Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao: Cần chuẩn đầu ra cho nhóm ngành

GD&TĐ - Nguồn nhân lực được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết đóng vai trò quan trọng làm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường du lịch cho từng doanh nghiệp, địa phương, rộng hơn là của cả quốc gia.

Sinh viên khoa Du lịch Trường Đại học Văn hóa TPHCM. Ảnh: TG
Sinh viên khoa Du lịch Trường Đại học Văn hóa TPHCM. Ảnh: TG

Do vậy, đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao là nhu cầu, đòi hỏi của xã hội với cơ sở GD.

Kiến thức chưa song hành cùng kỹ năng

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, mỗi năm, toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động; nhưng chỉ có khoảng 20.000 lao động tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo, trong số đó chỉ xấp xỉ 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, 2.100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch, còn lại là học sinh trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn dưới ba tháng. Điều này khiến nguồn nhân lực do các cơ sở đào tạo cung cấp cho thị trường chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là nguồn nhân lực quản lý. Ngay cả khi tuyển đúng người học ngành du lịch, các doanh nghiệp vẫn mất thời gian, công sức đào tạo lại. 

Trong quá trình này, doanh nghiệp cũng vướng phải không ít khó khăn, khi người quản lý kiêm vai trò đào tạo giỏi không nhiều, thường hướng dẫn theo kinh nghiệm là chủ yếu, thiếu kỹ năng, kiến thức cụ thể. Ngoại ngữ, tin học được coi là chìa khóa để hội nhập, song đây lại là điểm yếu lớn của nguồn nhân lực du lịch Việt Nam.

Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, có khoảng 60% lực lượng lao động của ngành biết ngoại ngữ nhưng chủ yếu là tiếng Anh (42%), tỷ lệ biết tiếng Trung Quốc chỉ 5%, tiếng Pháp 4%... Trong đó, số lao động có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ chỉ 15%, và cũng chỉ tập trung chủ yếu ở bộ phận làm hướng dẫn viên du lịch, lễ tân khách sạn. 

Về trình độ công nghệ thông tin, có hơn 60% lao động biết sử dụng máy tính, nhưng phần lớn chỉ đáp ứng những công việc đơn giản. Cùng với yếu kém trên, thực tế cho thấy, kỹ năng mềm, khả năng ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của lực lượng lao động du lịch cũng chưa được trang bị đầy đủ. 

Nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu. Ảnh minh họa
Nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu. Ảnh minh họa

Nhà trường, địa phương liên kết cùng đào tạo

Một trong những nguyên nhân do kết cấu khung chương trình đào tạo giữa các cơ sở khác nhau về tỷ lệ giữa khối kiến thức đại cương và chuyên ngành. TS Mai Hà Phương, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa TPHCM cho rằng có cơ sở quá thiên về trang bị kỹ năng mà không quan tâm đến trau dồi kiến thức nền, do đó chỉ tạo đội ngũ “thợ” chứ không thể tạo ra những người quản lý giỏi. 

Thêm vào đó, còn thiếu hệ thống giáo trình cốt lõi; tài liệu tham khảo khá phong phú nhưng chất lượng hạn chế. Trong khi đó, không thể sử dụng giáo trình nước ngoài để giảng dạy chính thức vì nội dung, tên môn học, hệ số tín chỉ… có sự khác biệt lớn; nhiều lĩnh vực chưa phù hợp điều kiện phát triển và đặc điểm của nước ta. 

Nhận định về những khó khăn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch giai đoạn hiện nay, theo PGS.TS Nguyễn Quyết Thắng - Trưởng khoa Du lịch Trường Đại học Công nghệ TPHCM, nguyên nhân do công tác định hướng nghề nghiệp về du lịch chưa phổ biến; hạn chế về thông tin dự báo nhân lực ngành du lịch qua  các năm. 

TS Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV- ĐHQG TPHCM bày tỏ: Các trường chưa chủ động trong quá trình đào tạo thông qua việc liên kết với địa phương dựa trên thế mạnh của trường mình như nghiên cứu về các sản phẩm du lịch, văn hóa, các giá trị về du lịch, sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành du lịch, PGS.TS Dương Văn Sáu - Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nêu quan điểm: Cần rà soát lại các mã ngành du lịch để định hướng đào tạo; phải có cơ chế riêng cho sinh viên, ưu tiên tuyển sinh đầu vào, học phí, ưu đãi việc làm. Để nâng cao nguồn nhân lực, cũng cần có chính sách ưu đãi sinh viên ngành du lịch như ngành sư phạm.

TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chính phủ có Nghị quyết 103/NQ-CP ban hành chương trình hoạt động thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị. Chính phủ cũng ban hành Quyết định 147/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT xây dựng Đề án Đổi mới cơ chế hoạt động, tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học về du lịch trình Chính phủ phê duyệt. Quan điểm của đề án nhằm đổi mới căn bản, toàn diện cơ chế hoạt động, tăng cường năng lực cho cơ sở giáo dục đại học đào tạo nhân lực trình độ đại học về du lịch nhằm phát triển quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực lao động để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo đó, các ngành đào tạo về du lịch sẽ tiếp cận theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trong các cơ sở giáo dục đại học; đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

PGS.TS Nguyễn Thị Nguyên Hồng - Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Thương mại đề xuất phối kết hợp trong chia sẻ dữ liệu giữa các nhà trường để có sự gắn kết. Đồng thời xây dựng chuẩn đầu ra cho nhóm ngành đào tạo du lịch. Các cơ sở đào tạo tiếp cận nhiều hơn với cơ sở giáo dục nước ngoài để nâng cao trình độ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.