Tỉnh cử nhưng trường không nhận
Tại hội nghị tuyển sinh các trường ĐH, CĐ sư phạm vừa qua, ông Hà Văn Thanh, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ và Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng cho biết: Hằng năm, tỉnh đều có chỉ tiêu để gửi các trường ĐH đào tạo nhân lực ngành sức khỏe. Trước đây, chỉ tiêu này do Bộ GD&ĐT phê duyệt nhưng hiện do tỉnh và các trường ĐH tự phối hợp. Gần đây, Lâm Đồng có văn bản gửi Trường ĐH Y Dược TPHCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Y Dược Huế, Trường ĐH Tây Nguyên nhưng chỉ có Trường ĐH Y Dược Huế và Trường ĐH Tây Nguyên nhận đào tạo số sinh viên này.
Một trong các nguyên nhân khiến trường không mặn mà với việc đào tạo theo địa chỉ, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TPHCM, thời gian vừa qua, khi trường tuyển sinh xong mới nhận được danh sách cử đi học của các tỉnh, khiến trường bị động. Đồng thời, PGS Khôi đề nghị nên có cơ chế xác định các thí sinh ngay từ đầu vì thực tế có em trúng tuyển trường, ngành này, nhưng về sau lại có văn bản của tỉnh là chuyển trường khác, ngành khác.
Trong khi đó, đại diện Sở GD&ĐT Lâm Đồng cho rằng: Bộ GD&ĐT nên có ý kiến với các trường để tiếp nhận đào tạo sinh viên theo địa chỉ. Riêng đào tạo cử tuyển, từ năm 2004, Lâm Đồng không triển khai nữa. Lý do, nhiều em đi học nhưng lại chuyển ngành học khác mà không báo lại với tỉnh, trong khi ngành học các em chuyển qua học, tỉnh lại không có nhu cầu nhân lực, dẫn đến lãng phí.
Ở một khía cạnh khác, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng: Không chỉ các ngành khối sức khỏe, nhiều ngành học khác cũng diễn ra tình trạng không hiệu quả trong đào tạo theo địa chỉ. Theo PGS Dũng, có 2 lý do khiến đào tạo theo địa chỉ không hiệu quả: Nhiều sinh viên không theo nổi chương trình hoặc em học được chọn ở lại TPHCM chứ không về quê làm việc vì lương thấp và ít có cơ hội phát triển.
Bất cập từ đầu vào
Liên quan đến chất lượng đào tạo theo địa chỉ, tháng 7/2020, kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Đồng Nai khóa IX (2016 - 2021) thông qua Nghị quyết bãi bỏ chương trình đào tạo bác sĩ theo địa chỉ.
Trước đó, vào tháng 7/2014, HĐND tỉnh Đồng Nai ra Nghị quyết về việc đào tạo sinh viên đại học y, dược chính quy theo địa chỉ sử dụng. Qua 6 năm triển khai, có 353 thí sinh được đưa đi đào tạo và 181 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân y tế tốt nghiệp, sau đó được phân công về những đơn vị, địa phương còn thiếu hụt nhân lực, góp phần nâng tỷ lệ bác sĩ/ vạn dân của tỉnh từ 6,7 lên 8,2 trong giai đoạn vừa qua.
Tuy nhiên, trong số này có 56 trường hợp vi phạm cam kết (chiếm tỷ lệ 31%), không chấp hành phân công công tác, sẵn sàng đền bù kinh phí đào tạo để nghỉ việc, thậm chí có trường hợp không đền bù. Ngoài ra có 17 trường hợp bị buộc thôi học, xin thôi học. Hiện tỉnh này còn 154 thí sinh được cử đi đào tạo ngành y tại Trường ĐH Y Dược Cần Thơ và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM.
Số liệu UBND tỉnh Đồng Nai đưa ra, cuối năm 2019, Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Đồng Nai chấm dứt việc đào tạo bác sĩ theo địa chỉ. Bởi theo quy định việc hỗ trợ đào tạo theo địa chỉ chỉ áp dụng cho các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, UBND trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết bãi bỏ chương trình đào tạo theo địa chỉ, để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Tương tự, tỉnh Long An cũng ra quyết định dừng đề án đào tạo bác sĩ theo địa chỉ sử dụng từ tháng 6/2019. Đồng thời, Sở Y tế tỉnh Long An thực hiện thanh lý hợp đồng với 317 trường hợp sinh viên được hỗ trợ trong đề án Đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh. Đây là các sinh viên được chọn đào tạo cử nhân hệ chính quy đã thi vào đại học ngành y, dược… nhưng thiếu 0,5 - 1 điểm, được chọn để gửi đào tạo tại Trường ĐH Y Dược Cần Thơ.
Trước đó, một vụ việc gian lận trong làm hồ sơ cử tuyển gây chấn động tại tỉnh Bình Phước bị phanh phui. Tháng 6/2019, Công an TP Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) tiến hành điều tra bổ sung vụ việc sai phạm trong hồ sơ cử tuyển xảy ra tại tỉnh này. Trong đó, bị can Hoàng Ngọc Hiển (thời điểm xảy ra sai phạm là Phó phòng Giáo dục dân tộc, Sở GD&ĐT Bình Phước) được xác định có hành vi “Giả mạo trong công tác” để cho các học sinh đi học cử tuyển trái với quy định của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước thực trạng trên, PGS.TS Bùi Văn Hồng - Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho rằng: Để chính sách đào tạo theo địa chỉ, cử tuyển được thực hiện tốt, đáp ứng nhu cầu lao động, địa phương cần thống kê, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực qua đào tạo theo chu kỳ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để xác định bậc học và số lượng học sinh cử tuyển phù hợp. Địa phương phải cam kết tiếp nhận, bố trí việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo và năng lực chuyên môn của người học sau khi tốt nghiệp trở về. Yêu cầu người học cam kết về làm việc tại địa phương sau khi tốt nghiệp và có chế tài đủ mạnh để xử lý nếu người học không thực hiện đúng cam kết...