Học phí “khủng”
Năm 2020, khu vực phía Nam có nhiều trường ĐH tư thục tuyển sinh đào tạo lĩnh vực y dược như Văn Lang (VLU), Nguyễn Tất Thành (NTTU), Quốc tế Hồng Bàng (HIU), HUTECH, Tân Tạo (TTU), Lạc Hồng (LHU)…
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng hiện tuyển sinh đào tạo 8 ngành thuộc nhóm khoa học sức khỏe, trong tổng số 39 chương trình đào tạo (CTĐT) cử nhân của trường. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng tuyển sinh đào tạo 7 ngành thuộc khối sức khỏe gồm: Y khoa, Y học dự phòng, Dược, Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm, Kỹ thuật Y sinh, Vật lý Y khoa.
Đa số ngành y, dược có học phí dao động từ 30 - 200 triệu đồng/năm, trong đó ngành Dược (HUTECH) học phí khoảng 40 triệu đồng/năm, ngành Dược (LHU) học phí trung bình 36 triệu đồng/năm. Y đa khoa (TTU) học phí 150 triệu đồng/năm, Răng – Hàm - Mặt (HIU) học phí khoảng 198 triệu đồng/năm…
Theo ThS Bùi Quang Trung - Trưởng phòng Truyền thông và Marketing NTTU, năm 2020, mức học phí nhóm ngành sức khỏe của trường từ 1 - 1,4 triệu đồng/môn cơ sở; 1 - 2,9 triệu đồng/môn chuyên ngành và 660.000 đồng/môn cơ bản. Riêng ngành Y khoa, học phí sẽ dao động từ 20 triệu đến 26 triệu/học kỳ. Về cơ bản, mức học phí đối với SV khóa mới vẫn giữ ổn định so với
khóa trước.
Trong đợt xét tuyển ĐH 2020, Trường ĐH Văn Lang cho biết vừa được Bộ GD&ĐT cấp phép đào tạo ngành Răng – Hàm – Mặt trình độ ĐH với thời gian đào tạo 6 năm, SV tốt nghiệp nhận văn bằng bác sĩ. Điểm nhận hồ sơ là 24 điểm, kèm điều kiện học lực của năm học lớp 12 xếp loại giỏi. Ngành Răng – Hàm - Mặt của VLU có học phí khoảng 150 triệu đồng/năm…
Theo ThS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng thường trực VLU, bác sĩ Răng – Hàm – Mặt là ngành học thứ 48 của trường, trực thuộc khoa Y. Đây là ngành học có số năm đào tạo lâu nhất tại VLU. Trước đó, khối ngành sức khỏe của VLU bao gồm các ngành đào tạo: Dược học (thời gian học 5 năm, SV ra trường nhận văn bằng Dược sĩ), Kỹ thuật Xét nghiệm Y học (thời gian học 4 năm, SV ra trường nhận văn bằng Cử nhân Kỹ thuật Xét nghiệm Y học), Điều dưỡng (thời gian học 4 năm, SV ra trường nhận văn bằng Cử nhân)...
Bảo đảm chất lượng đầu ra
Nói về lý do ngày càng nhiều cơ sở GDĐH tư thục đầu tư mở CTĐT tạo khối ngành sức khỏe, ThS Mai Đức Toàn – Giám đốc Tuyển sinh và Truyền thông TTU cho rằng: Nhu cầu xã hội luôn cần nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực sức khỏe. Đó cũng là lý do mà các bệnh viện cần đội ngũ y tế giỏi, đồng thời các trường cũng mong muốn đáp ứng yêu cầu này.
Trong số 8 ngành đào tạo tại TTU có tới 3 CTĐT thuộc khối ngành sức khỏe (Y đa khoa, Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm Y học). “TTU là trường đầu tiên đào tạo song ngữ (Anh, Việt) ngành Y. Hiện ngành Y của trường có chương trình thực tập cho SV tại Hoa Kỳ hàng năm và trường cũng tổ chức cho SV tham gia thi chứng chỉ hành nghề y tại Hoa Kỳ (UsMLE). Năm 2019, nhà trường được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo 2 ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật Xét nghiệm Y học chuẩn song ngữ theo khung đào tạo Hoa Kỳ tại Việt Nam…” - ThS Mai Đức Toàn
chia sẻ.
Cũng theo ThS Võ Văn Tuấn, với định hướng đầu tư chiến lược cho nhóm ngành sức khỏe, trong 3 năm qua, VLU liên tục phát triển CTĐT, mở các ngành cơ bản và mũi nhọn trong lĩnh vực y, dược, kỹ thuật y học. Khối ngành sức khỏe đã góp phần tạo nên uy tín, thương hiệu cho VLU, đồng thời nhà trường đã và đang đầu tư rất lớn cho các mô hình bệnh viện – trường học, phòng khám đa khoa, phòng thí nghiệm dành riêng cho các ngành sức khỏe…
“Với định hướng giáo dục ứng dụng, VLU xây dựng CTĐT Bác sĩ Răng – Hàm - Mặt chú trọng phát triển kỹ năng thực hành. SV sẽ có nhiều giờ thực hành trên hệ thống mô phỏng (simulation) hơn so với CTĐT hiện hành. Nhà trường chú trọng kỹ năng phẫu thuật thực hành, giúp SV tốt nghiệp tự tin thực hiện các phẫu thuật từ đơn giản đến phức tạp trong nha khoa…” - ThS Võ Văn Tuấn chia sẻ.
Ngoài ra, ThS Võ Văn Tuấn cho biết, để tạo điều kiện cho SV khoa Y của trường được thực tập nhiều hơn, nhà trường chuẩn bị khánh thành đưa vào sử dụng phòng khám đặt tại cơ sở 2 (233A Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh) vào tháng 10/2020. Đồng thời, nhà trường có kế hoạch xây dựng bệnh viện trong thời gian tới, nhằm giúp SV có cơ hội thực hành và nhận chứng chỉ hành nghề, hoàn thiện những kỹ năng lâm sàng qua thực tế tại bệnh viện.
Theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng LHU, do là ngành đào tạo đặc thù nên nhà trường đầu tư khá tốt về lực lượng cố vấn. Kiểm soát CTĐT của ngành này đều là các thầy cô lâu năm kinh nghiệm của Trường ĐH Y Dược TPHCM về đảm nhiệm. Chất lượng CTĐT luôn phải được kiểm soát theo chu trình PDCA (hệ thống quản lý chất lượng), để có sự cải tiến liên tục.