Hại nhiều hơn lợi?
Nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than đã chính thức tích trữ nước khi cửa xả đáy số hai đóng vào ngày 6/4. Điều này đồng nghĩa với việc, dự án thủy điện lớn thứ hai thế giới đã thực hiện một bước quan trọng để hướng tới mục tiêu phát điện vào ngày 1/7.
Với việc đóng cửa xả, mực nước hồ chứa bắt đầu tăng và sẽ đạt mức 775 mét vào giữa tháng 6. Nhờ đó, đáp ứng các điều kiện phát điện. Từ tháng 8 đến tháng 9, nước trong hồ sẽ được tích trữ đến 800 mét và sau đó là 825 mét vào tháng 6/2022.
Tổng dung tích chứa của đập Bạch Hạc Than sẽ là 20,627 tỷ mét khối, chiếm 91% lưu vực sông Kim Sa. Đây là một phần quan trọng của hệ thống kiểm soát lũ sông Dương Tử, có dung tích 7,5 tỷ mét khối.
Tổng công suất lắp đặt của nhà máy điện đứng thứ hai thế giới này là 16 triệu KW. Công suất của một tổ máy đứng đầu thế giới ở mức 1 triệu kilowatt. Nguồn điện mới sẽ giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu trung hoà phát thải carbon.
Trạm thủy điện Bạch Hạc Than là một phần quan trọng của hệ thống kiểm soát lũ lụt ở lưu vực sông Dương Tử. Đồng thời, Bạch Hạc Than là một dự án mang tính bước ngoặt trong sự phát triển của ngành thủy điện toàn cầu.
Tuy nhiên, trong khi một số người đưa ra thông tin về năng lượng sạch của thủy điện, không ít ý kiến cho rằng, nó có thể gây ra thiệt hại khôn lường tới sự đa dạng sinh học, xói mòn đất, làm mất các địa điểm văn hóa và khảo cổ. Thậm chí, khoảng hơn một triệu người sẽ phải di dời.
Mặc dù chính phủ vẫn chưa tiết lộ cách tiếp cận chi tiết để đáp ứng mục tiêu đạt mức trung hòa carbon vào năm 2060, thủy điện đã được đề cao trong kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 cũng như tầm nhìn 2035.
Cả hai đều đã được thông qua bởi Cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc vào tháng 3. Trong các kế hoạch đó, chính phủ nêu ý định “đẩy mạnh xây dựng cơ sở thủy điện ở tây nam Trung Quốc”. Đồng thời, thúc đẩy năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
“Các con đập sẽ là sự hỗ trợ vững chắc cho ngành năng lượng của Trung Quốc và giảm phát thải carbon. Việc xây dựng các nhà máy thủy điện có thể mang lại lợi ích cho tưới tiêu, vận tải biển và sản xuất điện, với giá trị kinh tế - xã hội to lớn”, Giáo sư Lu Qiang của Đại học Thanh Hoa cho biết.
Lin Boqiang - Chủ nhiệm Viện Nghiên cứu Chính sách Năng lượng Trung Quốc của Đại học Hạ Môn, cho biết nước này được thiết lập để mở rộng công suất thủy điện. Bởi, nước là năng lượng sạch rẻ nhất có thể được sử dụng ổn định.
“Việc xây dựng đập vẫn còn gây tranh cãi ở Trung Quốc vì những lo ngại về môi trường. Tuy nhiên, sự phản đối không còn mạnh mẽ như trước, bởi vì nhu cầu đạt được mức độ trung hoà carbon ngày càng cấp thiết”, ông Lin nhận định.
Hoạt động xây dựng đập của Trung Quốc bắt đầu từ những năm 1950 và được đẩy mạnh trong hai thập kỷ qua. Vào cuối năm 2018, thủy điện Trung Quốc có công suất 352GW, chiếm 28% tổng công suất toàn cầu và gấp hơn ba lần so với bất kỳ quốc gia nào khác.
Ảnh hưởng nặng nề
Vào thời điểm Bạch Hạc Than phát huy hết công suất vào cuối năm sau, Trung Quốc sẽ là quốc gia có 5 trong số 10 nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới. Tốc độ phát triển đó đã làm dấy lên lo ngại về tác động của đập thuỷ điện. Tổ chức Bảo tồn Đa dạng Sinh học và Phát triển Xanh Trung Quốc cho biết đang theo dõi chặt chẽ các dự án xây dựng đập mới.
Wang Jing - phát ngôn viên của tổ chức, cho biết: “Người ta đã chứng minh rằng, việc xây dựng đập gây hại cho hệ thống sinh thái và tác động đến môi trường sống của động vật hoang dã. Chúng tôi lo rằng, một số nơi sẽ tăng cường phát triển các dự án thủy điện để phục vụ cho mục tiêu của chính phủ là trung hòa carbon”.
Theo Fan Xiao - nhà địa chất học kiêm kỹ sư trưởng của Cục Địa chất và Khoáng sản Tứ Xuyên, các con đập có tác động xấu đến môi trường sinh thái địa phương. Đặc biệt là đối với đa dạng sinh học động vật thủy sinh.
Fan cho biết, chúng làm chậm tốc độ dòng nước và giảm dung tích cũng như độ tinh khiết của nước. Từ đó, phá hủy môi trường sống của động vật thủy sinh và cản trở sự di cư của cá.
Các nhà khoa học Trung Quốc vào năm 2019 đã thông báo về sự tuyệt chủng của cá mái chèo. Đây là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới. Chúng còn được gọi là cá kiếm Trung Quốc, với chiều dài 7 mét. Loài cá này được cho là đã tuyệt chủng từ năm 2005 - 2010.
Các nhà nghiên cứu phát hiện, việc xây dựng đập Cát Châu Bá trên sông Dương Tử từ những năm 1970 là một yếu tố chính góp phần vào sự suy giảm của loài này, bằng cách ngăn cá tới nơi sinh sản duy nhất của chúng ở thượng nguồn.
Theo các nhà khoa học, hệ thống sông đang gặp khó khăn chứa hơn 4.000 loài thủy sinh. Tuy nhiên, việc xây đập, đánh bắt quá mức, giao thông đường thủy và ô nhiễm đã gây ra nhiều thiệt hại, với trữ lượng cá giảm dần và đa dạng sinh học suy giảm nhanh chóng.
Ông Fan cho rằng, việc xây dựng thêm các nhà máy thủy điện không phải là cách tốt nhất để giảm lượng khí thải carbon. “Nước là một loại năng lượng sạch, nhưng chúng ta không thể bỏ qua việc thải ra lượng lớn carbon từ quá trình xây đập, đào đất và di dân”, chuyên gia này cảnh báo.