Đào tạo tích hợp cử nhân – thạc sĩ

GD&TĐ - Mô hình đào tạo tích hợp cử nhân – thạc sĩ (5,5 năm) là một trong những hoạt động đổi mới của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhằm tạo điều kiện để sinh viên có thể tiết kiệm thời gian học tiếp lên bậc học cao hơn, trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả, chất lượng.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Chương trình tích hợp này được thiết kế dành cho những sinh viên ưu tú với mong muốn trở thành các chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt công nghệ lõi như Tự động hóa, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Robotics, Internet Vạn vật (IoT), Cảm biến và vi hệ thống, công nghệ nano... với năng lực cạnh tranh trong thị trường nhân lực toàn cầu.

Theo PGS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - các sinh viên ưu tú, cử nhân, kỹ sư tương lai sau khi tốt nghiệp đại học tìm công việc ổn định rồi mới quay trở lại học thạc sĩ sẽ mất nhiều thời gian và chi phí hơn so với học “liền mạch”.

Vì vậy, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã đổi mới chương trình đào tạo, tích hợp bậc đại học và sau đại học, đảm bảo tính liên thông kiến thức, bậc học, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên năm cuối đại học lập kế hoạch học thạc sĩ để có thể tốt nghiệp trong thời gian ngắn nhất.

Mô hình đào tạo Cử nhân – Thạc sĩ (4+1,5) với thời gian đào tạo thạc sĩ là 1,5 năm đối với sinh viên tốt nghiệp cử nhân và Kỹ sư - Thạc sĩ (5+1) với thời gian đào tạo thạc sĩ là 1 năm đối với học viên tốt nghiệp kĩ sư. Chương trình đào tạo tích hợp sẽ tập trung định hướng người học theo con đường nghiên cứu (thạc sĩ khoa học).

Đặc biệt, năm nay, lần đầu tiên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội xây dựng chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý Kỹ thuật – Công nghệ (Master of Engineering Technology Management - ETM) nhằm đào tạo người học trở thành những chuyên gia công nghệ, những nhà quản lý, lãnh đạo có kiến thức chuyên sâu về công nghệ, kỹ thuật mới, hiện đại, am hiểu về kinh tế quản lý, quản trị, xây dựng dự án và công nghệ thông tin theo xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0.

Mô hình đào tạo tích hợp cử nhân – thạc sĩ của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội bắt đầu triển khai từ năm 2017, nhận đối tượng là sinh viên đại học với học lực khá từ cuối năm thứ 3 và thứ 4 tham gia trong các nhóm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, thực hiện đề tài NCKH cùng với giảng viên hướng dẫn.

Trường miễn 100% học phí đối với tác giả chính bài báo tạp chí ISI, 50% đối với tác giả chính bài báo SCopus.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ