gia tăng, tình trạng thiếu việc làm và nợ nước ngoài.