Giữ gìn và bảo vệ môi trường sống ở Thủ đô

"Hà Nội sẽ xem xét cơ chế để xã hội hóa đầu tư lĩnh vực này. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thành phố sẽ thực hiện nhằm góp phần bảo vệ và giữ gìn môi trường sống ở Thủ đô" - Đó là điều được Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, tại hội thảo "Giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực quan trắc môi trường TP Hà Nội", do UBND TP tổ chức sáng 26-6, tại Hà Nội. Cùng dự hội thảo có lãnh đạo các sở, ngành và chuyên gia, nhà khoa học CHLB Đức.

Giữ gìn và bảo vệ môi trường sống ở Thủ đô
Giu gin va bao ve moi truong song o Thu do - Anh 1

Chủ tịch UBND TP Hà Nội nguyễn Đức Chung cùng nhóm chuyên gia CHLB Đức bàn về xử lý môi trường. Ảnh: KTĐT

Từ thách thức do môi trường ô nhiễm

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã có những đầu tư nhất định trong kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án xử lý ô nhiễm môi trường còn chậm; quan trắc và kiểm soát nguồn thải còn yếu; ý thức bảo vệ môi trường của các tổ chức và cá nhân còn thấp; công nghệ sản xuất lạc hậu ảnh hưởng đến chất lượng môi trường chung của thành phố.

Cụ thể, về chất lượng môi trường không khí đa phần chất lượng môi trường không khí toàn Thành phố đạt mức trung bình cho cả các tháng mùa mưa cũng như các tháng mùa khô. So với những năm từ 2010 trở về trước, chất lượng không khí tại các khu vực dân cư, khu công nghiệp có xu hướng được cải thiện dần theo thời gian, riêng chỉ tiêu Benzen có xu hướng tăng dần qua các năm do việc gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng), đặc biệt do sự gia tăng các phương tiện giao thông. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh kéo theo các hoạt động xây dựng cùng với sự gia tăng dân số cơ học, số lượng phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh... đã gây ra ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi và tiếng ồn. Nồng độ ô nhiễm bụi ở một số nơi tại 1 số thời điểm đã vuợt giới hạn cho phép.

Trong khi đó, với chất lượng môi trường nước mặt, mặc dù thời gian qua, Hà Nội đã có những nỗ lực để cải thiện tình hình ô nhiễm nước mặt như kè bờ, nạo vét khơi thông dòng chảy, phát chế phẩm sinh học xử lý tại các hộ gia đình, yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường... nhưng thực tế một số sông chảy trên địa bàn Thành phố (như sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét…) vẫn đang bị ô nhiễm, nước chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối, gây ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị. Còn chất lượng nước dưới đất tại một số huyện có dấu hiệu ô nhiễm nhẹ đối với các chỉ tiêu: Amoni, COD, Sắt và Mangan. Đặc biệt, tại một số quận, huyện (Hoàng Mai, Đông Anh, Thanh Trì, Long Biên) nước dưới đất có dấu hiệu bị ô nhiễm Asen. Còn các bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung sắp đầy. Dự báo, đến năm 2020, tổng lượng chất thải của thành phố hơn 14 nghìn tấn/ngày đêm; đến năm 2050 hơn 25 nghìn tấn/ngày đêm...

Đến bất cập trong công tác quan trắc

Quan trắc môi trường là quá trình theo dõi có hệ thống về môi trường, các yếu tố tác động lên môi trường nhằm cung cấp thông tin phục vụ đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường và các tác động xấu đối với môi trường. Có thể nói hoạt động quan trắc môi trường là “tai, mắt” giúp các cơ quan quản lý giám sát chất lượng môi trường, phục vụ kịp thời cho công tác quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn Thành phố. Việc quan trắc môi trường được thực hiện thông qua việc ghi nhận các chỉ tiêu môi trường qua thiết bị đo nhanh tại hiện trường hoặc lấy mẫu về phân tích tại phòng thí nghiệm.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Đông cho biết, Hà Nội có 2 trạm quan trắc nước mặt lưu vực Sông Nhuệ (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) và Sông Đáy (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) mới được đầu tư, do Tổng cục Môi trường quản lý, vận hành, chuẩn bị bàn giao cho Sở TN&MT. Trong 6 trạm quan trắc không khí cố định, có 2 trạm do Tổng cục Môi trường quản lý, 2 trạm do Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn và môi trường quốc gia quản lý, 2 trạm do Sở TN&MT quản lý. Nhưng hiện chỉ còn 2 trạm quan trắc (do Trung ương quản lý) còn hoạt động.

Đề cập đến vấn đề này, TS Friedhelm Schroeder chuyên gia hàng đầu môi trường của CHLB Đức chỉ rõ, so với các nước Châu Âu và công nghiệp phát triển, công tác quan trắc môi trường của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn chưa thực sự hiệu quả. Hà Nội đang thiếu các hệ thống quan trắc môi trường tự động đồng bộ và hiệu quả. Nhu cầu về hạ tầng trang thiết bị để bảo đảm chất lượng kết quả trong công tác này là rất bức thiết. "Cộng với đó, Thành phố chưa có nguồn tài chính bền vững để bảo đảm tốt việc vận hành, chi trả cho dịch vụ sau bán hàng, bảo dưỡng trang thiết bị" - TS F. Schroeder nhấn mạnh.

Hướng mở cho việc cải thiện môi trường Hà Nội

Theo quy hoạch, đến năm 2020, Hà Nội có 359 điểm quan trắc không khí; 7 trạm quan trắc tự động, liên tục (trong đó có 1 trạm quan trắc nền)... Thời gian tới, Hà Nội sẽ mua thiết bị đo nhanh cầm tay; đầu tư xây dựng trung tâm truyền - nhận, xử lý dữ liệu từ các trạm quan trắc tự động; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm các cơ sở sản xuất có lưu lượng xả thải lớn hơn 1.000m3/ngày đêm, nhưng không lắp đặt hệ thống quan trắc tự động truyền số liệu về Sở TN&MT...

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, trong chiến lược phát triển những năm tới, Hà Nội ưu tiên hàng đầu, sẽ đưa ra các giải pháp đồng bộ và quyết tâm cải thiện căn bản vấn đề môi trường cũng như các giải pháp quản lý chặt chẽ việc ứng xử với môi trường trên địa bàn trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị, nhóm chuyên gia của CHLB Đức hỗ trợ Hà Nội trong việc xây dựng hệ thống quan trắc tự động không khí và nước; đào tạo nguồn nhân lực; Xây dựng triển khai hệ thống và có trung tâm xây dựng, phân tích đưa ra giải pháp cho Thành phố, trong đó, mong muốn các chuyên gia nghiên cứu, xây dựng hệ thống quan trắc di động có thể lắp đặt trên các ô tô kết nối với trung tâm xử lý dữ liệu. Chủ tịch UBND Thành phố cũng khẳng định, Hà Nội sẽ xem xét cơ chế để xã hội hóa đầu tư lĩnh vực này. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thành phố sẽ thực hiện nhằm góp phần bảo vệ và giữ gìn môi trường sống ở Thủ đô.

Theo Hà Nội Mới

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.